Tập trung nguồn lực để Côn Đảo có sân bay xứng tầm
13/06/2022
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc đầu tư dự án nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo diễn ra vào chiều 12/6.
Cùng dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh; đại diện lãnh đạo Vụ Công nghệ và Hạ tầng, Văn phòng Ủy ban; đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty do nhà nước trực thuộc Ủy ban. Về phía tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh; ông Võ Văn Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành.
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tại buổi làm việc |
Xây dựng nhiều hạng mục
Sân bay Côn Đảo là sân bay cấp 3C theo tiêu chuẩn ICAO. Nhà ga hành khách đưa vào khai thác năm 2005 với công suất thiết kế 400 ngàn khách/năm. Sân bay đang phục vụ 3 hãng hàng không nội địa, gồm: Vasco, Bamboo Airways và Vietnam Airlines với 3 đường bay nội địa chiều TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ và ngược lại, tần suất khai thác 20-22 chuyến/ngày. Trong giai đoạn 2016-2020, sản lượng vận chuyển hành khách qua cảng tăng mạnh với tốc độ tăng trưởng 14%/năm. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản lượng hành khách giảm, nhưng dự báo giai đoạn 2022-2025 sẽ tăng 15%-20%.
Trước thực trạng đó, Bộ Giao thông vận tải đã có quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo đến năm 2030 đạt công suất 2 triệu hành khách/năm với 8 chỗ đỗ tàu bay, đáp ứng khai thác các loại máy bay Code C. Bộ Giao thông vận tải cũng xây dựng kế hoạch đầu tư các công trình tại cảng trong kế hoạch trung hạn 2021-2026. Các hạng mục đầu tư xây dựng tại cảng gồm: nhà ga mới công suất 2 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa công suất 4.400 tấn hàng hóa/năm; mở rộng sân đỗ tàu bay thành 8 vị trí; cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh 1.830mx45m (hiện tại là 1.830mx30m), hệ thống đèn tín hiệu; công trình quản lý bay. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.794 tỷ đồng.
Trong đó, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục công trình xây dựng sân đỗ, nhà ga hành khách, hạ tầng kết nối đồng bộ. Cục Hàng không Việt Nam đầu tư dự án nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn. Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam (VATM) đầu tư hệ thống bảo đảm hoạt động bay như Đài kiểm soát không lưu, AWOS và hạ tầng đồng bộ. Đối với các công trình cung cấp dịch vụ hàng không như kho xăng dầu hàng không, Bộ Giao thông vận tải kêu gọi hình thức đầu tư theo quy định tại Khoản 1, Điều 48 Nghị định 05/2021/NĐ-CP.
Tuy nhiên, mới đây, ACV đã kiến nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch các hạng mục đầu tư. Theo đó, trước mắt cần đầu tư 5 vị trí đỗ máy bay Code C (2 vị trí cho máy bay A321, 3 vị trí cho máy bay Embraer); mở rộng nhà ga hiện hữu đạt tổng diện tích 6.000m2 với công suất 1 triệu hành khách/năm, có khả năng khai thác lên đến 2 triệu hành khách/năm… Việc điều chỉnh này nhằm tận dụng nhà ga hiện hữu, hạn chế kinh phí xây dựng và sẽ nghiên cứu xây dựng nhà ga mới phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt khi nhu cầu tăng cao.