Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: Không ngừng kiến tạo để bứt phá

29/09/2023

Dù đối mặt với không ít khó khăn, thử thách khi đại dịch Covid-19 hoành hành kéo dài, cùng với những tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, biến động giá cả thị trường vật tư, xuất nhập khẩu… song Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) luôn phát huy tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, chủ động điều hành sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt vượt qua những thách thức, phát huy tối đa tiềm lực, ổn định sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, đáp ứng sản lượng than cho thị trường, bảo đảm cuộc sống công nhân mỏ. Hành trình không ngừng kiến tạo để bứt phá của TKV được ghi nhận với những bước tiến mới về hạ tầng công nghệ và trình độ khai thác, về trách nhiệm với địa phương trong công tác môi trường và an sinh xã hội, mục tiêu xây dựng mô hình doanh nghiệp xanh, phát triển bền vững.

Hành trình không ngừng kiến tạo để bứt phá

Ngành Than Việt Nam đã có lịch sử khai thác gần 180 năm, với trên 80 năm truyền thống vẻ vang, từ cuộc tổng bãi công ngày 12/11/1936 của hơn 3 vạn thợ mỏ đã giành thắng lợi rực rỡ. Trải qua những dấu mốc quan trọng từ khi thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam theo Quyết định số 563/TTg ngày 10/10/1994 của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 8/8/2005, Tập đoàn Than Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 199/2005/QĐ-TTg. Ngày 26/12/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (khi đó trực thuộc Bộ Công nghiệp) gia nhập Tập đoàn. Từ đây, Tập đoàn đã hoạch định mục tiêu, chiến lược để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Đội ngũ cán bộ công nhân, người lao động Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, lao động sáng tạo, tận tâm, tận lực trong sản xuất kinh doanh, giữ vững vai trò trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội. 

Dây chuyền công nghệ mới bốc xúc, vận chuyển than thành phẩm của TKV

Hành trình xây dựng và phát triển, từ một Tổng công ty Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất than, TKV đã trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh với 4 lĩnh vực kinh doanh chính là than, khoáng sản, điện lực và vật liệu nổ công nghiệp. Tính đến thời điểm hiện nay, Tập đoàn có 66 công ty con và đơn vị trực thuộc. 

Với vai trò là tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước về năng lượng, là công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ, vị thế của TKV ngày được khẳng định. Trong lĩnh vực kinh doanh chủ lực là công nghiệp than, kế thừa và phát huy truyền thống ngành Than, nhất là trong 5 năm gần đây, TKV đã đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành Than một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu than trong nước, luôn đảm bảo vai trò cung ứng năng lượng cho các ngành sản xuất trọng điểm, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghệ hóa, hiện đại hóa đất nước. So với năm đầu thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam (1994), toàn ngành mới chỉ sản xuất ở ngưỡng 7 triệu tấn than/năm, đến nay sản lượng than bình quân của TKV đạt từ 40-45 triệu tấn/năm, tăng gần 7 lần. Trải qua rất nhiều gian nan vất vả thăng trầm nhưng các thế hệ thợ mỏ TKV hôm nay có thể tự hào về những thành tích và đóng góp của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát huy tốt đa tiềm lực cùng những bước tiến mạnh mẽ về công nghệ khai thác

Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, chính phủ, các Bộ/ngành trung ương; sự ủng hộ tạo điều kiện của các địa phương, sự chủ động, linh hoạt, quyết liệt của ban lãnh đạo điều hành, kịp thời ban hành các giải pháp quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, TKV các đơn vị đã vượt qua những khó khăn, trở ngại, hoàn thành toàn diện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 tiến tới hoàn thành kế hoạch năm 2023 và 5 năm 2021-2025.

TKV đã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tập trung đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tích cực thực hiện chuyển đổi số. Đến nay, TKV đã áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và quản lý để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, tăng năng suất lao động, đảm bảo công tác an toàn, tiết kiệm tài nguyên và góp phần bảo vệ môi trường… Đặc biệt, công tác cơ giới hóa, tự động hoá trong khai thác, đào lò tại các đơn vị khai thác than, khoáng sản trong TKV được quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện. Đã xây dựng 15 phòng giám sát tập trung, điều khiển tập trung để thực hiện giám sát, điều khiển từ xa các công đoạn sản xuất...

Trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2023, công tác đầu tư trong Tập đoàn các công ty TKV được kiểm soát một cách chặt chẽ; thực hiện đầu tư tập trung chủ yếu cho các dự án, công trình phục vụ trực tiếp cho việc tăng năng lực sản xuất trong các lĩnh vực kinh doanh chính. Trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư, TKV chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; không triển khai các dự án đầu tư chưa được xem xét, tính toán, đánh giá hiệu quả kinh tế.

Có thể đánh giá từ năm 2021 đến nay, Tập đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, sản xuất đủ than để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước của các hộ tiêu dùng theo các hợp đồng dài hạn đã ký, góp phần cân đối vĩ mô, giữ ổn định sản xuất, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước ở mức cao; không những bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước mà còn có tích lũy được nguồn lực để thực hiện tăng vốn CSH trong giai đoạn tới. Tính từ năm 2021 đến nửa đầu 2023, Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 396, tỷ đồng, đạt 59% so với kế hoạch; tổng lợi nhuận trước thuế 18,6 tỷ đồng, đạt 103% so với kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước 57,7 tỷ đồng, đạt 55% so với kế hoạch; than sạch thành phẩm 103,6 triệu tấn, đạt 50% so với kế hoạch, sản lượng than tiêu thụ 117,3 triệu tấn, đạt 56% so với kế hoạch, sản lượng điện 23,4 tỷ kwh, đạt 46% kế hoạch; các sản phẩm khoáng sản: Đồng tấm 62,7 ngàn tấn, bình quân 25 ngàn tấn/năm; Alumin 3,6 triệu tấn bằng 57% Kế hoạch, bình quân 1,47 triệu tấn/năm. 

Đặc biệt, trong tháng 6/2023 vừa qua, trước tình hình nắng nóng gay gắt, thiếu mưa ở các tỉnh phía Bắc trong mùa khô, TKV đã nỗ lực để tăng năng lực sản xuất,  đảm bảo cung cấp đủ và bổ sung than theo nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện, được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình sản xuất, cung ứng điện và đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, quyết tâm, đồng hành, trách nhiệm của TKV đã triển khai hiệu qủa các biện pháp bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn điện. 

Chính công nghệ khai thác hiện đại là chìa khóa đổi mới diện mạo của ngành Than. Bằng quyết tâm chính trị và nỗ lực hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, TKV đã từng bước lựa chọn và áp dụng những mô hình khai thác phù hợp và hiệu quả. Các đơn vị khai thác than lộ thiên của TKV đều cơ bản thực hiện cơ giới hóa (CGH) ở tất cả các khâu sản xuất. Đồng thời, áp dụng đồng bộ thiết bị CGH công suất lớn để giảm chi phí. TKV đã đẩy mạnh đầu tư, đổi mới, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào hoạt động khai thác, chế biến than. Đến nay, tập đoàn đã và đang làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến; chủ động chế tạo, nội địa hóa nhiều máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất. Với các thiết bị và công nghệ tiên tiến, trong nửa đầu năm 2023, TKV cũng  đã để lại dấu ấn với lỗ khoan MK1227 có chiều sâu 1.320m - độ sâu kỷ lục của ngành Than.

Bên cạnh đó, một trong những công nghệ được TKV ứng dụng trong nhiều năm qua tại khu vực hầm lò là công nghệ khai thác than lò chợ chống giữ bằng giá khung và giá xích. Tuy không phải công nghệ mới nhất, hiện đại nhất, nhưng công nghệ này vẫn đang được nghiên cứu nhân rộng tại nhiều hầm lò của TKV do có nhiều ưu điểm về kết cấu, vận hành, độ an toàn, đặc biệt là phù hợp với điều kiện địa chất phức tạp ở nhiều mỏ.

Sản lượng khai thác than từ các lò chợ chống giữ bằng giá khung và giá xích liên tục tăng lên. Công nghệ khai thác than lò chợ này đã tạo bước đột phá về sản lượng và năng suất lao động cũng như mức độ an toàn so với các công nghệ khai thác sử dụng vì gỗ hoặc những loại vì thủy lực đơn chiếc trước đó. 

Hệ thống cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ trong khai thác than đã giúp cải thiện điều kiện làm việc cho thợ lò, hạn chế tác động đến môi trường, tiết giảm nhân công, tăng năng suất lao động. Đặc biệt, gia tăng mức độ an toàn và tối ưu hóa các công đoạn sản xuất than nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng thành công mô hình “Mỏ xanh, sạch, hiện đại, ít người”.

Với công nghệ khai thác than lộ thiên, TKV chỉ đạo các mỏ tiếp tục đầu tư phương tiện vận tải công suất lớn, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường. Công tác vận tải đất đá thải mỏ cũng được tính toán thực hiện bằng mô hình liên hợp giữa ô tô và băng tải, giúp giảm giá thành sản xuất và mở rộng biên giới khai thác. Đặc biệt, những năm gần đây, mô hình khai thác than lộ thiên được vận hành theo hướng thông minh hóa, với hệ thống CNTT được ứng dụng cho hầu hết công đoạn sản xuất than, từ khâu giao ca nhật lệnh bằng phần mềm, thống kê chuyến vận tải trực tuyến, cấp dầu liệu tự động, đến khâu sàng tuyển, chế biến và tiêu thụ than…

Các công nghệ tự động hóa, tin học hóa trong vận hành, điều khiển giám sát cũng được áp dụng triệt để, nhằm hiện đại hóa quá trình sản xuất, giảm lao động thủ công trực tiếp, tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Lộ trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp ngành Than cũng đang được triển khai từng bước, bài bản và khoa học. Từ năm 2021 đến nay, Tập đoàn đã ứng dụng hệ thống quản lý và khai thác dữ liệu địa chất; nâng cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; triển khai hệ thống hóa đơn điện tử với phần mềm báo cáo kế toán hợp nhất. Đây là những phần mềm hiện đại giúp các đơn vị TKV ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất, nâng cao quản lý điều hành, tiết kiệm thời gian xử lý đầu mối công việc.

Trên nền tảng hạ tầng sẵn có và những thành tựu ban đầu của công cuộc chuyển đổi số, TKV đặt mục tiêu chuyển đổi số thành công vào năm 2025. Theo đó, hầu hết các hoạt động của Tập đoàn sẽ được chuyển đổi trên nền tảng số, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, từ đó khẳng định vị trí vững vàng của ngành Than Việt Nam sẵn sàng đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp, đồng thời góp phần quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

TKV đóng vai trò trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển hiệu quả, bền vững

Phát triển bền vững hướng đến mục tiêu doanh nghiệp “xanh”

Trong chiến lược phát triển bền vững, TKV luôn xác định rõ: “Từ tài nguyên và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh; hài hoà với môi trường; hài hoà với địa phương và cộng đồng”; phát triển sản xuất, kinh doanh phải gắn liền với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững theo hướng kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. 

Trong những năm qua, Tập đoàn đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường cũng như giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh. Hằng năm, TKV đều dành kinh phí trên 1.300 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường trong toàn Tập đoàn, trong đó riêng vùng Quảng Ninh khoảng 1.100 tỷ đồng. Hiện TKV đang vận hành 36 hệ thống quan trắc môi trường tự động; 02 hệ thống quan trắc môi trường khí thải nhà máy nhiệt điện đảm bảo quy định và 02 công trình giảm thiểu bụi, ồn… đồng thời duy trì vận hành có hiệu quả các công trình môi trường đã đầu tư, tiếp tục đầu tư khởi công mới công trình môi trường, nhất là các công trình cải thiện môi trường cảnh quan các mặt bằng sản xuất. 

TKV đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát, đầu tư xây dựng nâng công suất các trạm xử lý nước thải mỏ; đầu tư máy phun sương dập bụi cao áp; xây dựng các trạm rửa xe trước khi ra khỏi mỏ… Ðặc biệt hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, TKV đang tái sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng các dự án, góp phần giảm áp lực độ cao, bảo đảm an toàn cho các bãi thải. Bên cạnh đó tiếp tục trồng cây phủ xanh các khai trường, theo kế hoạch năm 2023, toàn Tập đoàn sẽ thực hiện trồng 1,2 triệu cây xanh, diện tích 225ha, trong đó, tại Quảng Ninh trên 1 triệu cây, tương đương 210ha, tiếp tục xây dựng mô hình "mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao" và thực hiện mục tiêu "đưa công viên vào trong mỏ, nhà máy". Công tác phòng, chống thiên tai cũng được các đơn vị chủ động triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra; không để xảy ra thiệt hại lớn về người và tài sản. Chủ động khắc phục hậu quả sau các trận mưa lớn không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. 

Với những giải pháp phù hợp và nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng xanh, những năm qua, TKV đã bước đầu khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường do quá trình khai thác khoáng sản trước đây để lại và xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường mới phát sinh, chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, nâng cao năng lực sản xuất phát triển hài hòa với môi trường với mục tiêu tăng trưởng xanh, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với xu thế phát triển bền vững của ngành công nghiệp khai khoáng.

Thợ mỏ TKV thi đua sản xuất nhiều than cho Tổ quốc

Phát huy truyền thống người thợ mỏ trong thời kỳ mới

Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” là tài sản tinh thần vô giá của các thế hệ thợ mỏ và ngày càng được các thế hệ cán bộ, công nhân, người lao động (CB, CNLĐ) phát huy mạnh mẽ, lan tỏa những giá trị tích cực trong điều kiện mới, phù hợp với tình hình cụ thể hiện nay của Tập đoàn, trở thành sức mạnh nội lực, giúp TKV luôn vượt qua những khó khăn thách thức, đạt được những thành công trong quá trình xây dựng và phát triển. 

Năm 2022, năng suất lao động tổng hợp toàn Tập đoàn tính theo giá trị đạt 253,3 triệu đồng/người/năm, tăng 27,7% kế hoạch và tăng 16,4% so với thực hiện 2021. Với tinh thần “khó khăn gấp đôi, nỗ lực gấp ba”, quyết tâm đổi mới sáng tạo không ngừng, tập thể người lao động Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam “siết chặt tay nhau” thích ứng an toàn, linh hoạt, người lao động hăng say lao động sản xuất, tăng ngày công làm việc, tăng năng suất lao động, ổn định sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng và phấn đấu hoàn thành vượt mức và toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng lao động quản lý trong TKV đã từng bước đổi mới để phù hợp với nhiệm vụ chuyển đổi số và chú trọng về mặt chất lượng đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân mỏ đáp ứng yêu cầu giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hàng năm đều có đánh giá kết quả thực hiện để khắc phục các tồn tại, đề xuất các giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, TKV đã ban hành một số cơ chế khuyến khích người lao động phấn đấu học tập nâng cao trình độ như: xây dựng quy định kèm cặp, truyền nghề có cơ chế đãi ngộ phù hợp; khuyến khích học liên thông cho người lao động; ban hành Phương án tuyên truyền, truyền thông của TKV phục vụ công tác tuyển sinh công nhân kỹ thuật các nghề mỏ hầm lò...

Đội ngũ công nhân, người lao động TKV không ngừng lao động sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nhiều năm liền đều có các tập thể, cá nhân xuất sắc, được vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam” điển hình cho ý chí, khát vọng, vượt mọi khó khăn, quyết tâm phát huy triệt để sức mạnh nội lực, phát huy tính tự lực tự cường để đứng vững và vươn liên trước thách thức.

Đồng thời TKV cũng gắn việc bồi dưỡng toàn diện với chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Việc làm của người lao động trong TKV được duy trì ổn định, thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Tiếp tục quan tâm duy trì và thực hiện các chế độ phúc lợi có lợi hơn cho người lao động mang tính chất đặc thù của TKV như: Phòng và điều trị bệnh nghề nghiệp bằng phương pháp rửa phổi; bồi dưỡng độc hại; chế độ tham quan, nghỉ mát; xe đưa đón; 12/14 đơn vị sản xuất than hầm lò đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống rửa mũi cho người lao động làm việc trong hầm lò sau ca làm việc nhằm nâng cao sức khỏe cho người lao động... 

Phát huy truyền thống văn hóa thợ mỏ cũng là nhân lên truyền thống tương thân, tương ái, thể hiện trách nhiệm cao của TKV trong việc chung tay với cộng đồng. Còn nhớ vào tháng 4/2023, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” tiếp tục trở thành sức mạnh to lớn cùng với bản lĩnh, sự dũng cảm, tính chuyên nghiệp cao, tinh nhuệ của đội ngũ thợ mỏ đã cứu hộ thành công hai công nhân bị mắc kẹt trong lò sau sự cố tụt đổ lò tại Công ty CP Than Vàng Danh. Chính những truyền thống tốt đẹp đã tiếp thêm niềm tin giúp thợ mỏ kiên trì vượt qua khó khăn để thành công.

TKV cũng thực hiện tốt công tác an sinh xã hội đối với người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong nội bộ Tập đoàn; phối hợp cùng tổ chức Công đoàn xây dựng đề án nâng cấp nhà ở tập thể công nhân. Từ năm 2018 đến nay, đã hỗ trợ 656 nhà mái ấm công đoàn với số tiền hơn 33 tỷ đồng; hỗ trợ 126 nhà gia đình chính sách với số tiền hơn 11 tỷ đồng; xây dựng các 23 khu nhà ở tập thể, khu chung cư công nhân mỏ “Sạch đẹp - Văn minh”. Đồng thời duy trì công tác hỗ trợ an sinh xã hội tại các địa phương có hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Từ năm 2021 dự kiến đến hết 6 tháng năm 2023, TKV và các đơn vị đã hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các huyện nghèo, xã nghèo; hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà hư hỏng, dột nát; ủng hộ biên giới, hải đảo; gia đình cán bộ, chiến sĩ, ngư dân bám biển; công tác cứu trợ thiên tai, bão lũ; đền ơn đáp nghĩa; hỗ trợ xóa đói giảm nghèo... 

Nhân dịp Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã đến thăm hỏi, tặng quà, động viên công nhân, cán bộ TKV và ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của tập thể CB, CNLĐ và những kết quả, thành tích đạt được của TKV, khẳng định Đội ngũ công nhân lao động ngành Than có vai trò và đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và đất nước. 

Chính truyền thống văn hóa thợ mỏ đã tác động sâu sắc và toàn diện đến mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV. Trong đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý điều hành; tạo nên giá trị cốt lõi trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp TKV nói chung; tạo nên nguồn “sức mạnh nội sinh” to lớn giúp TKV vượt qua mọi khó khăn, tạo đà cho những bước tiến xa và vững chắc trong hành trình phát triển của TKV. 

Đứng trước yêu cầu của sản xuất và những thách thức của thị trường, TKV sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, hoàn thiện mô hình - tổ chức sản xuất, tập trung công tác xin cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác các mỏ than theo quy hoạch; chỉ đạo, điều hành sản xuất kinh doanh phù hợp với diễn biến và nhu cầu của thị trường, đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả; đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu trong suốt quá trình điều hành sản xuất kinh doanh, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng các giải pháp tiết kiệm chi phí, quản lý tài chính chặt chẽ, đúng quy định, thực hiện chuyển đổi số; tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; chăm lo phát triển nguồn nhân lực và tái cơ cấu lực lượng lao động; chăm lo, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội đối với người lao động và tại các địa phương. Với mục tiêu chiến lược trở thành một Tập đoàn kinh tế Nhà nước mạnh, có thương hiệu và sức cạnh tranh trong khu vực, có cơ cấu sản xuất - kinh doanh hợp lý, tập trung vào các lĩnh vực SXKD than - khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp; cơ khí, vật liệu xây dựng; mở rộng hợp tác kinh doanh quốc tế; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy các ngành kinh tế đất nước cùng phát triển. 

Tag: cmsc , tkv , vinachem

ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Địa chỉ: Số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 08049558 - Fax: 08049585

Website:www.cmsc.gov.vn

Email: ubqlv@cmsc.gov.vn

Giấy phép: Số 132/GP-TTĐT ngày 26/7/2019

Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hoặc

"cmsc.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này