VIMC - điểm sáng về tăng trưởng ổn định và lợi nhuận
29/09/2023
Trong tiến trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng vai trò của biển. Theo đó, các chủ trương, chính sách lớn về biển và phát triển bền vững kinh tế biển đã được Trung ương xem xét, ban hành để thống nhất tổ chức triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ VIMC năm 2023 |
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Một trong những chủ trương lớn và khâu đột phá tại Nghị quyết số 36-NQ/TW là ưu tiên kinh tế hàng hải đứng thứ hai trong việc phát triển các ngành kinh tế biển.
Những năm qua, ngành hàng hải Việt Nam đã có nhiều đổi mới, từ thể chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải, tăng cường kết nối các phương thức vận tải… Đó là những yếu tố hỗ trợ đắc lực cho hoạt động giao thương, đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Là một doanh nghiệp nhà nước với vai trò nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) hoạt động trong cả 3 lĩnh vực vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải. VIMC có đội tàu bao gồm 64 chiếc với tổng trọng tải khoảng 1,5 triệu tấn, tương đương 21% trọng tải đội tàu Việt Nam. Hệ thống cảng biển trải dài trên khắp cả nước với 84 cầu cảng có tổng chiều dài 13.882m, chiếm hơn 26% tổng số cầu cảng và gần 17% tổng số chiều dài cầu cảng của cả nước. Hệ thống kho bãi với diện tích khoảng 545.000 m2.
Ngày 30/9/2018 là dấu mốc quan trọng khi VIMC được chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty từ Bộ Giao thông vận tải về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Với những nỗ lực và quyết tâm hành động ngay từ ngày đầu thành lập, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tập trung đẩy mạnh cơ cấu VIMC, đổi mới cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động. Qua đó góp phần nhanh chóng tạo nên sự ổn định trong công tác điều hành xuyên suốt từ Ủy ban đến Tổng công ty, từng bước khẳng định vai trò của một cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tháng 8/2020, với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Ủy ban, VIMC đã hoàn thành công tác cổ phần hóa, chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. VIMC đã trở thành công ty đại chúng quy mô lớn, tuân thủ theo các nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất, dành cho các công ty đại chúng của Việt Nam.
Tòa nhà Ocean Park, trụ sở Tổng công ty Hàng hải Việt Nam |
Sau gần 5 năm chuyển về trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VIMC từng bước phục hồi, phát triển. Các hoạt động kinh doanh chính như: Cảng biển, Vận tải biển dần mang lại hiệu quả, giúp doanh nghiệp ngăn được đà thua lỗ triền miên, thoát khỏi nguy cơ phá sản của giai đoạn trước.
Nếu giai đoạn 2011-2015, khoản lỗ của Tổng công ty lên tới 18.000 tỷ đồng thì đến giai đoạn 2015 – 2022, lợi nhuận toàn VIMC ước đạt 9.800 tỷ đồng. Giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước được bảo toàn và phát triển.
Từ năm 2020 đến 2022, Tổng doanh thu toàn VIMC đạt 41.850 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 18,7%/năm. Doanh thu thực hiện hàng năm đều tăng hơn 50% so với kế hoạch. Tổng doanh thu năm 2022 tăng 38% so với năm 2020.
Tổng lợi nhuận đạt 7.359,55 tỷ đồng, lợi nhuận năm 2022 tăng hơn 6 lần so với năm 2020 và lọt vào Top 50 doanh nghiệp, có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam.
Nộp ngân sách tăng bình quân 5,24%/năm, hoàn thành chỉ tiêu đặt ra là trên 5%/năm.
Cùng với sự tăng trưởng của kết quả sản xuất kinh doanh, quy mô của Tổng công ty cũng tăng trưởng mạnh. Tổng tài sản tăng trưởng bình quân 5%/năm. Đến 30/6/2023, tổng tài sản ước đạt 27.179 tỷ đồng, tăng 11%; Vốn chủ sở hữu ước đạt 14.672 tỷ đồng, tăng 56%.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Nguyễn Ngọc Cảnh đánh giá cao tập thể ban lãnh đạo, cán bộ, người lao động VIMC từ khi chuyển về trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã vượt qua mọi thách thức và đạt thành tích ghi nhận. Năm 2022, VIMC duy trì đà tăng trưởng 20% cả doanh thu và lợi nhuận so với kế hoạch đề ra, là điểm sáng về hoạt động tăng trưởng ổn định và lợi nhuận cao so với kế hoạch trong 19 Tập đoàn, Tổng công ty của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Khối vận tải biển, sau nhiều năm thua lỗ đã đạt mức lợi nhuận tốt khi đạt 1.869 tỷ đồng vào năm 2022 |
Thành tích nổi bật nêu trên là nhờ sự nỗ lực chung của tập thể Ban lãnh đạo và cán bộ công nhân viên VIMC đã luôn đoàn kết, thống nhất và đồng hành vì lợi ích chung và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Cho đến nay, Tổng công ty đã hoạt động ổn định theo mô hình công ty cổ phần và đã đạt được thành tựu nhất định trong hoạt động kinh doanh trong những năm vừa qua. Đó là những điều kiện thuận lợi để Tổng công ty tiếp tục tăng trưởng và phát triển và vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Theo Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư 05 năm giai đoạn 2021-2025, VIMC đang tập trung đầu tư phát triển để hình thành ít nhất 03 trung tâm logistics lớn tại khu vực miền Bắc (Hải Phòng, Hà Nội), miền Trung (Đà Nẵng, Quy Nhơn), miền Nam (khu vực Cái Mép – Thị Vải).
VIMC tập trung phát triển các cảng nước sâu có đủ năng lực để đảm nhận vai trò trung chuyển container trong khu vực (các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải, Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh và Lạch Huyện - Hải Phòng) và điều tiết các hoạt động trong dịch vụ chuỗi logistics trọn gói của VIMC. Phát huy tối đa vai trò và vị thế của các cảng lớn nằm tại các cửa ngõ, khu vực phát triển kinh tế trọng điểm của cả nước, giữ vai trò huyết mạch trong tổng thể mạng lưới giao thông vận tải quốc gia.
Xu hướng phát triển của phương thức vận tải container đã dần phát triển rộng rãi trên toàn thế giới vì tiết kiệm được thời gian, chi phí vận chuyển. Hiện nay, nước ta đang ở giai đoạn đầu của quá trình container hóa để hòa nhập với xu hướng chung của thế giới, việc xây dựng hệ thống cảng container và đội tàu container hiện đại đang là yêu cầu cấp bách đối với ngành hàng hải Việt Nam.
Lĩnh vực khai thác cảng biển mang lại hiệu quả kinh doanh cao cho VIMC |
VIMC đang tập trung nguồn lực để phát triển đội tàu container chuyên nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường và tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải quốc tế. Việc VIMC phát triển đội tàu container sẽ góp phần nâng cao năng lực đội tàu container của Việt Nam để lấp đầy khoảng trống trong thị trường vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu; tránh tình trạng các hãng tàu nước ngoài tăng giá cước một cách bất hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ hàng và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước.
Để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch đề ra trong thời gian tới và với khát vọng phát triển kinh tế biển, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển. VIMC mong muốn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, quan tâm, hỗ trợ để VIMC phát huy được nội lực, khẳng định vị thế là doanh nghiệp hàng hải hàng đầu Việt Nam và ghi dấu ấn thương hiệu, trên bản đồ hàng hải quốc tế.