Đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá
05/08/2024
Những năm qua, công tác chống buôn lậu thuốc lá đạt nhiều kết quả tích cực nhờ sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ cùng sự vào cuộc của các ban, bộ, ngành và địa phương. Nhiều vụ vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu số lượng lớn đã bị phát hiện, xử lý. Song với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đối tượng buôn lậu vẫn tìm mọi cách, lợi dụng các kẽ hở để đưa thuốc lá lậu vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang tiêu hủy thuốc lá nhập lậu thu giữ được |
Đã đến lúc các cơ quan liên quan cần nhanh chóng rà soát, nghiên cứu và tìm ra những giải pháp căn cơ, tổng thể nhằm ngăn chặn triệt để nạn buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới.
Diễn biến phức tạp
Từ năm 2019, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá điếu tăng lên 75% đã khiến giá bán lẻ thuốc lá tăng mạnh. Cũng bởi vậy, buôn lậu thuốc lá trở thành hoạt động siêu lợi nhuận do “né” được 135% thuế nhập khẩu, 75% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế giá trị gia tăng, 2% quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá. Do đó, các đối tượng luôn tìm mọi phương thức, thủ đoạn đưa thuốc lá lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ.
Dù các lực lượng chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt, song số vụ buôn lậu thuốc lá được phát hiện, bắt giữ thời gian qua chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với thực tế. Việc xử lý mới dừng lại ở người vận chuyển, buôn bán nhỏ lẻ, chưa bắt được tận gốc các đầu nậu, chủ đường dây, cho nên sau một thời gian cao điểm ngăn chặn, nạn buôn lậu thuốc lá lại tiếp tục tái diễn, nhất là tại 10 tỉnh biên giới Tây Nam – điểm nóng về buôn lậu thuốc lá.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trong giai đoạn từ 2019-2023, lực lượng quản lý thị trường đã bắt giữ 59.637 vụ buôn lậu thuốc lá, thu giữ 37,5 triệu bao, tiêu hủy 22,1 triệu bao. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng gia tăng các hành vi buôn lậu thuốc lá, song lợi thế cạnh tranh và mức siêu lợi nhuận vẫn là những yếu tố chính. Thí dụ, do né được mọi loại thuế nên lợi nhuận thu được từ một bao thuốc lá hiệu Jet hay Hero nhập lậu khoảng 10-12.000 đồng/bao (giá bán lẻ 20-25.000 đồng/bao), cao gấp 3 đến 4 lần so với các sản phẩm thuốc lá hợp pháp cùng phân khúc.
Bên cạnh đó, yếu tố khách quan là chính quyền một số nước bạn không cấm việc buôn lậu thuốc lá nên có rất nhiều kho bãi, điểm tập kết giáp biên. Nước ta có đường biên giới phức tạp với nhiều đường mòn lối mở, dẫn đến các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thường hoạt động vào ban đêm và liên tục thay đổi địa điểm tập kết hàng hóa ở các kho biên giới.
Vụ trưởng Chính sách-Pháp chế (Tổng cục Quản lý thị trường) Kiều Dương cho biết, các đối tượng buôn lậu thường chia nhỏ số lượng, ngụy trang, cất giấu thuốc lá lậu vào các thùng phi, can nước hay lẫn trong các hộp đựng nước đá, rồi thuê cư dân sống ở vùng biên giới đeo vác, vận chuyển băng qua đường biên giới bằng đường bộ hoặc dùng xuồng máy tốc độ cao di chuyển qua các con kênh, rạch. Nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy nên rất manh động, khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, sẵn sàng dùng hung khí sát thương chống đối lực lượng làm nhiệm vụ, hòng chiếm đoạt lại hàng để tẩu thoát.
Còn tại thị trường nội địa, dù không bày bán công khai, nhưng bất chấp các nỗ lực tuyên truyền của cơ quan chức năng và xã hội, nhiều cửa hàng, điểm bán nhỏ lẻ vẫn lén lút bán thuốc lá nhập lậu, chỉ khi khách hàng có nhu cầu, họ mới đến nơi cất giữ để lấy hòng trốn tránh sự kiểm tra, xử lý. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn và kiểm soát tình hình.
Cần những giải pháp tổng thể
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội thuốc lá Việt Nam (VTA) Nguyễn Chí Nhân, thuốc lá nhập lậu đang chiếm khoảng hơn 20% thị phần trong nước, khiến Nhà nước thất thu thuế khoảng 5.000-6.000 tỷ đồng/năm. Nếu tình trạng này tiếp tục gia tăng có thể gây thiệt hại lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng/năm vào năm 2030. Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc lá hợp pháp trong nước phải gồng mình cạnh tranh không công bằng với hàng nhập lậu do không chịu bất cứ một loại thuế nào. Còn người tiêu dùng sẽ hứng chịu nhiều rủi ro khi các sản phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát về hàm lượng các chất độc hại có trong thuốc lá như CO, Tar hay Nicotine…, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Có thể thấy, thuốc lá là một trong những sản phẩm có hại cho sức khỏe, cần được kiểm soát chặt chẽ và dần kéo giảm số người hút trong cộng đồng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với 15,3 triệu người hút, 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động, mỗi năm có 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan thuốc lá. Vì vậy, Bộ Y tế và Bộ Tài chính cho rằng, biện pháp hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ người hút thuốc lá là tăng thuế thuốc lá.
Tuy nhiên, công cụ này tại nước ta được đánh giá là chưa đủ mạnh. Vì vậy, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó đề xuất từ năm 2026, thuốc lá sẽ phải chịu thêm mức thuế tuyệt đối ở cả hai phương án là 2.000 hoặc 5.000 đồng/bao và tăng dần 1.000 hoặc 2.000 đồng/bao/năm, bảo đảm đạt 10.000 đồng/bao vào năm 2030. Nhưng theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, nếu không có những giải pháp căn cơ, chỉ áp dụng tăng thuế sẽ khó đạt hiệu quả cao trong việc giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, vô hình trung còn kích thích các hành vi buôn lậu thuốc lá do khoảng cách chênh lệch thuế suất ngày càng lớn.
Chính vì vậy, việc tăng thuế đối với thuốc lá phải đi đôi với thực hiện tốt công tác chống buôn lậu; tiếp tục rà soát, nghiên cứu, ban hành các thông tư hướng dẫn chi tiết, cụ thể trong việc xử lý vi phạm nhằm bịt những kẽ hở, không để cho các đối tượng buôn lậu thuốc lá lợi dụng. Thậm chí, nên mở rộng đối tượng xử phạt với cả người mua, sử dụng thuốc lá nhập lậu nhằm nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật; đồng thời, các bên liên quan cần nghiên cứu tăng nặng mức xử phạt cả về hành chính và hình sự, bởi các đối tượng hiện vẫn tìm mọi kẽ hở pháp luật để buôn lậu thuốc lá.