Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã thực hiện tốt vai trò “trợ lực” cho doanh nghiệp nhà nước

17/08/2023

Nhờ sự đồng hành, sát cánh của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) cùng sự nỗ lực, phấn đấu, đổi mới tư duy và quán triệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Ủy ban yêu cầu, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) đã kịp thời nhận được “liều thuốc trợ lực” chưa từng có từ Chính phủ, giúp bổ sung nguồn vốn, thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán, duy trì hoạt động liên tục trong bối cảnh dòng tiền thâm hụt lớn, không có khả năng chi trả các khoản nợ.

Trải qua 3 năm dịch bệnh đầy khó khăn thử thách, điểm nổi bật thể hiện rõ nhất vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) với tư cách là chủ sở hữu tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) chính là sự định hướng, đồng hành, sát cánh, cùng chia sẻ.

VNA ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng. Giải pháp cho vay tái cấp vốn nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020 để góp phần giúp VNA vượt qua khủng hoảng

CMSC đã chỉ đạo, hỗ trợ, đồng hành cùng VNA trong suốt quá trình xây dựng đề án, báo cáo xin phê duyệt chủ trương và triển khai gói hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng của Chính phủ dành cho VNA.

Từ những người lãnh đạo cao nhất của CMSC tới các lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, đơn vị của Ủy ban đã tận tâm, tận lực cùng với các cán bộ VNA không quản ngày đêm làm việc bất kể ngày nghỉ chuẩn bị các báo cáo, tài liệu cho nhiều cuộc họp ở các cấp diễn ra liên tục từ tháng 5/2020 cho đến cuối năm 2020. Cuối cùng, để gói “giải cứu” này được đến tay VNA, nhiều cơ quan từ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bộ ngành đã phải bàn thảo trong nhiều tháng và ban hành nhiều nghị quyết, thông tư để làm cơ sở pháp lý cần thiết.

Với vai trò là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính được Chính phủ giao, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tích cực, chủ động tham gia cùng với với các cơ quan này trong quá trình này để Gói hỗ trợ sớm được thông qua và triển khai nhanh nhất có thể. Từ quyết tâm chính trị cao độ, ý chí kiên định và sự chỉ đạo sát sao của tập thể lãnh đạo CMSC, sau ròng rã 7 tháng nỗ lực báo cáo, giải trình ở nhiều cấp, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Gói hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng cho VNA với tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối.

Đại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến nghiêm trọng đối với VNA trong năm 2021

Quyết sách quan trọng này từ cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước đã gỡ bỏ vướng mắc về cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý để VNA triển khai gói hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp, “cứu” Hãng hàng không quốc gia không bị rơi vào tình trạng phá sản.

Bước sang năm 2021, đại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến nghiêm trọng hơn so với năm 2020, gây thiệt hại nặng nề cho VNA. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách phải triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ không để VNA lâm vào tình trạng phá sản.

Với tinh thần, trách nhiệm cao nhất của người đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại VNA, thấu hiểu rõ tình trạng nguy cấp của doanh nghiệp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã quyết liệt chỉ đạo công tác triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về Gói hỗ trợ thanh khoản cho VNA.

Tập thể lãnh đạo cùng các Vụ, đơn vị chức năng của Ủy ban thường xuyên quan tâm, theo sát cùng với VNA, liên tục đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bộ ngành thống nhất phương án xử lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho VNA trong quá trình triển khai.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam  báo cáo giải trình giải pháp tháo gỡ khó khăn với Ủy ban Quản lý vốn nhà nhước tại doanh nghiệp (tháng 10/2021)

Trong năm 2021, hàng loạt cuộc họp đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức với sự tham gia của các cấp các ngành đã từng bước tháo gỡ các vấn đề phát sinh, thúc đẩy tiến độ triển khai cho VNA.

Đến tháng 7/2021, VNA bắt đầu giải ngân khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ và tháng 9/2021, VNA mới hoàn tất phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với tổng số tiền thu từ bán cổ phần là 7.960 tỷ đồng.

Có thể nói, nếu không có sự quyết liệt trong chỉ đạo, sự tận tâm, hết lòng vì doanh nghiệp, sự hỗ trợ, ủng hộ trực tiếp từ tập thể Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo Vụ Công nghệ, hạ tầng và các vụ, đơn vị liên quan, VNA sẽ khó có thể triển khai thành công gói hỗ trợ thanh khoản để kịp thời bổ sung thanh khoản phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp VNA vượt qua giai đoạn “nước sôi lửa bỏng nhất” kể từ khi thành lập đến nay.

VNA nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao từ các cấp các ngành, ở tất cả các cấp trong cả hệ thống chính trị của đất nước và triển khai thành công gói hỗ trợ thanh khoản là nhờ vào sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời và vai trò đặc biệt quan trọng từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nhờ sự sát cánh, đồng hành của UBQLV cùng sự nỗ lực, phấn đấu,  VNA đã kịp thời nhận được “liều thuốc trợ lực” chưa từng có từ Chính phủ giúp bổ sung nguồn vốn, thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán

Việc triển khai thành công gói hỗ trợ thanh khoản đã góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của VNA, đồng thời cũng góp phần hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đảm bảo cho VNA thích nghi với tình hình mới, vượt qua khó khăn, tiến tới phục hồi và phát triển.

Kết quả cho thấy rõ, nhờ sự đồng hành, sát cánh của CMSC cùng sự nỗ lực, phấn đấu, đổi mới tư duy và quán triệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp Ủy ban yêu cầu, VNA đã kịp thời nhận được “liều thuốc trợ lực” chưa từng có từ Chính phủ giúp bổ sung nguồn vốn, thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán, duy trì hoạt động liên tục trong bối cảnh dòng tiền thâm hụt lớn, không có khả năng chi các khoản nợ của doanh nghiệp. Nếu không có gói 12.000 tỷ đồng, chắc chắn nguy cơ rất cao là VNA sẽ mất khả năng thanh toán và rơi vào trạng thái phá sản trong năm 2021.

Cũng nhờ nguồn lực tài chính này đã tạo đà cho VNA duy trì hoạt động trong năm 2022 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do các yếu tố địa chính trị bất ổn ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các kết quả này khẳng định chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tháo gỡ khó khăn cho VNA là hết sức đúng đắn, các chính sách được triển khai đều có tác động tích cực đến VNA, giúp giảm thiểu các thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

PV

ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Địa chỉ: Số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 08049558 - Fax: 08049585

Website:www.cmsc.gov.vn

Email: ubqlv@cmsc.gov.vn

Giấy phép: Số 132/GP-TTĐT ngày 26/7/2019

Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hoặc

"cmsc.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này