Chuyển đổi năng lượng công bằng là xu thế tất yếu
14/09/2023
CMSC Đó là nhấn mạnh của đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Thư ký thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) chiều 15/9, tại Hà Nội.
![]() |
Đoàn công tác của Ban Thư ký thực hiện Tuyên bố JETP do ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) dẫn đầu. Cùng tham gia đoàn công tác có đại diện của các Nhóm công tác hỗ trợ triển khai thực hiện JETP, Nhóm các đối tác quốc tế (IPG), Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) và các chuyên gia xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực
Đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có ông Hồ Công Trung – Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng, ông Hoàng Kim Duy – Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, cùng đại diện Vụ Tổng hợp, Vụ Công nghiệp và Vụ Công nghệ và Hạ tầng.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 04/7/2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Nhóm làm việc đàm phán Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu và một số đối tác phát triển (Tuyên bố JETP). Nhóm làm việc đàm phán đã xây dựng nội dung dự thảo Tuyên bố JETP bảo đảm việc chuyển đổi là công bằng và công lý, phù hợp với điều kiện Việt Nam, an ninh năng lượng quốc gia.
![]() |
Ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu tại buổi làm việc |
Ngày 14/12/2022, tại Brussels, Vương quốc Bỉ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đàm phán cùng với đại diện cấp Bộ trưởng của Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) và đã công bố Tuyên bố JETP. Việt Nam là nước thứ ba, sau Nam Phi và Indonesia, thông qua Tuyên bố JETP với các nước trong và ngoài G7. Các đối tác quốc tế tham gia quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam gồm có: Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Italia, Canada, Đan Mạch, Na Uy.
Tuyên bố JETP đề cập mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc tế theo Thỏa thuận Paris và các cam kết tại Glasgow, bao gồm mục tiêu 1,5 độ C, giảm một nửa lượng phát thải CO2 toàn cầu vào năm 2030 và đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm dần điện than. Thông qua JETP, các đối tác quốc tế giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng; thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nâng cấp hạ tầng lưới điện; phát triển các kỹ năng và năng lực cần thiết đối với chuyển đổi công bằng thông qua giáo dục và đào tạo nghề; tăng cường tham gia của khu vực tư nhân; phát triển trung tâm năng lượng tái tạo và hình thành ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; thúc đẩy lưu trữ, cất trữ và sử dụng carbon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện gió ngoài khơi.
Về gói tài chính JETP bao gồm: hỗ trợ không hoàn lại; hỗ trợ kỹ thuật; các khoản vay mà các nước, các ngân hàng phát triển đa phương, các quỹ hỗ trợ Việt Nam (bao gồm các điều khoản về lãi suất, điều kiện để vay và giải ngân...); các khoản tín dụng các ngân hàng, tổ chức tín dụng quốc tế trong Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ); các khoản đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế. Mức cam kết huy động ban đầu là 15,5 tỷ USD trong 3-5 năm tới bên cạnh các nguồn hỗ trợ tài chính hiện có.
Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo COP26 thành lập Ban Thư ký thực hiện JETP tại Quyết định số 845/QĐ-TTg ngày 14/7/2023. Ban Thư ký là tổ công tác giúp việc Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo COP26 trong điều phối, giải quyết các công việc liên quan đến JETP, đồng thời phối hợp với Nhóm các đối tác quốc tế trong triển khai thực hiện Tuyên bố JETP.
![]() |
Ông Hồ Công Trung – Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham gia Ban Thư ký thực hiện JETP nhận định: Việt Nam vừa từ một quốc gia thu nhập thấp mới tham gia vào nhóm các nước thu nhập trung bình thấp và đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong khi đó, phải thực hiện mục tiêu giảm phát thải mạnh mẽ với lộ trình nhanh tương đương hoặc cao hơn mục tiêu của nhiều nước đang phát triển khác có điều kiện tốt hơn Việt Nam. Do đó, Việt Nam rất cần có nguồn hỗ trợ thiết thực về mặt tài chính từ các đối tác phát triển.
Theo đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham gia Ban Thư ký thực hiện JETP, quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam là tất yếu, tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần có lộ trình, bước đi và phương thức thực hiện khả thi, hiệu quả nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là lợi ích của doanh nghiệp và người dân trong quá trình chuyển đổi này.
Tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU); trong đó, lĩnh vực năng lượng giảm 32,6%, lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương. Đến năm 2050, Việt Nam bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng “0”; lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh, trong đó, lĩnh vực năng lượng giảm 91,6%, lượng phát thải không vượt quá 101 triệu tấn.
Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Đề án triển khai JETP. Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1009/QĐ-TTg ngày 31/8/2023. Mục tiêu của Đề án nhằm triển khai thực hiện thành công Tuyên bố JETP gắn với thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; phát triển ngành năng lượng hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ, thông minh trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và các mục tiêu phát triển, đảm bảo công bằng trong chuyển đổi năng lượng. Tiếp nhận và sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực, cung cấp tài chính cho việc thực hiện Tuyên bố JETP, góp phần thực hiện định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Đề án đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và giai đoạn sau năm 2030 với 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: (1). Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; (2). Thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; (3). Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo; (4). Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (5). Nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; (6). Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải; (7). Đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ; (8). Bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng; (9). Truyền thông, nâng cao nhận thức; (10). Thúc đẩy hợp tác, huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng. Đề án đề ra danh mục 48 nhiệm vụ cụ thể và 3 nhóm nhiệm vụ ưu tiên triển khai Tuyên bố JETP từ nay đến năm 2025 gồm: i) Nhóm dự án đầu tư lưới điện truyền tải; ii) Nhóm dự án về pin lưu trữ và thủy điện tích năng; iii) Nhóm dự án phát triển điện gió ngoài khơi. Về tổ chức thực hiện, Đề án được triển khai thực hiện với vai trò tham mưu, đôn đốc của Ban Thư ký và các nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan để triển khai thực hiện thành công Tuyên bố JETP. |