Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

Hoàn thiện thể chế, phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp

12/07/2024

CMSC Sáng 12/7, tại Hà Nội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức Hội thảo Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Hội thảo được điều hành bởi ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; ông Cao Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Tài chính; bà Phạm Thuý Chinh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (Quốc hội); ông Bùi Tuấn Minh – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính); ông Nguyễn Thành Trung - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách (Quốc hội).

Tham dự Hội thảo, có ông Bùi Hồng Minh – Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; bà Lê Thanh Vân - Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ); các chuyên gia kinh tế; các Thành viên Tổ công tác tham gia phối hợp xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Ủy ban là đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng, Văn phòng, Trung tâm Thông tin (Ủy ban), các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu; cùng các đại biểu là đại diện một số Bộ, ngành.

Cần nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện Dự thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Cao Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cơ quan và đại biểu tham dự, Bộ Tài chính đã hoàn thiện Dự thảo Luật, có Công văn số 6387/BTC-TCDN ngày 21/6/2024 lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương, các doanh nghiệp; đồng thời, đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.

Ông Cao Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Tài chính phát biểu đề dẫn Hội thảo

Hồ sơ Luật được xây dựng trên cơ sở bám sát nội dung 6 chính sách đã được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua, Dự thảo Luật có 9 Chương và 92 Điều. Cơ quan soạn thảo muốn xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan, chuyên gia và đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu và các doanh nghiệp nắm giữ phần lớn tổng vốn chủ sở hữu cũng như tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước, có vai trò chủ lực trong các ngành, lĩnh vực kinh tế...

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết: Ủy ban rất quan tâm đến công tác tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp do cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính. Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa ký Quyết định số 281/QĐ-UBQLV về việc thành lập Tổ công tác tham gia phối hợp xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Ủy ban. Trong đó, Tổ trưởng là Chủ tịch Ủy ban, Tổ phó là Phó Chủ tịch Ủy ban, các Thành viên Tổ công tác là đại diện lãnh đạo của các Vụ chức năng, Văn phòng, Trung tâm Thông tin và 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Các Thành viên Tổ công tác có nhiệm vụ tham gia phối hợp xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tham gia nghiên cứu, rà soát các quy định tại Dự thảo Luật; tham gia phân tích, đánh giá, đóng góp ý kiến trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng đề nghị các đại biểu là đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu nêu cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, tích cực báo cáo về tình hình thực tiễn, thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển; đồng thời, đóng góp ý kiến tại Hội thảo về những nội dung quan trọng như đối tượng áp dụng, nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; công tác phân cấp, phân quyền; quản lý, cơ cấu nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp F1, F2…

Tăng quyền chủ động, tạo sự linh hoạt cho doanh nghiệp

Góp ý về nội dung Dự thảo, đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đều đánh giá cao các nguyên tắc Dự thảo Luật đề ra như tách bạch quản lý vốn nhà nước và chủ sở hữu, tăng cường phân cấp gắn với giám sát, đánh giá hiệu quả theo tổng thể… Đồng thời, kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định pháp luật về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của doanh nghiệp có vốn nhà nước; loại bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn; đồng thời luật hóa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành hiện hành đã ổn định và phù hợp với thực tế.

Ông Trương Việt Đông - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Trương Việt Đông – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đưa ra một số góp ý cụ thể liên quan tới công tác tổ chức cán bộ; công tác phân cấp, phân quyền trong đầu tư vốn, huy động vốn; công tác phân phối lợi nhuận; thẩm quyền quyết định tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp; thẩm quyền quyết định đầu tư…

Ông Nguyễn Văn Mậu - Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Mậu - Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cho biết: Dự thảo Luật với các quan điểm, nguyên tắc khá đổi mới khi xác định Nhà nước không quản lý pháp nhân doanh nghiệp mà chỉ quản lý theo dòng vốn, vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là tài sản pháp nhân của doanh nghiệp, không hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp, tách bạch cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan giám sát chủ sở hữu, đánh giá doanh nghiệp được thực hiện theo mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả tổng hợp…

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Mậu cũng có nhiều góp ý cụ thể đối với các nội dung tại Dự thảo Luật như: Xác định lại đối tượng thuộc điều chỉnh của Luật, làm rõ khái niệm về vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn nhiều cách hiểu, phương án trích lập quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế; quản lý doanh nghiệp F1, F2; thẩm quyền đầu tư vốn…

Ông Nguyễn Sỹ Cường – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Nguyễn Sỹ Cường – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đưa ra một số góp ý cụ thể liên quan tới công tác quản lý doanh nghiệp F1, F2; công tác phân loại doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước; chính sách tài chính của doanh nghiệp; chính sách quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng – phúc lợi, tiền lương; quy định về cụ thể quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu và người đại diện vốn nhà nước, tăng cường tính chủ động, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế tối đa 80%, tăng so với mức ở Dự thảo trước đây là 30% là hợp lý để tăng quyền chủ động cho doanh nghiệp, tạo sự linh hoạt, kịp thời, tăng tính hiệu quả trong việc sử điều hành, sử dụng quỹ.

Ông Bùi Tuấn Minh – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), Thành viên Ban soạn thảo, Tố trưởng Tổ biên tập thông tin tại Hội thảo

Giải thích làm rõ một số vấn đề, ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), Thành viên Ban soạn thảo, Tố trưởng Tổ biên tập đã trình bày các nội dung cơ bản của Dự thảo Luật. Theo đó, Bùi Tuấn Minh thông tin: Cần xác định rõ nội dung quản lý vốn nhà nước (Điều 8); quy định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ (Điều 9); quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, của Kiểm toán Nhà nước và của Bộ Tài chính trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Điều 10).

Theo Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, các quy định tại Dự thảo Luật muốn tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở vốn với chức năng quản lý nhà nước, phân công rõ, phân cấp mạnh về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo, giải trình việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng: Nhà nước, Chính phủ quản lý đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác. Xác định rõ nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; thực hiện phân công rõ, phân cấp mạnh và cụ thể các nội dung đầu tư vốn quan trọng, có số vốn đầu tư lớn, gắn với lựa chọn người quản lý vốn nhà nước đầu tư; trên cơ sở đó quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thẩm quyền về công tác nhân sự, chiến lược kinh doanh, kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm và phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp...

“Cuộc cách mạng” trong quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Ông Bùi Hồng Minh - Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển doanh nghiệp dóng góp ý kiến tại Hội thảo

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Bùi Hồng Minh - Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển doanh nghiệp đánh giá: Các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp liên quan rất mong chờ luật này sớm được thông qua để tháo gỡ những khó khăn trong quản lý cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Bùi Hồng Minh, hiện nay, doanh nghiệp có vốn nhà nước gặp nhiều vướng mắc, lúng túng về phương hướng hoạt động sắp tới cũng như việc xử lý các tồn tại cũ trước đây. Nhiều tài sản không sinh lời, chịu tổn thất lớn về giá trị, nhưng xử lý rất khó khăn, như “hòn đá tảng” gây cản trở cho sự phát triển của doanh nghiệp.

TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá: Dự thảo Luật thực sự là “cuộc cách mạng” trong quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tuy nhiên, để sửa/thay thế Luật sẽ là một quá trình rất phức tạp, gian nan.

Theo TS. Võ Trí Thành, cách tiếp cận, tinh thần sửa Luật có rất nhiều điểm tích cực. Điểm mới đầu tiên của Dự thảo Luật là làm rõ vai trò của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Là một nhà đầu tư chuyên nghiệp trong thị trường cạnh tranh, hội nhập, Nhà nước không còn quản lý, can thiệp trực tiếp vào quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hay nói theo cách khác là quản lý doanh nghiệp theo dòng vốn đầu tư, không quản lý theo pháp nhân. Thứ hai, tăng tính minh bạch, quyền hạn, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thứ ba, Dự thảo Luật thể hiện sự linh hoạt, thích ứng với thị trường, trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi lại vốn nhà nước. Điểm mới nữa trong cách tiếp cận là cố gắng xử lý các vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp như vấn đề quản trị, quản lý doanh nghiệp F1, F2, đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Cao Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định: Việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa Đảng khóa XII, các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật số 69/2014/QH13. Đồng thời hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, nâng cao quyền tự chủ, vai trò và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tương xứng với nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế.

Theo ông Cao Anh Tuấn, Hội thảo đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tham dự về các nội dung của dự thảo Luật. Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật, trình cấp có thẩm quyền theo quy định, đảm bảo chất lượng và tiến độ về thời gian.

*Một số hình ảnh tại Hội thảo:

TS. Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (Quốc hội) đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Ông Đinh Văn Đức - Thành viên Hội đồng Thành viên của Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Ông Trương Hồng Sơn – Thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Nhật Quang

Media
Thư viện hình ảnh

ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Địa chỉ: Số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 08049558 - Fax: 08049585

Website:www.cmsc.gov.vn

Email: ubqlv@cmsc.gov.vn

Giấy phép: Số 132/GP-TTĐT ngày 26/7/2019

Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hoặc

"cmsc.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này