Khai giảng Chương trình đào tạo cán bộ Lãnh đạo cấp cao các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước Việt Nam tại Trung Quốc
18/11/2024
CMSC Sáng 18/11, tại Trung Quốc, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) phối hợp với Học viện Quản lý cấp cao Đại Liên (CBEAD) – đơn vị thuộc Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc (SASAC) tổ chức Lễ khai giảng Chương trình đào tạo cán bộ Lãnh đạo cấp cao các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước Việt Nam.
Các học viên chụp hình lưu niệm tại Lễ khai giảng Chương trình đào tạo cho Lãnh đạo cấp cao các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước Việt Nam |
Đoàn học viên của CMSC do bà Đặng Thu Thủy - Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ dẫn đầu. Cùng tham gia đoàn có đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Năng lượng, Văn phòng CMSC cùng đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty do CMSC làm đại diện chủ sở hữu.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, bà Đặng Thu Thủy - Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ (CMSC) nhận định: Trong những năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và giữa các cơ quan, địa phương, giữa các doanh nghiệp của hai nước nói riêng đã không ngừng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Và chung dòng chảy đó, mối quan hệ giao lưu và hợp tác giữa CMSC và SASAC đã từng bước xây dựng và phát triển với việc hai cơ quan đã ký Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác giao lưu nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11 năm 2022. “Triển khai Bản ghi nhớ đã ký giữa hai cơ quan và những nhận thức chung đã đạt được giữa Phó Chủ tịch CMSC Nguyễn Cảnh Toàn và ông Khâu Bảo Lâm - Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Học viện Quản lý cấp cao Đại Liên tại cuộc hội đàm ngày 29/6/2023 tổ chức tại Bắc Kinh, hôm nay Chương trình bồi dưỡng nghiên cứu Khóa II dành cho công chức lãnh đạo các đơn vị thuộc Ủy ban và lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp do Ủy ban là đại diện chủ sở hữu, chính thức được tổ chức” – bà Đặng Thu Thủy thông tin.
Theo bà Đặng Thu Thủy, để hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty mà Đảng và Chính phủ giao trọng trách, Lãnh đạo CMSC luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ người quản lý doanh nghiệp. Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nội dung đặc biệt quan trọng. Đây cũng chính là nội dung được Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Đảng Cộng sản Việt Nam về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước yêu cầu thực hiện: “Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo và tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ doanh nghiệp nhà nước”.
Bên cạnh đó, Vụ Trưởng Vụ Pháp chế và Kiểm soát nội bộ (CMSC) đánh giá: Là cơ sở giáo dục và đào tạo cán bộ quốc gia được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập, CBEAD là cơ sở đào tạo hàng đầu cho nhân sự quản lý cấp cao của các doanh nghiệp Trung Quốc, một trung tâm nghiên cứu về con đường phát triển của các doanh nghiệp nhà nước cũng như các nhà quản lý của các doanh nghiệp nhà nước, một nền tảng hợp tác đào tạo quốc tế hàng đầu cho các doanh nhân Trung Quốc. “Việc CMSC và CBEAD phối hợp tổ chức thành công khóa bồi dưỡng lần này và trong những năm tới sẽ còn nhiều các khóa bồi dưỡng tiếp theo sẽ là cơ hội vô cùng thuận lợi để Lãnh đạo cấp cao các Tập đoàn, Tổng công ty do CMSC làm đại diện chủ sở hữu có dịp học tập, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, quản trị của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc; quản trị điều hành doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá - kinh nghiệm của Trung Quốc và khả năng áp dụng đối với Việt Nam; gắn kết doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong việc giải quyết các thách thức phát triển; dự đoán và chuẩn bị ứng phó với các khủng hoảng trong tương lai; tư duy chiến lược và tố chất lãnh đạo trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” – bà Đặng Thu Thủy nhấn mạnh.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, ông Tạ Huy - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (SASAC) chia sẻ: Việt Nam - Trung Quốc núi sông nối liền một dải, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã có từ lâu đời. Những năm gần đây, dù tình hình quốc tế có nhiều biến động, Lãnh đạo cấp cao hai nước vẫn duy trì quan hệ gẫn gũi, thường xuyên tổ chức các chương trình tiếp xúc cấp cao. Gần đây nhất, vào tháng 12/2023, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước đã ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Vào tháng 8/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc vào tháng 6/2024 và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8 và làm việc tại Trung Quốc vào tháng 11/2024. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 10/2024.
Theo ông Tạ Huy, là lần thứ hai được tổ chức, Chương trình đào tạo cán bộ Lãnh đạo cấp cao các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước Việt Nam là dịp để CMSC và SASAC giao lưu, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau thảo luận trong công tác quản lý vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp; đồng thời, nghiên cứu mô hình giám sát tài sản nhà nước khoa học, hiệu quả và tổng kết kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp nhà nước, chia sẻ kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp nhà nước; từ đó, đóng góp vào thành công chung trong quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc. “Được tổ chức trên cơ sở thành công của khóa đầu tiên, Chương trình đào tạo cán bộ Lãnh đạo cấp cao các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước Việt Nam lần này đã được SASAC và CBEAD chuẩn bị chu đáo về nội dung, áp dụng các phương pháp giảng dạy trực quan, phong phú, chia sẻ có hệ thống kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc; đồng thời, cũng tập trung vào nội dung chuyển đổi năng lượng mới, xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển doanh nghiệp. Hy vọng rằng, khóa học lần này sẽ giúp các học viên có được những trải nghiệm thực tiễn và hệ thống kiến thức chuyên môn trong công tác quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; từ đó, góp phần duy trì và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa CMSC và SASAC trở nên sâu sắc hơn nữa trên cơ sở các nhận thức chung mà Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã đề ra” – ông Tạ Huy nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, Chương trình đào tạo cán bộ Lãnh đạo cấp cao các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước Việt Nam diễn ra trong 7 ngày. Các học viên sẽ được tiếp thu kiến thức tại CBEAD và tham gia các buổi tọa đàm với các chuyên gia quốc tế về các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, nông nghiệp xanh; khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp, tập đoàn Trung Quốc; đồng thời, tìm hiểu cơ hội và xúc tiến các khả năng hợp tác giữa các đối tác Trung Quốc và các doanh nghiệp do CMSC làm đại diện chủ sở hữu.
Ngay sau Lễ khai giảng, các học viên của Chương trình đào tạo cán bộ Lãnh đạo cấp cao các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước Việt Nam đã được Tiến sĩ Phùng Tuấn - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nguyên Ủy viên Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn kiện Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông tin về bài thuyết trình “Tiếp tục đi sâu cải cách toàn diện, thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”.
Theo đó, bài thuyết trình tập trung vào ba nội dung chính, bao gồm: (1) Tình hình cơ bản về Hội nghị toàn thể lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX; (2) Mục tiêu tổng quát, tầm quan trọng, sự cần thiết và nguyên tắc của việc tiếp tục đi sâu cải cách toàn diện; (3) Các biện pháp lớn được đưa ra trong “Nghị quyết” nhằm đi sâu cải cách toàn diện về cải cách thể chế kinh tế, về cải cách lĩnh vực dân chủ và pháp trị, về cải cách cơ chế thể chế văn hóa, về cải cách hệ thống thể chế dân sinh và bảo đảm xã hội, về cải cách thể chế văn minh sinh thái, về cải cách thể chế và cơ chế an ninh quốc gia và quản lý xã hội, về cải cách quốc phòng và quân đội, và về sự lãnh đạo của Đảng và cải cách chế độ xây dựng Đảng.
*Chiều cùng ngày, đoàn học viên của Chương trình đào tạo cán bộ Lãnh đạo cấp cao các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước Việt Nam đã tham gia chương trình khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Kỹ thuật Hoa Điện Trung Quốc.
Đoàn học viên của Chương trình đào tạo cho Lãnh đạo cấp cao các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước Việt Nam khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Kỹ thuật Hoa Điện Trung Quốc (CHEC) |
Công ty TNHH Kỹ thuật Hoa Điện Trung Quốc Được thành lập vào năm 1978, Công ty TNHH Kỹ thuật Hoa Điện Trung Quốc (China Huadian Engineering Co., LTD. - CHEC) là công ty con thuộc sở hữu toàn bộ của Tập đoàn Hoa Điện Trung Quốc (CHD) và là một phần quan trọng cũng như nền tảng phát triển của ngành Khoa học, Công nghệ và Kỹ thuật của CHD. Dưới sự chỉ đạo chiến lược phát triển tổng thể của CHD, CHEC liên tục tối ưu hóa cơ cấu kinh doanh, nâng cao chất lượng phát triển và đã trở thành một tập đoàn nhà nước lớn với "ba trụ cột" chính là sản phẩm, đầu tư và dự án, xếp hạng trong số những doanh nghiệp hàng đầu về năng lực cạnh tranh toàn diện trong ngành ở Trung Quốc. Lĩnh vực kinh doanh của CHEC gồm nhiều lĩnh vực như năng lượng, hóa chất, cảng biển, khai khoáng, luyện kim, dịch vụ đô thị, năng lượng mới, năng lượng hydro, lưu trữ năng lượng, năng lượng sinh khối và dịch vụ năng lượng tích hợp, với hoạt động kinh doanh trải rộng khắp Trung Quốc, Đông Nam Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương… |