Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quá trình xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

06/08/2024

CMSC Chiều 6/8, tại Hà Nội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quá trình xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh và các Phó Chủ tịch Ủy ban: Hồ Sỹ Hùng và Đỗ Hữu Huy đồng chủ trì Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm, về phía đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, có ông Nguyễn Thành Trung - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; đại diện TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Về phía các chuyên gia kinh tế, có ông Nguyễn Văn Phúc – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội và ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Về phía Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng, Văn phòng và Trung tâm Thông tin và đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh phát biểu đề dẫn Tọa đàm

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh nhận định: Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) được ban hành từ năm 2014 đã góp phần tạo môi trường pháp lý cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; tạo tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhà nước ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng vướng mắc khi triển khai thực hiện.

“Đến nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua về việc bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08/6/2024. Có thể thấy rằng, với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật, thời gian qua, Bộ Tài chính đã nỗ lực lớn, tích cực, chủ động làm việc, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và doanh nghiệp trong tổng hợp các khó khăn, bất cập và kiến nghị cấp có thẩm quyền nhằm sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13. Lãnh đạo Ủy ban xác định đây là Dự án Luật quan trọng có tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến hoạt động của Ủy ban và các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu; do đó, đã đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty tập trung rà soát, nghiên cứu, tham gia ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật” - Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong quá trình tham gia, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Luật, Ủy ban đã có 6 văn bản góp ý chính thức, tổ chức nhiều buổi làm việc với Bộ Tài chính, một số cơ quan của Quốc hội và các Bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp thuộc Ủy ban. Trên cơ sở đó, đã phân tích, tổng hợp các khó khăn vướng mắc từ thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp và thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu của Ủy ban thời gian qua.

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh bày tỏ mong muốn các đại biểu tích cực trao đổi, thảo luận, góp ý về các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp cùng một số quy định khác tại Dự thảo Luật nhằm bảo đảm Luật khi được ban hành sẽ góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tế hiện nay, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Bà Vũ Thị Nhung – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ (Ủy ban) báo cáo tại Tọa đàm

Báo cáo tại Tọa đàm, bà Vũ Thị Nhung – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ (Ủy ban) cho biết: Qua quá trình nghiên cứu, tổng hợp ý kiến, Ủy ban thấy rằng, hiện nay, tên Luật và phạm vi điều chỉnh không bao gồm nội dung liên quan đến “sử dụng vốn” đang được quy định tại Luật số 69/2014/QH13. Do vậy, trong trường hợp không quy định hoặc quy định không cụ thể về “sử dụng vốn” tại Luật này có thể dẫn đến khoảng trống về mặt pháp lý liên quan đến nội dung này. Do đó, Ủy ban đề nghị lưu ý, cân nhắc, thuyết minh làm rõ hoặc xem xét có quy định chuyển tiếp về nội dung này.

Đối tượng áp dụng của Luật đã mở rộng so với Luật số 69/2014/QH13, bao gồm cả Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp (gọi tắt là doanh nghiệp cấp 1) và Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác (gọi tắt là doanh nghiệp cấp 2) không phân biệt tỷ lệ vốn góp của nhà nước, tỷ lệ vốn góp của doanh nghiệp cấp 1. Mặt khác, các quy định tại Dự thảo Luật cũng quy định theo hướng bổ sung thủ tục so với quy định tại Luật số 69/2014/QH13.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Trong khi đó, theo Nghị quyết số 12-NQ/TW quan điểm chỉ đạo: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối...”. Do đó, để làm rõ phạm vi, đối tượng áp dụng, Ủy ban đã đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát các định hướng của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ để hoàn thiện, đánh giá tác động khi bổ sung quy định về đối tượng áp dụng nêu trên, xem xét điều chỉnh đối tượng áp dụng theo hướng: Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ theo nội dung đã báo cáo các thành viên Chính phủ cho ý kiến.

Về quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể chủ sở hữu vốn, đẩy mạnh tăng cường phân cấp, phân quyền, Ủy ban thấy rằng trong các nội dung chính sách và chi tiết điều khoản tại Dự thảo Luật cần tiếp tục quan tâm bám sát các chủ trương, định hướng mục tiêu tại các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ trong đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, giảm các công việc sự vụ phải xem xét, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Để tập trung và thể hiện rõ quyền, trách nhiệm của các chủ thể đại diện chủ sở hữu vốn, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, thiết kế theo chủ thể thực hiện theo hướng, Chính phủ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách và tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp; Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu liên quan đến phê duyệt nhân sự của một số Tập đoàn… Về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đề nghị nghiên cứu xây dựng trên nguyên tắc kế thừa các quy định còn phù hợp với thực tiễn và phát huy hiệu quả tích cực; điều chỉnh những quy định không còn phù hợp với thực tiễn (Ủy ban đã Dự thảo 06 Điều quy định quyền, trách nhiệm của các chủ thể đại diện chủ sở hữu vốn tại Phụ lục kèm theo Công văn số 1550/UBQLV-PCKS).

Về cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu, trong Dự thảo Luật, Ủy ban đề nghị cần xem xét quy định rõ các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp, trong đó tập trung: (i) Quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ, cơ chế phối hợp với các Bộ ngành liên quan, với doanh nghiệp, Hội đồng thành viên, Người đại diện vốn...(ii) Quy định rõ quyền hạn, chức năng quản lý vốn, tài sản của Ủy ban tại doanh nghiệp về việc phê duyệt chủ trương đầu tư vốn, tài sản; phê duyệt dự án đầu tư, chủ trương vay vốn, thế chấp tài sản đặc thù, vốn điều lệ Công ty mẹ và chủ trương tăng/giảm vốn điều lệ tại các Công ty con doanh nghiệp cấp 1, phê duyệt báo cáo tài chính; (iii) Quy định về cơ chế tài chính đặc thù, nguồn hoạt động của Ủy ban và việc được thuê chuyên gia (tài chính, chuyên ngành), tổ chức tư vấn (trong nước và quốc tế), đơn vị kiểm toán độc lập… để thực hiện một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Ủy ban..

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu, một trong các bất cập của quy định pháp luật hiện hành (Điều 24, 42 và 44 Luật số 69/2014/QH13) về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định với giá trị vượt quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án hoặc vượt quá mức vốn của dự án nhóm B là chưa làm rõ nội hàm “phê duyệt” của cơ quan đại diện chủ sở hữu ở đây là phê duyệt nội dung gì và trình tự thực hiện trước hay sau quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền theo Luật Đầu tư. Khó khăn vướng mắc, bất cập này đã nhiều lần được Ủy ban trao đổi, góp ý và báo cáo tại các diễn đàn trong quá trình tham gia xây dựng Luật.

Do đó, tại Dự thảo Luật lần này, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo hướng dẫn làm rõ việc doanh nghiệp trình cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt chủ trương dự án đầu tư theo Luật này cần thực hiện trước hay sau thời điểm trình các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại Luật Đầu tư. Đồng thời, đề nghị hướng dẫn rõ các nội dung phê duyệt chủ trương dự án để cơ quan đại diện chủ sở hữu có căn cứ xem xét phê duyệt.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng cho biết: Ủy ban rất quan tâm đến công tác tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp do cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính. Vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa ký Quyết định số 281/QĐ-UBQLV về việc thành lập Tổ công tác tham gia phối hợp xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Ủy ban. Trong đó, Tổ trưởng là Chủ tịch Ủy ban, Tổ phó là Phó Chủ tịch Ủy ban, các Thành viên Tổ công tác là đại diện lãnh đạo của các Vụ chức năng, Văn phòng, Trung tâm Thông tin và 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Các Thành viên Tổ công tác có nhiệm vụ tham gia phối hợp xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tham gia nghiên cứu, rà soát các quy định tại Dự thảo Luật; tham gia phân tích, đánh giá, đóng góp ý kiến trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng đề nghị các đại biểu là đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu nêu cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, tích cực báo cáo về tình hình thực tiễn, thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển; đồng thời, đóng góp ý kiến tại Tọa đàm về những nội dung quan trọng như thực tiễn trong quá trình triển khai hoạt động của doanh nghiệp trong phạm vi điều chỉnh của Luật số 69/2014/QH13; công tác quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp; công tác kiểm tra, giám sát...

Ông Nguyễn Thành Trung - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đóng góp ý kiến tại Tọa đàm

Đóng góp ý kiến tại Tọa đàm, ông Nguyễn Thành Trung - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết: Được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao chủ trì thẩm tra Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thời gian qua, 3 cơ quan đã thống nhất, phối hợp tổ chức nhiều chương trình hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan.

Vừa qua, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức những chương trình làm việc, khảo sát trực tiếp với một số doanh nghiệp nhà nước; từ đó, nhận thấy rằng cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước mong chờ việc sửa đổi luật này để phát huy được hiệu quả sử dụng vốn của nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng được Quốc hội xác định sửa đổi toàn diện do phạm vi điều chỉnh của Luật số 69/2014/QH13 quá rộng nên đã phát sinh nhiều điểm chưa rõ ràng, như chưa phân định, tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp; chưa phân tách được vốn của nhà nước với vốn doanh nghiệp, quyền của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp…

Theo ông Nguyễn Thành Trung, cần phải xác định được chính xác đối tượng, mới có thể thiết kế được chính sách, nhất là nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là của cơ quan, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp để đảm bảo tính độc lập, tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phù hợp với quy định về quản trị doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Trung cũng lưu ý việc quản lý dòng vốn nhà nước đầu tư thay cho quản lý doanh nghiệp hiện nay phải thể hiện được đầy đủ nội dung giám sát dòng vốn này và rõ trách nhiệm, đối tượng thực hiện giám sát.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý và đại diện chủ sở hữu vốn đã cùng trao đổi về các nội dung quan trọng của dự thảo luật như nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp trong quản lý và đầu tư vốn gắn với các chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về doanh nghiệp nhà nước; phân tích đánh giá, góp ý quy định tại các điều khoản Dự thảo Luật gắn với mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho đại diện chủ sở hữu nhà nước và phân cấp mạnh hơn nữa cho doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động quản lý điều hành của doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022.

Đồng thời, các đại biểu cũng đánh giá, phân tích đa chiều về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng tại dự thảo Luật vì đây là một điểm mới so với quy định hiện hành. Nhiều ý kiến cũng tập trung vào những nội dung quan trọng liên quan tới công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm toán với các đối tượng này như thế nào… Bên cạnh đó, ý kiến các đại biểu tham dự bày tỏ kỳ vọng Dự thảo Luật được xây dựng và ban hành trên nguyên tắc kế thừa các quy định còn phù hợp với thực tiễn và phát huy hiệu quả tích cực, tháo gỡ và điều chỉnh những quy định không còn phù hợp với thực tiễn ở Luật số 69/2014/QH13. Từ đó, góp phần "cởi trói" cho doanh nghiệp nhà nước, tạo không gian rộng hơn để phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp, để doanh nghiệp nhà nước thực sự đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong nền kinh tế.

Theo các đại biểu, việc xác định vai trò của cơ quan quản lý nhà nước với vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa rõ; việc đầu tư vốn nhà nước (bao gồm cả việc bổ sung và rút vốn) tại doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể, chưa tạo tính chủ động, kịp thời, linh hoạt; một số quy định liên quan đến quản trị tại doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư trực tiếp còn bất cập trong thực tiễn; một số chính sách đặc thù liên quan đến quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp còn phân tán, chưa tập trung trong Luật; các nội dung quy định thực hiện quyền, trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan chuyên trách chưa được quy định trong Luật (do Luật số 69/2014/QH13 được ban hành trước khi Ủy ban được thành lập)...

Về vấn đề chuyển giao đại diện sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, theo quy định tại khoản 2, Điều 38 của Luật số 69/2014/QH13, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu, giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; không quy định việc chuyển giao công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp cấp II) về cơ quan đại diện chủ sở hữu. Do đó, một số đại biểu kiến nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định về các hình thức chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có nội dung chuyển giao không thanh toán trong trường hợp chuyển giao phần vốn tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ về cơ quan đại diện chủ sở hữu (sau khi chuyển giao thì hai doanh nghiệp này cùng một cơ quan đại diện chủ sở hữu).

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy phát biểu kết luận Tọa đàm

Phát biểu kết luận Tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy đánh giá: Các ý kiến đóng góp tại Tọa đàm đã làm sâu sắc, cụ thể hơn một số vấn đề vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Luật số 69/2014/QH13, đồng thời cũng đã tập trung trao đổi, thảo luận cụ thể các nội dung quy định tại Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo đang lấy ý kiến; nhất là các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các thuật ngữ, khái niệm; vấn đề tăng cường đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp; và trình tự thủ tục trong phê duyệt chủ trương dự án đầu tư cùng một số quy định khác tại Dự thảo Luật nhằm bảo đảm Luật khi được ban hành sẽ góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tế hiện nay, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Theo Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy, các ý kiến trao đổi, thảo luận cũng cơ bản đồng tình thống nhất về việc cần tiếp tục kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định pháp luật về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của doanh nghiệp có vốn nhà nước; loại bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn; đồng thời, các ý kiến cũng cho rằng các quy định cụ thể tại Dự thảo Luật cũng cần rà soát để bảo đảm các nội dung quan trọng như thể chế hóa đầy đủ, bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp có vốn nhà nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kế thừa, phát huy những quy định còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực của Luật số 69/2014/QH13; tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và chức năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, giảm các công việc sự vụ phải xem xét, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quy định rõ quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu, Hội đồng thành viên và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó, đề nghị nghiên cứu kết cấu các quy định theo chủ thể thực hiện; và quy định, xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi, lĩnh vực, nguyên tắc, hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

“Đây là dự án Luật rất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và các doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả buổi Tọa đàm hôm nay, thay mặt Lãnh đạo Ủy ban, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, tham dự và các ý kiến đóng góp, trao đổi, phân tích của các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà chuyên gia, nhà nghiên cứu, các Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị đã phối hợp, hỗ trợ tổ chức thành công Tọa đàm này” – Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy nhấn mạnh.

*Một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Ông Nguyễn Văn Phúc – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội đóng góp ý kiến tại Tọa đàm
Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đóng góp ý kiến tại Tọa đàm
 
Ông Đào Minh Đạo – Phó Cục trưởng Cục Tài chính (Bộ Quốc phòng) đóng góp ý kiến tại Tọa đàm
Ông Lê Anh Xuân – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Kế toán (Ngân hàng Nhà nước) đóng góp ý kiến tại Tọa đàm
Ông Võ Hữu Hạnh - Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đóng góp ý kiến tại Tọa đàm
Ông Hà Quý Sáng – Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính TP. Hà Nội) đóng góp ý kiến tại Tọa đàm
Ông Hoàng Gia Khánh - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đóng góp ý kiến tại Tọa đàm
Ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đóng góp ý kiến tại Tọa đàm
Ông Đinh Việt Tùng – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đóng góp ý kiến tại Tọa đàm

Nhật Quang

Media
Thư viện hình ảnh

ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Địa chỉ: Số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 08049558 - Fax: 08049585

Website:www.cmsc.gov.vn

Email: ubqlv@cmsc.gov.vn

Giấy phép: Số 132/GP-TTĐT ngày 26/7/2019

Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hoặc

"cmsc.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này