Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, công tác nhân sự và bầu Chủ tịch nước
21/10/2024
Sáng ngày 21/10, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khai mạc để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó sẽ tiến hành quy trình nhân sự Chủ tịch nước. Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh tham dự phiên khai mạc.
Trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kết thúc lễ viếng, các vị đại biểu Quốc hội trở về Nhà Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị. Tại phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 21/10 đến sáng ngày 30/11 |
Kỳ họp thứ 8 được tiến hành theo 2 đợt. Cụ thể, đợt 1, từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11 và Đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11, trong đó Quốc hội sẽ làm việc 4 ngày thứ Bảy. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 29,5 ngày. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác.
Tham dự Phiên khai mạc sáng 21/10 có: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; các nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các địa phương; các Đại sứ, đại diện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Về phía Quốc hội có các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương, Nguyễn Thị Thanh; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn và các đại biểu Quốc hội thuộc 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội thực hiện nghi lễ chào cờ tại phiên khai mạc |
Phát huy dân chủ, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Kỳ họp thứ Tám diễn ra sau khi Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII thành công rất tốt đẹp. Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo đảm đời sống của Nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp trù bị, các đại biểu Quốc hội đã thống nhất rất cao, biểu quyết thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp.Theo đó, về công tác lập pháp, đây là nội dung trọng tâm, chiếm phần lớn thời gian của Kỳ họp, có 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận, trong đó, Quốc hội xem xét, phấn đấu thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. |
Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, Nhân dân cả nước rất quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, xuất phát từ thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, các đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp của các dự án luật, Luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định; không cầu toàn, nóng vội; không quy định cứng nhắc; chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, bảo đảm đủ khả năng cho cá nhân, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện công việc.
Đồng thời, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiểm soát quyền lực, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong các luật, nghị quyết, bảo đảm khi các luật, các nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thực thi luật đạt hiệu quả cao nhất.
Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII được tổ chức sớm hơn thường lệ, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có thời gian nhiều để nghiên cứu, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ để trình Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027); tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2025.
Đồng thời, xem xét, quyết định: thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030; chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và nhiều nội dung quan trọng khác.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn, những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả; lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra ở 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và một số tỉnh miền Trung.
Về giám sát tối cao, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; xem xét báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023”; thảo luận, xem xét các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước; đồng thời thảo luận, cho ý kiến lần đầu vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Về công tác nhân sự, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ xem xét tiến hành bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một số nội dung công tác nhân sự khác thuộc thẩm quyền đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.Nhấn mạnh khối lượng công việc của Kỳ họp thứ Tám là rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy dân chủ, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi trên tinh thần xây dựng, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước.
Hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới thực chất và hiệu quả hơn
Tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV là kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay và cũng là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm về thể chế hóa nghị quyết của Trung ương lần thứ mười khóa XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước.
Vừa qua, Hội nghị lần thứ 10, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thành công rất tốt đẹp. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc đến cấp cơ sở quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10.
Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, thống nhất rất cao, Hội nghị Trung ương 10 đã thảo luận, quyết định nhiều nội dung quan trọng, thống nhất nhận thức, hành động để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng tốc, bứt phá, hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII, chuẩn bị các công việc cho Đại hội XIV của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá, thời gian qua hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới thực chất và hiệu quả hơn. Quốc hội ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, với ba chức năng quan trọng |
Về lập pháp, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã thông qua 43 luật, hơn 60 Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành 45 Nghị quyết và 3 pháp lệnh.
Ngay trong Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội dự kiến tiếp tục thông qua 15 dự án luật, 3 Nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến vào 13 dự thảo luật, trong đó có 1 luật sửa 3 luật trong lĩnh vực đầu tư; 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, quản lý tài sản. Có những dự án luật rất mới phù hợp với xu thế phát triển như: Luật Dữ liệu, Luật Công nghiệp công nghệ số… thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của Quốc hội.
Chính phủ cũng khẩn trương quán triệt triển khai thực hiện ngay chủ trương của Hội nghị Trung ương 10. Các văn bản này sẽ góp phần quan trọng trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục điểm nghẽn, điều chỉnh các mặt của đời sống kinh tế - xã hội bảo đảm quyền con người và phục vụ phát triển đất nước.
Hoạt động giám sát của Quốc hội cũng không ngừng được cải tiến, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật, bảo đảm kỷ luật kỷ cương, thúc đẩy các cơ quan nhà nước thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ.
Quốc hội cũng đã đồng hành cùng Chính phủ quyết định ban hành kịp thời nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đối ngoại của Quốc hội cũng được mở rộng với nhiều hoạt động nổi bật, Quốc hội được bầu ở nhiều vị trí quan trọng ở các diễn đàn lớn, uy tín trên thế giới…
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nêu rõ, trong tổ chức hoạt động của Quốc hội vẫn còn có những tồn tại hạn chế cần sớm được khắc phục. Trong ba "điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn.
Cùng với đó, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo; nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và nước ngoài.
Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập…
3 vấn đề cần tập trung
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 27 ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, cần tập trung vào 3 vấn đề. Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Các quy định của pháp luật mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, vấn đề có tính nguyên tắc, những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên giao cho Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư.
Đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn để xây dựng các quy định pháp luật, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn để mất thời cơ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Thứ hai, thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Cần sớm nghiên cứu, xác định rõ phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội, phù hợp với thực tiễn, tránh trùng giẫm với hoạt động của các cơ quan nhà nước khác, gây lãng phí.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản pháp luật, chú trọng theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Đổi mới quy trình quyết định ngân sách nhà nước, bảo đảm thực chất, đi đôi với việc giám sát việc thực hiện ngân sách; từng bước thay thế việc ban hành các nghị quyết bằng các đạo luật về tài chính, ngân sách…
Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ tổ chức hoạt động của Quốc hội bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của đại biểu Quốc hội; coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội.
Hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải đúng vai thuộc bài, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia. Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cần thống nhất cao, gương mẫu đi đầu, đóng góp tích cực, quan trọng trong xây dựng thể chế, phát triển đất nước, với tinh thần đổi mới, cải cách hết lòng, hết sức phục sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân…
Nhấn mạnh thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước cũng đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết, Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, của Nhà nước, của Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, bứt phá, hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình góp phần cùng toàn Đoàn, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết phấn đấu sớm xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc.