Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

Tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến thiết thực, hiệu quả để xây dựng hoàn thiện Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

05/07/2024

CMSC Chiều 5/7, tại Hà Nội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức cuộc họp Tổ công tác tham gia phối hợp xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Ngọc Cảnh chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng, Văn phòng và Trung tâm Thông tin, đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

Phát biểu gợi mở tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh nhận định: Luật số 69/2014/QH13 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có sự thay đổi; quá trình triển khai thực hiện Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn qua rà soát cho thấy đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cần thiết phải được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh, để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trước yêu cầu của thực tiễn quản lý, hội nhập quốc tế, nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong Luật số 69/2014/QH13 và quá trình thi hành Luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, cần thiết phải sửa đổi căn bản, toàn diện theo hướng ban hành Luật mới thay thế Luật số 69/2014/QH13. Với mục đích hoàn thiện các chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật mới thay thế Luật số 69/2014/QH13, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần chủ động, tích cực đóng góp ý kiến tại cuộc họp đối với các nội dung quan trọng, như tên và phạm vi điều chỉnh của Luật, đối tượng áp dụng, nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp…

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu gợi mở tại cuộc họp

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ đã công bố Quyết định thành lập Tổ công tác của Ủy ban tham mưu tham gia xây dựng Luật thay thế Luật 69/2014/QH13.

Thông tin tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ cho biết: Theo nội dung cơ bản hồ sơ xây dựng Luật thay thế cho Luật số 69/2014/QH13 do cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính, tên gọi của Luật là “Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp". Đối tượng áp dụng của Luật bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp; doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác các doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác) do doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ đầu tư vốn tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trên 50% vốn điều lệ; doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp tại các doanh nghiệp khác; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Dự thảo Luật tập trung vào 6 nhóm chính sách đề xuất, bao gồm chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Chính sách về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Chính sách về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; chính sách về sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; chính sách về quản trị doanh nghiệp.

Tích cực tham gia thảo luận, nêu ý kiến đóng góp cụ thể vào các quy định tại dự thảo Luật tại cuộc họp, các đại biểu đều nhận định rằng cần sửa đổi một cách căn bản, toàn diện cơ chế chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, bởi trong thời gian qua, qua rà soát cho thấy Luật số 69/2014/QH13 đã bắt đầu bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, việc đầu tư vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp chưa chủ động, kịp thời, linh hoạt. Lĩnh vực, ngành nghề đầu tư vốn nhà nước cần được thể chế và làm rõ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Quá trình, quy trình đầu tư trực tiếp vốn từ ngân sách nhà nước vào doanh nghiệp gặp khó khăn, việc đầu tư bổ sung vốn cho doanh nghiệp được quy định của pháp luật ngân sách thuộc lĩnh vực chi đầu tư phát triển, chưa xác định rõ trong đầu tư công.

Về quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện quyền của chủ sở hữu do Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu, Hội đồng thành viên, người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý cần được rà soát điều chỉnh cho phù hợp đảm bảo phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, giảm thiểu các công việc sự vụ phải xem xét, quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn phân cấp, xác định rõ quyền, trách nhiệm và không làm hạn chế quyền của doanh nghiệp để tăng tính tự chủ cho Hội đồng thành viên, Ban điều hành doanh nghiệp có vốn nhà nước, qua đó, hạn chế việc các cơ quan quản lý nhà nước làm thay cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và làm thay doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến của đại biểu đóng góp tại cuộc họp. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh, các ý kiến đã cung cấp những định hướng quan trọng trong việc góp ý xây dựng hồ sơ dự án Luật thay thế cho Luật số 69/2014/QH13. Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh giao nhiệm vụ cho các Thành viên Tổ công tác tham gia phối hợp xây dựng Luật quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Ủy ban tiếp tục tích cực đóng góp ý kiến, phối hợp với Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ là đơn vị đầu mối tổng hợp, xây dựng đề xuất, góp ý tổng thể của Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh cũng đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty thành lập nhóm nghiên cứu tại từng doanh nghiệp, tập trung trí tuệ và nguồn nhân lực tham gia xây dựng những đề xuất, xây dựng Luật.

*Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Ông Trần Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ công bố Quyết định thành lập Tổ công tác của Ủy ban tham mưu tham gia xây dựng Luật thay thế Luật 69/2014/QH13
Bà Vũ Thị Nhung – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ phát biểu tại cuộc họp
Ông Tô Dũng Thái – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tham gia đóng góp ý kiến tại cuộc họp
Ông Phí Mạnh Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) tham gia đóng góp ý kiến tại cuộc họp
Ông Nguyễn Văn Mậu - Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tham gia đóng góp ý kiến tại cuộc họp
Ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tham gia đóng góp ý kiến tại cuộc họp

Nhật Quang

Media
Thư viện hình ảnh

ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Địa chỉ: Số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 08049558 - Fax: 08049585

Website:www.cmsc.gov.vn

Email: ubqlv@cmsc.gov.vn

Giấy phép: Số 132/GP-TTĐT ngày 26/7/2019

Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hoặc

"cmsc.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này