Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

Ủy ban thông tin về loạt bài “Gấp rút mở rộng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành”: Mở rộng 8 - 10 làn xe, phấn đấu hoàn thành cuối năm 2027

03/05/2024

Từ ngày 18 đến 20/3/2024, Báo Sài Gòn giải phóng đã có loạt bài “Gấp rút mở rộng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành”, phản ánh tình trạng quá tải, ùn tắc, nguy cơ tai nạn giao thông trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành, đặc biệt sẽ trở thành nút thắt cổ chai nghiêm trọng khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026. Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh đã thông tin về vấn đề này.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh thông tin về việc mở rộng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành

Phóng viên: Xin ông cho biết, ở góc độ cơ quan quản lý, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhận định như thế nào về nhu cầu mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành?

Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh: Đoạn đường bộ cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc Dự án đường bộ cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, là trục cao tốc trọng yếu, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội khu vực kinh tế trọng điểm miền Đông Nam bộ. Hiện tại, sau gần 10 năm đưa vào khai thác vận hành với quy mô 4 làn xe, tuyến đường này đã mãn tải, đặc biệt là ở phân đoạn TP. Hồ Chí Minh - Long Thành (Km0 - Km25+920).

Theo số liệu thực tế trong quá trình quản lý khai thác vận hành của chủ đầu tư (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam -VEC) và nghiên cứu của đơn vị tư vấn (Viện Chiến lược giao thông vận tải), với quy mô hiện tại, đến năm 2025 lưu lượng phương tiện lưu thông trên phân đoạn TP. Hồ Chí Minh - Long Thành vượt 25% năng lực thông hành.

Hơn nữa, dự kiến trong năm 2026, Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 công suất khai thác thiết kế 25 triệu hành khách/năm và tuyến đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được đưa vào khai thác, cùng với sự phát triển của Cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ càng tạo thêm áp lực lưu thông. Sự phát triển chuỗi logistics gắn liền mạng lưới hạ tầng đồng bộ (hàng không - đường bộ - hàng hải) đòi hỏi phải sớm đầu tư mở rộng đoạn đường bộ cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành.

Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành thường xuyên kẹt xe kéo dài dịp nghỉ lễ (Ảnh: Quốc Hùng)

Phóng viên: Nhu cầu bức thiết như vậy nhưng kế hoạch mở rộng dự án vẫn bị lùi lại từ năm này sang năm khác vì thiếu vốn. Vì sao dự án này nhất thiết phải để VEC làm chủ đầu tư mà không để các doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh thực hiện?

Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh: Việc huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước (19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là chủ sở hữu vốn nhà nước) góp phần hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là nhiệm vụ trọng tâm, đang được Ủy ban cấp bách triển khai.

Với dự án mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành, là dự án đang được khai thác tốt, có lưu lượng phương tiện và doanh thu cao, nên mặc dù có những khó khăn, vướng mắc nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tính toán, tháo gỡ để VEC làm chủ đầu tư. Việc này vừa để thuận tiện cho công tác quản lý, đảm bảo tính đồng bộ của dự án do VEC đã đầu tư trước đó, vừa giúp nguồn vốn nhà nước được phát huy một cách tốt nhất.

Phóng viên: Nếu những vướng mắc về nguồn vốn được tháo gỡ thì lộ trình triển khai dự án mở rộng ra sao?

Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh: Với tổng mức đầu tư 14.339,50 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại), VEC đề xuất tiến độ thực hiện từ năm 2024-2028. Cụ thể, chuẩn bị đầu tư từ tháng 3-2024 đến tháng 2-2025; thực hiện đầu tư từ tháng 3-2025 đến tháng 6-2028.

Tuy nhiên, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhận thấy tiến độ thực tiễn triển khai các dự án đường bộ cao tốc thuộc danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (bao gồm thời gian chuẩn bị đầu tư và thiết kế kỹ thuật, lập dự toán) có thể rút ngắn từ 18 tháng xuống 10 tháng.

Vì vậy, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải, với tinh thần xuyên suốt “chỉ bàn làm, không bàn lùi, vượt nắng thắng mưa” thì Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp dự kiến rút ngắn các giai đoạn chuẩn bị đầu tư, phấn đấu đưa dự án vào sử dụng dự kiến là tháng 12/2027 (rút ngắn 6 tháng so với đề xuất của VEC). Cụ thể, phần đường và các cầu cạn hoàn thành vào tháng 1/2027, cầu Long Thành hoàn thành vào tháng 12/2027.

Dự án mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành có tổng chiều dài 21,92km, trong đó, đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 (Km4+00 đến Km8+770) mở rộng hoàn chỉnh lên 8 làn xe; đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km8+770 đến Km25+920) mở rộng lên 8 làn xe.

Hai vị trí cầu (cầu Sông Tắc - Km10+436, cầu trong nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu - Km24+646) mở rộng hoàn chỉnh lên 10 làn xe.

Dự án cũng sẽ đầu tư xây dựng 1 đơn nguyên cầu Long Thành quy mô như cầu Long Thành hiện tại. Kết cấu phần dưới toàn bộ cầu cạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km8+770 đến Km25+920) đầu tư hoàn chỉnh đảm bảo khả năng mở rộng lên 10 làn xe.

Theo Báo Sài Gòn giải phóng

Media
Thư viện hình ảnh

ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Địa chỉ: Số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 08049558 - Fax: 08049585

Website:www.cmsc.gov.vn

Email: ubqlv@cmsc.gov.vn

Giấy phép: Số 132/GP-TTĐT ngày 26/7/2019

Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hoặc

"cmsc.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này