Đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Trung Quốc
08/11/2024
Sáng 8/11, tại thành phố Trùng Khánh, trong chương trình tham dự các hội nghị hợp tác tiểu vùng Mekong và làm việc tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc. Tọa đàm do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp với chính quyền thành phố Trùng Khánh tổ chức. Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh và đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty do CMSC làm đại diện chủ sở hữu dự Tọa đàm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc (Ảnh: VGP) |
Cùng tham dự tọa đàm có các thành viên đoàn đại biểu Việt Nam, lãnh đạo thành phố Trùng Khánh và đông đảo đại diện doanh nghiệp của hai nước.
Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp là yếu tố hết sức quan trọng, tạo những cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Để cụ thể hóa các cam kết, nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai nhà nước, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc, Việt Nam là hết sức quan trọng.
Trong hơn 10 năm qua, thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 4 lần; đưa Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng hơn 7 lần, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6/148 của Việt Nam. Trong năm 2023, Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới ở Việt Nam.
Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết nhấn mạnh những điểm tương đồng, gần gũi giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc cả về tự nhiên, văn hóa và lịch sử (Ảnh: VGP) |
Nói về Trùng Khánh, các đại biểu nhận đinh, Trùng Khánh có vị trí quan trọng, những năm gần đây, giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa Trùng Khánh và các địa phương Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh. Kim ngạch thương mại hai chiều 9 tháng đầu năm 2024 đã đạt 4,2 tỷ USD, Việt Nam nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Trùng Khánh trong ASEAN. Tiềm năng hợp tác giữa Trùng Khánh với các địa phương Việt Nam còn rất lớn và rộng mở.
Ông Hồ Hoành Hoa - Thị trưởng thành phố Trùng Khánh phát biểu khai mạc Tọa đàm (Ảnh: VGP) |
Tại Tọa đàm, các doanh nghiệp nhà đầu tư hai bên đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp mình đồng thời cũng đề xuất kiến nghị nhiều ý kiến đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực như đường sắt, hàng không, cảng biển, logistics..
Phó Chủ tịch CMSC Nguyễn Ngọc Cảnh và các đại biểu dự tọa đàm (Ảnh: VOV) |
Trình bày tham luận về hợp tác trong lĩnh vực viễn thông, ông Huỳnh Quang Liêm - Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chia sẻ: Trung Quốc hiện là thị trường logistics lớn nhất thế giới, dựa trên các cơ hội hậu cần và nền tảng kinh doanh với một mạng lưới kho vận, hạ tầng giao thông và cơ sở lưu trữ rộng lớn kết hợp với các dịch vụ công nghệ thông tin tiên tiến. Với quá trình chuyển đổi số và sự phát triển của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, 5G và điện toán đám mây và những bước tiến vượt bậc trong việc ứng dụng công nghệ cao vào quản lý logistics đã giúp Trung Quốc chuyển từ thâm dụng lao động sang tự chủ và chuyển đổi từ phương thức truyền thống lên logistics thông minh ở nhiều lĩnh vực.
Ông Huỳnh Quang Liêm - Tổng giám đốc VNPT trình bày tham luận tại tọa đàm (Ảnh: VOV) |
Theo ông Huỳnh Quang Liêm, VNPT sẽ trở thành một nhà tích hợp hạ tầng, phần cứng, phần mềm, dịch vụ giúp hiện thực hóa các giải pháp công nghệ trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam và đặc biệt quan tâm đến việc tùy chỉnh các sản phẩm công nghệ và bản địa hóa các giải pháp sao cho phù hợp với nhu cầu và thực tiễn của thị trường Việt Nam. VNPT sẵn sàng tìm hiểu các cơ hội chuyển giao công nghệ trên các nền tảng logistics số để từ đó góp phần thúc đẩy việc đưa giải pháp chuyển đổi số nhanh hơn hiệu quả hơn cho Việt Nam.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh những điểm tương đồng, gần gũi giữa hai nước Việt Nam, Trung Quốc cả về tự nhiên, văn hóa và lịch sử. Theo đó, hai nước có "núi liền núi, sông liền sông", lịch sử quan hệ lâu đời, tình hữu nghị "vừa là đồng chí vừa là anh em". Đặc biệt, sau các chuyến thăm lẫn nhau gần đây của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đang có nền tảng chính trị vững chắc, nền tảng văn hóa tương đồng, nền tảng pháp lý thuận lợi, nền tảng thị trường rộng mở và xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác đầu tư kinh doanh, phát huy vai trò kết nối 2 nền kinh tế, cả về kết nối cứng, kết nối mềm, kết nối giao thông, hạ tầng viễn thông (Ảnh: VGP) |
Thủ tướng cho biết: Với những nền tảng như vậy, rất cần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn nữa. Lũy kế đến hết tháng 10/2024, Trung Quốc có gần 5.000 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 30 tỷ USD. 9 tháng năm 2024, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư mới và đứng thứ hai về tổng vốn đầu tư đăng ký. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 172 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt 190,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, Thủ tướng nhận định: những kết quả này chưa tương xứng với quan hệ tốt đẹp, cơ hội và tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn.
Thủ tướng dành thời gian chia sẻ về những yếu tố nền tảng, các định hướng lớn của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội, đối ngoại và hội nhập, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội…Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Thủ tướng cho biết: Việt Nam xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện chính sách quốc phòng 4 không, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để nhà đầu tư yên tâm làm ăn ổn định, lâu dài. Cùng với đó, phát triển văn hóa là sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần của xã hội, thực hiện quốc tế hóa các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng lưới an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc thu hút nhiều doanh nghiệp nhà đầu tư Việt Nam - Trung Quốc tham dự (Ảnh: VOV) |
Việt Nam đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về xây dựng thể chế, phát triển hạ tầng chiến lược và đào tạo nhân lực chất lượng cao, theo định hướng "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh"; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, nhanh chóng, giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, "cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào".
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia, đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do với 65 thị trường hàng đầu thế giới. Do đó, đầu tư vào Việt Nam sẽ có cơ hội với 65 thị trường trên thế giới, Thủ tướng nói.
Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết 7 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) của các doanh nghiệp hai nước trên nhiều lĩnh vực (Ảnh: VGP) |
Năm 2023, Việt Nam thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022; vốn FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong 10 tháng đầu năm 2024, thu hút FDI đạt 27,3 tỷ USD tăng 2,0%; vốn FDI thực hiện đạt 19,6 tỷ USD, tăng 8,8%.
Với những yếu tố nền tảng nói trên, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác đầu tư kinh doanh, phát huy vai trò kết nối 2 nền kinh tế, cả về kết nối cứng, kết nối mềm, kết nối giao thông, hạ tầng viễn thông…, góp phần cụ thể hóa các thỏa thuận, cam kết, nhận thức chung của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, cùng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho hai nước và nhân dân hai nước, cùng nhau phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các đại biểu tại tọa đàm (Ảnh: VGP) |
Về các đề xuất của doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết: Hiện nay, hai nước đang triển khai hải quan thông minh để đơn giản hóa thủ tục thông quan. Cùng với đó, các cơ quan chức năng đã và đang triển khai các chính sách liên quan phát triển hạ tầng logistics, hỗ trợ về tài chính, hợp tác kỹ thuật, đặc biệt là tập trung phát triển các ngành mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn…, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bao bì, mẫu mã hàng hóa…
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp hai nước đã ký kết 7 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) trên nhiều lĩnh vực, gồm MOU giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Công ty Vận hành hành lang đường bộ, đường biển mới; thỏa thuận khung hợp tác chiến lược giữa Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt và Công ty Quản lý chuỗi cung ứng Yuxinou; MOU giữa Viettel Post và Tập đoàn Sunwah; MOU giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và Công ty Sinotrans; giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Năng lượng T&T (Việt Nam) với các Công ty TNHH Cospowers và Công ty TNHH Goldwind International Holdings…