Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam: Hành trình phát triển Xanh
29/09/2023
Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam tiền thân là Tổng công ty Lâm sản Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 667/TCLĐ ngày 04/10/1995 của Bộ Lâm nghiệp (cũ) trên cơ sở sáp nhập 10 Tổng công ty và Liên hiệp các xí nghiệp thuộc Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT). Năm 1997, Tổng công ty Lâm sản Việt Nam được đổi tên thành Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (VINAFOR).
Lễ khai trương giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam |
Hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị được giao
Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp, ngày 12/8/2016, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam tiến hành tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông lần đầu và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi “Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Công ty cổ phần” kể từ ngày 01/9/2016, với tổng vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, tương ứng 350 triệu cổ phần theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần (Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ).
Thực hiện Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/09/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam là một trong 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước chuyển về trực thuộc Ủy ban; phần vốn Nhà nước đầu tư tại Tổng công ty do Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu.
Ngay sau khi chuyển về trực thuộc Ủy ban, Ban Lãnh đạo Tổng công ty luôn nhận thức và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao là quản lý vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; xây dựng khối đại đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị của Tổng công ty. Từ những cán bộ lãnh đạo cao nhất đến những công nhân, nhân viên, người lao động trong Tổng công ty luôn hăng hay làm việc, lao động với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo ra khí thế, tư duy, phương pháp luận mới, cách tiếp cận mới để quyết tâm thực hiện nhiệm vụ.
Vinafor nhận kỷ niệm chương "Bảo vệ an ninh Tổ quốc" |
Cùng với sự chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như của các cơ quan hữu quan các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, liên tục trong nhiều năm qua, VINAFOR đã hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị được các cơ quan cấp trên giao; bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Với đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Tổng công ty là sản xuất lâm nghiệp, ngành nghề cốt lõi là trồng rừng và sản xuất, chế biến gỗ truyền thống. Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam quản lý hơn 43 nghìn ha rừng và đất rừng trồng sản xuất thuộc 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Sản phẩm chính là gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC; dịch vụ lâm nghiệp; dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ du lịch sinh thái. Hằng năm, VINAFOR cung ứng cho thị trường bình quân 250 nghìn m3 gỗ trong đó 150 nghìn m3 có chứng chỉ rừng FSC.
Trong quá trình xây dựng và phát triển của mình, Vinafor luôn xác định mục tiêu xuyên suốt, đó là, sản xuất – kinh doanh phải gắn với “Phát triển lâm nghiệp bền vững là cốt lõi”, “Từ trồng rừng đến sản phẩm” và “tăng cường hợp tác quốc tế” nhằm đảm bảo duy trì ổn định sự phát triển bền vững dựa trên 03 trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường.
Xuyên suốt mục tiêu chiến lược “Từ trồng rừng đến sản phẩm”, Tổng công ty đã lấy phát triển Lâm nghiệp làm nòng cốt, đổi mới công tác quản trị, sản xuất Lâm nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật trong các khâu giống, lâm sinh và chế biến gỗ. Tổng công ty xác định rõ, doanh nghiệp muốn thành công thì không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn phải đem lại lợi ích cho cộng đồng, đảm bảo việc làm và ổn định đời sống cho người dân bản địa trên địa bàn, nơi doanh nghiệp hoạt động.
Chủ tịch HĐQT Vinafor Phí Mạnh Cường và Viện trường RIFT Lý Khai Dương ký kết MOU phát triển song phương trong lĩnh vực phát triển lâm nghiệp |
Hài hòa lợi ích kinh tế rừng với ổn định an sinh xã hội địa phương
Với đặc thù hoạt động sản xuất lâm nghiệp diễn ra chủ yếu tại miền núi, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; dân cư địa phương phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Trung bình hàng năm các đơn vị lâm nghiệp trực thuộc Tổng công ty đã trồng mới khoảng 3000 - 4000 ha rừng/năm; đã mạnh dạn đổi mới và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; từng bước nâng cao đời sống người trồng rừng; qua đó góp phần thực hiện tích cực đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của Chính phủ, các chương trình quốc gia như: xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi trọc, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Các hoạt động lâm nghiệp của Tổng công ty đang phát triển theo định hướng bền vững xanh của Thủ tướng chính phủ và từng bước triển khai mục tiêu giảm phát thải và hấp thụ lưu giữ cacbon rừng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại nhiều địa phương, vai trò, uy tín của Tổng công ty với cộng đồng và chính quyền địa phương ngày một tăng, cũng như mối liên kết với đồng bào dân tộc thiểu số chặt chẽ hơn. Tổng công ty là một trong những đơn vị định hướng và dẫn dắt công tác sản xuất lâm nghiệp. Những hình ảnh về diện tích, năng suất, chất lượng rừng trồng của Tổng công ty là bằng chứng để người dân trên địa bàn yên tâm, hợp tác trồng rừng và phát triển kinh tế.
Thông qua hoạt động sản xuất lâm nghiệp từ trồng rừng, chăm sóc rừng và quản lý bảo vệ rừng, Tổng công ty đã làm chuyển biến, thay đổi tập quán cho người dân từ du canh du cư, đốt nương làm rãy trước đây, sang trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Người dân chủ động hợp tác với Tổng công ty để trồng rừng cơ giới, hiện đại, thâm canh cao; trồng rừng bằng giống cây có chất lượng, mang lại năng suất chất lượng cao hơn, cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Sau chu kỳ kinh doanh rừng, Tổng công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ của dân, việc gắn kết các đơn vị lâm nghiệp của Tổng công ty với người dân trên địa bàn. Các công ty lâm nghiệp trực thuộc Tổng công ty đã và đang trở thành trung tâm liên kết sản xuất đối với nhân dân trong vùng, đóng vai trò hạt nhân để dẫn dắt người dân sản xuất lâm nghiệp tại địa phương về giống cây trồng mới, về áp dụng khoa học, kỹ thuật, chế biến lâm sản và thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập nâng cao đời sống từ nghề rừng cho người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Việc mang lại lợi ích cho người dân cũng như đóng góp cho địa phương cũng chính là góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược, biên giới, vùng sâu, vùng xa, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Hướng tới nền “Công nghiệp Xanh - bền vững”
Cùng với sự đổi mới, phát triển của đất nước, nền kinh tế Việt Nam được xác định là kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Do đó, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam đã xác định chiến lược phát triển bền vững của phải dựa trên nền tảng cốt lõi là lâm nghiệp công nghệ cao, phấn đấu là doanh nghiệp đứng đầu trong sản xuất, kinh doanh cây giống chất lượng cao trên cơ sở ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại và cải tạo giống cây trồng.
Rừng trồng Bạch đàn (năm 3) của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam |
Tổng công ty hiện có 11 đơn vị sản xuất giống trải dài từ Bắc vào Nam. Hàng năm, hệ thống này cung ứng hàng chục triệu cây giống chất lượng cao phục vụ trồng rừng và cung ứng ra thị trường. Vinafor cũng tiếp tục nâng cấp mức độ tự động hóa cho 02 đơn vị sản xuất cây mầm mô với tổng công suất trên 40 triệu cây/năm. Việc quản lý chất lượng cây giống được thực hiện theo chuỗi hành trình, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; giống được cấp có thẩm quyền công nhận, đồng nhất về mặt di truyền và mức độ trẻ hóa cao. Nâng cấp hệ thống vườn ươm vệ tinh, công nghệ cao tại các vùng sinh thái, tạo chuỗi kinh doanh lâm nghiệp từ sản xuất cây giống đến trồng rừng và chế biến gỗ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Giai đoạn 2018 - 2023 Tổng công ty sản xuất và tiêu thụ khoảng 201 triệu cây giống các loại; tạo mới 17,9 nghìn ha rừng và khai thác 16,5 nghìn ha rừng.
Bên cạnh hoạt động sản xuất rừng trồng, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam còn có hệ thống các nhà máy chế biến trải dài trên cả nước, bao gồm các nhà máy chế biến nội ngoại thất xuất khẩu; các nhà máy sản xuất và chế biến dăm gỗ xuất khẩu liên doanh với Nhật Bản (các Vijachip) và các nhà máy sản xuất ván nhân tạo. Các công ty lâm nghiệp và chế biến gỗ của Vinafor đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm rừng trồng, nâng cao đời sống, đảm bảo việc làm cho của người dân tại các địa phương. Mỗi năm, các công ty này thu về trên 150 triệu USD từ các hoạt động xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ, đóng góp cho sự phát triển của ngành gỗ Việt Nam.
Đáng chú ý, với nhiều ngành nghề kinh doanh, Vinafor hiện đang đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành gỗ nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Vinafor trong những năm gần đây đạt trên 200 triệu USD, chủ yếu đến từ các hoạt động nhập khẩu, kinh doanh gỗ Châu Phi và gỗ rừng trồng New Zealand, Nam Mỹ; sản xuất và xuất khẩu dăm gỗ; xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất. Trong đó, nhập khẩu, thương mại gỗ từ Châu Phi, Nam Mỹ và New Zealand là lĩnh vực kinh doanh truyền thống của Vinafor trong hơn 10 năm nay. Vinafor kinh doanh các chủng loại gỗ Châu Phi như: Tali, Padouk, Okan, Doussie, Pachyloba, Mukulungu, Douka, Wenge, Paorosa, Eyeck, Sipo, đạt kim ngạch 15 triệu USD. Các sản phẩm gỗ thông, sồi, bạch dương của Vinafor nhập khẩu từ New Zealand, Hoa Kỳ, Chile, Brazil với chất lượng tốt, sản lượng ổn định, giá cả hợp lý.
Đặc biệt, không chỉ xuất khẩu sản phẩm thô, hiện nay, chế biến gỗ là điểm sáng, trọng điểm đầu tư, phát triển của Vinafor. Trong những năm qua, các sản phẩm chế biến gỗ tiêu biểu của Tổng công ty có thể kể đến: Ván sợi ép MDF tiêu chuẩn xuất khẩu; Đồ gỗ nội ngoại thất xuất khẩu các thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản; Sản xuất và xuất khẩu dăm gỗ xuất Nhật và Trung Quốc và nhiều sản phẩm chế biến lâm sản khác... Chính các sản phẩm này đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Tổng công ty trong những năm vừa qua.
Đặc biệt, một trong những điểm nhấn của giai đoạn 2018 - 2023 với sự chỉ đạo, hỗ trợ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ngày 03/2/2020, Tổng công ty đã chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (mã chứng khoán VIF). Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ, quan trọng trên chặng đường xây dựng và phát triển của Vinafor, thể hiện nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên và người lao động của tổng công ty và khẳng định vị thể, nâng cao giá trị, sự minh bạch trong quản trị của Vinafor.
Bên cạnh đó, sự kiện cũng là hành động của Vinafor trong việc hoàn thành cam kết với các cổ đông, trách nhiệm với cộng đồng, thể hiện tầm nhìn trong định hướng phát triển bền vững, phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong việc phát triển ngành lâm nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; có sự đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu của hợp tác phát triển và hội nhập quốc tế trong thời đại mới.
Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban, Tổng công ty đã triển khai thực hiện xây dựng Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 360/QĐ-TTg ngày 17/03/2022 về việc phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” và đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt. Tổng công ty đã tăng cường ứng dụng những giải pháp công nghệ thông tin, tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất và quản lý điều hành Tổng công ty; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất và quản lý rừng trồng; tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn theo đúng quy định của nhà nước nhằm đảm bảo an toàn về tài chính cho Tổng công ty.
Sau 05 năm chuyển về trực thuôc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như sau hơn 25 năm hình thành và phát triển, Tổng công ty không ngừng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đã xây dựng và duy trì tốt vị trí là doanh nghiệp nhà nước nòng cốt trong ngành Lâm nghiệp Việt Nam góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp Việt Nam trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Để ghi nhận những kết quả và thành tích trên, hằng năm Tổng công ty luôn được Ủy ban đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất (2015); Cờ thi đua Chính phủ năm 2019, 2021; Cờ thi đua Ủy ban năm 2022 và nhiều hình thức khen thưởng khác…
Bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, trong những năm qua Tổng công ty cũng đã tích cực, hưởng ứng tham gia các hoạt động từ thiện và an sinh xã hội do Chính phủ, Ủy ban phát động như: Quỹ vì người nghèo, ủng hộ đồng bào Miền Trung bị lũ lụt, Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19, Quỹ Phòng chống tội phạm Trung ương... với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng. Tham gia chương trình xây dựng Ngôi nhà tình nghĩa, Trường học, xây dựng các công trình an sinh xã hội khác do Ủy ban phát động tại các tỉnh: Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn..., tổ chức các chương trình thăm hỏi tặng quà các đ/c thương bệnh binh, người có công và các gia đình chính sách với tổng số tiền: gần 4,8 tỷ đồng.
Kết quả: Sau 05 năm chuyển về trực thuộc Ủy ban (2018 - 2023) - Tổng doanh thu đạt: 8.306 tỷ đồng - Lợi nhuận sau thuế: 2.816 tỷ đồng - Nộp ngân sách Nhà nước: 1.427 tỷ đồng - Thu nhập bình quân người lao động (Công ty mẹ) tăng từ 14.8 triệu đồng/người/tháng lên 16.5 triệu đồng/người/tháng. |