Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

Ủy ban đồng hành cùng sự phục hồi và tăng trưởng ngoạn mục của Petrovietnam

29/09/2023

Có thể khẳng định, từ năm 2018 đến nay là một hành trình đầy gian khó nhưng hết sức vinh quang, tự hào, ghi dấu chặng đường phục hồi và tăng trưởng ngoạn mục của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) từ những khó khăn, thách thức tưởng chừng không thể vượt qua. Đồng hành cùng Petrovietnam trong hành trình đó gắn liền với sự ra đời và vai trò lãnh đạo, quản lý, hỗ trợ quan trọng, trực tiếp của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban).

Lễ bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Petrovietnam từ Bộ Công Thương về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Ngày 29/9/2018, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra đời, thực hiện quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc. Trong đó, với vai trò, trách nhiệm của mình, Ủy ban đã ban hành các văn bản chỉ đạo Petrovietnam xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm gắn với chiến lược phát triển ngành Dầu khí. 

5 năm qua, ngành Dầu khí đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách đến từ giá dầu thô liên tiếp giảm sâu và giữ ở mức thấp kéo dài nhiều năm, tình hình Biển Đông phức tạp, cạnh tranh thương mại, biến đổi khí hậu; công tác quản lý nhà nước về dầu khí, các chính sách phục vụ phát triển bền vững của ngành còn nhiều bất cập; tiếp sau đó là đại dịch Covid -19 bùng phát trên toàn thế giới đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, chiến tranh Nga – Ukraine dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, giá năng lượng biến động mạnh, trồi sụt bất thường ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh năng lượng, an ninh lương thực, cũng như là suy giảm kinh tế toàn cầu nói chung… Có thể nói, đây là giai đoạn biến động, khó khăn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của Petrovietnam khi hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề, suy giảm, sự khủng nhân lực, khủng hoảng niềm tin trong đội ngũ CBCNV, người lao động. 

Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh kiểm tra hoạt động tại Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau

Nếu trong những điều kiện thuận lợi bình thường, người lao động Dầu khí luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thì trong hoàn cảnh bất thường, đầy khó khăn, người Dầu khí càng thể hiện tinh thần đoàn kết, bản lĩnh cũng như ý chí, nghị lực của mình. Cùng với hỗ trợ tích cực của các Ban/Bộ/ngành Trung ương và các địa phương liên quan; đặc biệt với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ủy ban đã hỗ trợ Tập đoàn từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động SXKD và tại các dự án đầu tư trọng điểm; giúp Petrovietnam không những vững vàng vượt qua thách thức mà đạt được những kết quả ấn tượng, phục hồi và tăng trưởng ngay trong “khủng hoảng kép”, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước; bảo toàn, phát triển vốn; góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô và xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chính sách an sinh xã hội.  

Trong suốt khoảng thời gian đầy khó khăn ấy, Petrovietnam vẫn duy trì đóng góp quan trọng cho ngân sách. Cụ thể, năm 2018 đạt 121.269 nghìn tỷ đồng, năm 2019 đạt 108.039 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, giai đoạn 2020 - 2022 trong bối cảnh dịch Covid bùng phát, giá dầu giảm mạnh, có thời điểm xuống mức âm, nhiều tập đoàn, công ty dầu khí quốc tế thua lỗ, phải cắt giảm nhân sự, thậm chí phá sản, Petrovietnam vẫn giữ vững được nhịp độ sản xuất kinh doanh, có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Nộp ngân sách nhà nước (NSNN) toàn Tập đoàn giai đoạn 2020-2022 đạt 366,1 nghìn tỷ đồng, vượt 75% kế hoạch được giao, đạt mức tăng trưởng 36-52%/năm; Thực hiện bảo toàn và phát triển vốn theo quy định: tại thời điểm 31/12/2022, hệ số khả năng thanh toán nhanh là 2,97 lần; hệ số khả năng thanh toán tổng quát là 3,66 lần cho thấy Công ty mẹ - Tập đoàn có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ, đảm bảo an toàn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.

Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra hoạt động tại Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS)

Đặc biệt năm 2022 vừa qua, Petrovietnam đã dẫn đầu trong số 19 tập đoàn/tổng công ty trực thuộc Ủy ban về các chỉ tiêu tài chính khi đạt kỷ lục về tổng doanh thu trong 61 năm qua với 931,2 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 40 tỷ USD, đạt kỷ lục về lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 82 nghìn tỷ đồng (gần 3,5 tỷ USD); kỷ lục về nộp NSNN với 170,6 nghìn tỷ đồng (hơn 7,2 tỷ USD), chiếm tỉ trọng khoảng 9,6% trong tổng thu NSNN.

Mới đây, trong hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm của Ủy ban, Petrovietnam tiếp tục ghi nhận nhiều đóng góp quan trọng trong thành công chung của Ủy ban với tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 420,1 nghìn tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 24,7 nghìn tỷ đồng, vượt 50% kế hoạch; Nộp NSNN (không bao gồm Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn) ước đạt hơn 66 nghìn tỷ đồng, vượt 63% kế hoạch; Petrovietnam cũng là 1 trong 10 tập đoàn/tổng công ty trực thuộc Ủy ban có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022.

Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Công Thương kiểm tra dự án NMNĐ Thái Bình 2

Cùng với đó, các sản phẩm chủ lực của Tập đoàn là dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm… chiếm tỷ trọng lớn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Đặc biệt, vai trò của Ủy ban thể hiện rõ nét trong thành quả của Petrovietnam trong công tác đầu tư xây dựng. Hằng năm, lãnh đạo Ủy ban  có các buổi làm việc định kỳ với lãnh đạo Petrovietnam, trực tiếp kiểm tra hoạt động tại các công trình, dự án trọng điểm của ngành Dầu khí như: NMNĐ Sông Hậu 1, NMNĐ Thái Bình 2, Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau, NMLD Dung Quất… Qua làm việc, lãnh đạo Ủy ban đã có những trao đổi, tháo gỡ trực tiếp các vấn đề khó khăn để thúc đẩy tiến độ các dự án, cũng như định hướng cho hoạt động của các đơn vị. Và với nhiệm vụ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, Ủy ban đã hỗ trợ Petrovietnam tìm giải pháp, đưa các dự án chậm tiến độ ra khỏi “danh sách”. Công tác xử lý các tồn tại 05 dự án/doanh nghiệp yếu kém khó khăn với quyết tâm cao nhất mang lại những chuyển biến tích cực. Một số dự án trọng điểm của Petrovietnam được đẩy nhanh tiến độ, là điểm sáng trong 6 tháng đầu năm 2023 của Ủy ban như: Hoàn thành đầu tư và vận hành với công suất cao NMNĐ Thái Bình 2 từ ngày 27/4/2023; Thử vỉa thành công và cho kết quả tốt giếng khoan thẩm lượng Đại Hùng Nam - 4X; Chuỗi dự án Lô B đã đánh giá hồ sơ chào thầu phần kỹ thuật EPC, các gói thầu khác đang triển khai tích cực để chào thầu đồng bộ với tiến độ dự án; Dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất đã được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, hiện nay chủ đầu tư Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BRS) đang sớm hoàn thành đấu thầu lập FS; Dự án LNG Thị Vải đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng chạy thử vào ngày 10/7/2023; Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3,4 đã hoàn thành thi công san lấp mặt bằng nhà máy, hợp đồng EPC đang được thực hiện theo tiến độ đã ký.

Lãnh đạo Ủy ban và Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương làm việc tại Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PVGas)

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, những thành tích vượt khó của Petrovietnam đạt được bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động trong toàn ngành, còn có sự quan tâm, đồng hành, sát sao trong chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo Ủy ban. Làm việc với lãnh đạo Tập đoàn, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban đã khẳng định, Petrovietnam là doanh nghiệp lớn, chiếm tỉ lệ vốn lớn nhất trong Ủy ban cũng như giữ vai trò quan trọng của nền kinh tế đất nước. Để đảm bảo cho Petrovietnam hoạt động hiệu quả, thể hiện đúng vị trí quan trọng của mình, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh cam kết Ủy ban sẽ tiếp tục đồng hành cùng Petrovietnam tập trung, quyết liệt xử lý những vướng mắc. Đây cũng chính là cơ sở để Petrovietnam tiếp tục vững tin, nỗ lực cố gắng hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước giao phó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong thành công chung của Ủy ban, cho đất nước!

Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Petrovietnam

Tag: cmsc , pvn , petrovietnam

Media
Thư viện hình ảnh

ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Địa chỉ: Số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 08049558 - Fax: 08049585

Website:www.cmsc.gov.vn

Email: ubqlv@cmsc.gov.vn

Giấy phép: Số 132/GP-TTĐT ngày 26/7/2019

Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hoặc

"cmsc.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này