Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng công ty tổng công ty tổng kết công tác năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025
05/12/2024
CMSC Chiều 6/12, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng công ty. Đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp
Nhận thức được rõ những thách thức, khó khăn của tình hình thế giới và trong nước; thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và Kế hoạch công tác năm 2024, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tối đa những cơ hội, hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ công tác năm 2024.
Trong năm 2024, Ủy ban bước đầu thực hiện có kết quả định hướng của Đảng, Nhà nước về quản lý, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, cơ bản tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp của 5 Bộ để các bộ tập trung nhiệm vụ quản lý nhà nước, ban hành chính sách; Hình thành cơ quan chuyên trách thực hiện đầy đủ, toàn diện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty theo quy định. Hoàn thành xử lý hầu hết 259 công việc thuộc trách nhiệm các Bộ còn xử lý dở dang, tồn đọng qua nhiều thời kỳ sau khi tiếp nhận doanh nghiệp.
Cùng với đó, hoạt động của 19 Tập đoàn, Tổng công ty sau 5 năm chuyển về Ủy ban phát triển liên tục, ổn định, hoàn thành kế hoạch hàng năm; tổng giá trị vốn nhà nước được bảo toàn, phát triển; mặc dù khó khăn trong gần 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước (NSNN), giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên.
Đến nay, tổng vốn chủ sở hữu 19 Tập đoàn, Tổng công ty đạt 1,18 triệu tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2018); tổng tài sản đạt 2,54 triệu tỷ đồng (tăng 5%); tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,85 triệu tỷ đồng (tăng 44%). Tổng nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2018-2023 đạt 1,28 triệu tỷ đồng, chiếm bình quân 10-12% tổng thu NSNN hàng năm của cả nước.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp thua lỗ nhiều năm hoặc có nguy cơ thua lỗ khi chuyển giao về Ủy ban, sau khi quá trình tái cơ cấu, kiện toàn thay thế cán bộ lãnh đạo chủ chốt đến nay đều hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, các Tổng công ty: Đầu tư và phát triển đường cao tốc, Hàng hải Việt Nam, Lương thực miền am, Cà phê Việt Nam, Đường sắt Việt Nam...
Thời gian qua, công tác đầu tư của các Tập đoàn, Tổng công ty được đẩy mạnh, tổng giá trị đầu tư giai đoạn 2018-2023 của 19 Tập đoàn, Tổng công ty đạt 777 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu lĩnh vực năng lượng, hạ tầng giao thông, viễn thông Cùng với đó, thúc đẩy có hiệu quả việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai các dự án lớn, quan trọng, đã bị chậm tiến độ nhiều năm trước khi chuyển giao về Ủy ban. Đáng chú ý có 10 dự án của các Tập đoàn, Tổng công ty với tổng mức đầu tư 259 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, Ủy ban đã chủ động định hướng cùng các Tập đoàn, Tổng công ty triển khai quyết liệt, tích cực các dự án lớn, trọng điểm quốc gia nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại: các dự án năng lượng “xanh”, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi…; hạ tầng đường sắt tốc độ cao; hệ thống cảng biển, logistic quy mô khu vực và thế giới, hệ thống đường bộ cao tốc …; các ngành công nghiệp nền tảng theo nghị quyết trung ương như luyện kim, hóa chất cơ bản…
Song song với đó, Ủy ban thúc đẩy vai trò doanh nghiệp nhà nước đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội: Các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực, góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô; góp phần xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trong các giai đoạn khó khăn của đất nước như trong cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Ủy ban chủ động đề xuất nhận nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương; đã tham mưu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Bộ Chính trị cho chủ trương xử lý đối với toàn bộ 11 dự án, doanh nghiệp thuộc nhiệm vụ của Ủy ban. Các dự án, doanh nghiệp sau khi có phương án xử lý đã được tái cơ cấu, tái khởi động hoặc tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo dòng tiền trả nợ ngân hàng, cung ứng sản phẩm ra thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động... Tích cực, chủ động xử lý tiếp các dự án lớn còn tồn tại, vướng mắc nhiều năm của các doanh nghiệp trước khi chuyển giao về Ủy ban.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, công tác kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty được tăng cường bài bản, khoa học. Năm 2024, sau hơn 5 năm chuyển giao về Ủy ban, chưa phát sinh sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp. Một số trường hợp bị xử lý kỷ luật, khởi tố là do có liên quan các sai phạm phát sinh trước khi chuyển giao doanh nghiệp về Ủy ban.
Năm 2024, có các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan như: Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đối với hoạt động của Ủy ban, qua đó đều đánh giá chung hiệu quả hoạt động của Ủy ban, việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp; chưa xảy ra sai phạm, tham nhũng, tiêu cực.
Ủy ban kiện toàn bộ máy tổ chức, trọng tâm là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo phương pháp mới, cách làm mới. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ, cả 19 Tập đoàn, Tổng công ty đến nay cơ bản kiện toàn đủ lãnh đạo quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác cán bộ triển khai công khai, minh bạch, đúng quy định, không để xảy ra sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện.
Phát huy hiệu quả kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước
Việc xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế và doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước là đúng đắn, phù hợp với điều kiện của nước ta, kinh nghiệm quốc tế; đảm bảo cho việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, trong đó doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò dẫn dắt thúc đẩy các thành phần kinh tế khác, đầu tàu phát triển các ngành công nghiệp nền tảng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thúc đẩy thành công kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sau hơn 5 năm thành lập, tuy còn có những hạn chế nhưng hoạt động của Ủy ban đã tạo được kết quả bước đầu tích cực. Để phát huy hiệu quả kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước nói chung cũng như mô hình Ủy ban nói riêng, khắc phục các mặt chưa được trong thời gian qua, Ủy ban tiếp tục tiến hành sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách pháp luật để tháo gỡ “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” về thể chế, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) và các văn bản hướng dẫn.
Việc sửa đổi, bổ sung theo hướng yêu cầu đối với Ủy ban và các doanh nghiệp phải “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền để doanh nghiệp nâng cao hơn tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm quyết định hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo…, Ủy ban duy trì mô hình cơ quan thuộc Chính phủ (như mô hình SASAC Trung Quốc) tăng cường tập trung vào định hướng chiến lược, kế hoạch, công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả, kiện toàn bộ máy tổ chức, lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục triển khai tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chức năng quản lý nhà nước, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước cho cơ quan đại diện chủ sở hữu chuyên trách để các bộ, ngành tập trung nhiệm vụ quản lý nhà nước, ban hành chính sách, quy hoạch ngành, lĩnh vực…