VNSTEEL: Phát huy tinh thần tiên phong, đưa doanh nghiệp vượt khó
11/07/2024
Đảng bộ Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) đã và đang phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tổng Giám đốc Nghiêm Xuân Đa phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp của VNSTEEL |
Hoạt động trong bối cảnh thị trường gặp vô vàn khó khăn, Đảng bộ Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP đã và đang phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đã đề ra.
Phát huy vai trò lãnh đạo
Thời gian qua, ngành thép có những diễn biến phức tạp, khó lường, giá các mặt hàng trên thị trường thép tiếp tục giảm mạnh trong khi nhu cầu thị trường thấp, áp lực cạnh tranh cả trong nước và thế giới ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, việc thắt chặt tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, tăng cường quản lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất vay tiếp tục ở mức cao và việc khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm, ảnh hưởng của tỷ giá, giá điện tăng…. khiến các doanh nghiệp ngành thép gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Đối với Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP, sản lượng sản xuất và tiêu thụ sụt giảm sâu, một số đơn vị chủ lực của Tổng công ty sản xuất kinh doanh không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, hầu hết các nhà máy phải thực hiện các giải pháp tiết kiệm tối đa chi phí, vận hành sản xuất luân phiên để duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc Tổng công ty và đại diện vốn tại đơn vị còn phải tập trung cao độ để triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến Dự án giai đoạn 2 - Gang thép Thái Nguyên (Dự án Tisco-2) và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (Công ty VTM).
Trong bối cảnh đó, Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc VNSTEEL đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt để lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, quyết đoán trong công tác điều hành sản xuất kinh doanh nhằm kiểm soát tình hình, khắc phục và từng bước vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch được giao, lưu ý việc đa dạng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu để kịp thời ứng phó trong điều kiện khó khăn.
Nhờ sự chủ động trong chỉ đạo, điều hành doanh nghiệp vượt qua khó khăn, năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty vẫn đạt được những kết quả như: Sản xuất phôi thép toàn hệ thống ước đạt 1.126.561 tấn; thép thành phẩm ước đạt 2.916.117 tấn; tiêu thụ 2.901.492 tấn; doanh thu thuần hợp nhất ước đạt 31.103 tỷ đồng.
Bước sang năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc trong những tháng đầu năm đã tạo tiền đề cho ngành thép Việt Nam phục hồi trở lại. Song song với việc tiêu thụ tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp thép đã tận dụng cơ hội thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong bối cảnh đó, Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc Tổng công ty đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị bám sát diễn biến, khó khăn của tình hình thị trường từ đó đề ra các giải pháp chỉ đạo điều hành sản xuất kinh doanh phù hợp, thận trọng; tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm giảm chi phí, hạ giá thành, quản trị tốt tồn kho, duy trì và đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) chia sẻ, tổng quan 5 tháng, thị trường thép trong nước tăng trưởng khá, nhưng dựa trên nền tăng trưởng thấp từ năm 2023, theo đó năm vừa qua được coi là “vùng trũng” của thị trường thép bởi nhu cầu xuống rất thấp và năm nay hồi phục lại.
Đối với VNSTEEL, tổng sản lượng thép tiêu thụ sau 5 tháng đạt trên 1,4 triệu tấn, tăng trưởng hơn 30%. Hoạt động xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng khá tốt (tăng 23 - 24%), cộng với thuận lợi là tỷ giá USD tăng, nên xuất khẩu tốt thì có thể thu ngoại tệ về bù đắp cho hoạt động nhập khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp thép trong nước cũng chịu sức ép không nhỏ bởi thép nhập khẩu, 5 tháng đầu năm, nhập khẩu các sản phẩm thép vào Việt Nam cũng tăng rất mạnh (trên 40%) so với cùng kỳ.
Sản phẩm thép dài đóng vai trò quan trọng vào phát triển chung của VNSTEEL |
Tận dụng tốt cơ hội thị trường
Tổng quan thị trường thép 2024 đang hồi phục nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Công suất sản xuất thép trong nước đang vượt xa so với nhu cầu, mức độ cạnh tranh cao. Dung lượng thị trường trong nước không đủ để tiêu thụ hết nguồn cung nên các doanh nghiệp tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam đang là nước xuất khẩu thép thứ 14 trên thế giới.
Trong 6 tháng cuối năm, thị trường thép có khả năng sẽ tiếp tục đà hồi phục nhờ một số yếu tố tích cực như: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, các chỉ tiêu tăng trưởng được cải thiện qua hàng quý, hoạt động đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng rất quan tâm tháo gỡ cho lĩnh vực bất động sản, xây dựng tạo tiền đề để nhu cầu tiêu thụ thép trong nước tiếp tục phục hồi.
Ngoài ra, những chính sách và một số luật mới dự kiến Quốc hội sẽ áp dụng sớm, như: Luật kinh doanh bất động sản, Luật đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) nếu áp dụng sớm sẽ là một trong những yếu tố góp phần cải thiện nhu cầu cho lĩnh vực bất động sản nửa cuối năm. Với các yếu tố trên, dự báo thị trường nửa cuối năm sẽ hồi phục tốt hơn nửa đầu năm đối với ngành thép.
Đối với Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP, để đảm bảo kết quả sản xuất-kinh doanh, Đảng uỷ công ty đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của Tổng công ty và các đơn vị, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, chỉ đạo tiếp tục thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung, sửa đổi các quy chế, quy định... cho phù hợp với Luật doanh nghiệp 2020, các văn bản pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của Tổng công ty.