Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

Đảng bộ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá XIII)

05/12/2022

CMSC Sáng 5/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối từ điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) tới 11.632 điểm cầu các ban, bộ, ngành ở Trung ương, cấp huyện, cấp xã trên toàn quốc với trên 1 triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập.

Tại điểm cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có đồng chí Hồ Sỹ Hùng – Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban, Bí thư Đảng ủy cơ quan Ủy ban; đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban, đồng chí Đỗ Hữu Huy - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban, đồng chí Nguyễn Cảnh Toàn – Ủy viên Ban cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Ủy ban; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Ủy ban, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cơ quan Ủy ban, Lãnh đạo các Vụ, Văn phòng, Trung tâm Thông tin và các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Chi ủy viên các chi bộ trực thuộc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, của cán bộ, đảng viên trong triển khai, thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để sớm đưa nội dung văn kiện Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Theo Chương trình, Hội nghị diễn ra trong 2,5 ngày, trong đó, 2 ngày nghiên cứu học tập, quán triệt Nghị quyết; 0,5 ngày dành cho các Tỉnh ủy, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc Trung ương triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Tại Hội nghị, sáng 5/12, các đại biểu dự đã nghe đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương truyền đạt chuyên đề: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đồng chí Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, một trong những điểm mới của nghị quyết là hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là lần đầu tiên Trung ương đề ra giải pháp kiểm soát quyền lực nhà nước.

Trung ương yêu cầu thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, ràng buộc bằng trách nhiệm. Quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị xử lý và truy cứu trách nhiệm. "Bản chất của tham nhũng, tiêu cực là lợi dụng quyền lực, chúng ta kiểm soát quyền lực là ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực" - đồng chí Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.

Theo đồng chí Phan Đình Trạc, cần xác định rõ hơn vai trò, quyền hạn của mỗi cơ quan và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp. Cấp có thẩm quyền phải phân công rành mạch và tăng cường kiểm soát quyền lực trong mỗi cơ quan. Nguyên tắc tập trung dân chủ cũng phải thực hiện đầy đủ, đi cùng với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm đã quy định "công khai, minh bạch và hình thức, nội dung, thời điểm công khai, minh bạch là nhiệm vụ rất quan trọng để kiểm soát quyền lực". Do đó, cơ chế để nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực Nhà nước sẽ được hoàn thiện, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo... theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”

Cơ quan chức năng sẽ ban hành Quy định kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xây dựng pháp luật, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Cơ chế, chính sách được xây dựng chặt chẽ để không thể tham nhũng; các hành vi tham nhũng được phát hiện, xử lý kịp thời để không dám tham nhũng, tiêu cực; văn hóa liêm chính, tiết kiệm được hình thành để cán bộ không muốn tham nhũng.

Bên cạnh đó, cải cách hành chính, cải cách tiền lương sẽ được thực hiện, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức để họ không cần tham nhũng. Tuy nhiên, theo ông Trạc, việc này góp phần quan trọng chứ không chấm chứt được tham nhũng, vì thực tế "những người tham nhũng vừa qua là người giàu". Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương, tại Nghị quyết 27, lần đầu tiên Trung ương xác định rõ nội hàm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với 8 đặc trưng cơ bản. Cụ thể, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là nhà nước của dân, do dân, vì dân; quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo hiến pháp và pháp luật; nhà nước được tổ chức và hoạt động, xã hội được quản lý bằng hiến pháp và pháp luật.

Bên cạnh đó, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, ổn định, dễ tiếp cận... được thực hiện nghiêm minh và nhất quán; độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế.

Đồng chí Phan Đình Trạc cho biết, Nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới gồm ba trọng tâm mang tính chiến lược đến năm 2030. Thứ nhất là hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật. Thứ hai là hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước đi đôi với nâng cao năng lực thực thi; xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thứ ba là đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương truyền đạt chuyên đề: "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới"

Chiều 5/12, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương truyền đạt chuyên đề: Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được hiểu là phương pháp, cách thức để lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động của hệ thống chính trị nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Các kỳ Đại hội gần đây của Đảng đều đặc biệt nhấn mạnh công tác đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, trong đó Đại hội XIII xác định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng (chính trị; tư tưởng; đạo đức; tổ chức; cơ sở đảng và đảng viên; cán bộ; kiểm tra, giám sát; phòng chống tham nhũng, tiêu cực…)

Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá XIII) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 28-NQ/TW) đã xác định rõ 3 quan điểm:

Thứ nhất, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng.

Thứ hai, phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời cần thận trọng, có bước đi vững chắc; vấn đề đã rõ thì kiên quyết đổi mới, vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì phải nghiên cứu, thí điểm, không nóng vội nhưng cũng không bỏ qua hoặc để chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển; kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả, kinh nghiệm tốt trong phương thức lãnh đạo của Đảng đã được thực tiễn chứng minh là đúng. Ở mỗi cấp, mỗi lĩnh vực phải vừa quán triệt các nguyên tắc chung, vừa phải phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo của từng cấp, từng lĩnh vực và của từng loại hình cơ quan Nhà nước, từng tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ ba, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, triển khai thực hiện đồng bộ các phương thức lãnh đạo của Đảng. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.

Theo chương trình Hội nghị, sáng 6/12, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương truyền đạt chuyên đề: Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chiều 6/12, đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ truyền đạt chuyên đề: Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp đó, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu Kết luận và chỉ đạo Hội nghị; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu đáp từ, tiếp thu ý kiến chỉ đạo và bế mạc Hội nghị.

P.V

VĂN BẢN - TƯ LIỆU

ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Địa chỉ: Số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 08049558 - Fax: 08049585

Website:www.cmsc.gov.vn

Email: ubqlv@cmsc.gov.vn

Giấy phép: Số 132/GP-TTĐT ngày 26/7/2019

Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hoặc

"cmsc.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này