Nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII tới các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng, đảng viên
21/07/2022
CMSC Sáng 21/7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tâp, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các cán bộ chủ chốt các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội trong toàn hệ thống chính trị.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự hội nghị |
Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp dự Hội nghị từ điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội.
Tại điểm cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có đồng chí Hồ Sỹ Hùng – Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban, Bí thư Đảng ủy cơ quan Ủy ban; đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban, đồng chí Đỗ Hữu Huy - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban, đồng chí Nguyễn Cảnh Toàn – Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Ủy ban, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cùng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cơ quan cùng Chi ủy và Bí thư, Phó Bí thư các chi bộ trực thuộc.
Trong thời gian 1,5 ngày, cán bộ, đảng viên tham dự hội nghị sẽ được nghiên cứu, quán triệt 4 chuyên đề, gồm: Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; Nghị quyết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới"; Nghị quyết về "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới".
Trong sáng nay, các đại biểu đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt chuyên đề Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính triển khai, quán triệt chuyên đề Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" |
Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá cao các kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Việc ban hành nghị quyết mới về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Theo Nghị quyết mới ban hành, đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; loại bỏ khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm các đô thị lớn; đất lấn biển; đất tôn giáo; đất nghĩa trang; đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp |
Đến năm 2030, hệ thống pháp luật về đất đai cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý, sử dụng đất do lịch sử để lại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Nghị quyết lần này đưa ra 6 nhóm giải pháp. Một trong số đó là hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trọng tâm là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới, cụ thể: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất; hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai…
Sau nội dung triển khai, quán triệt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cán bộ, đảng viên dự hội nghị được nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh triển khai, quán triệt Nghị quyết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Ủy viên Bộ Chính trị,Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh quán triệt các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết tam nông |
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về kết quả thực hiện, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã nêu bật những thành tựu to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Giai đoạn từ 2008 đến 2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,01%/năm, quy mô GDP (theo quy mô điều chỉnh, tính giá so sánh) toàn ngành tăng gấp 1,4 lần. Năng suất lao động nông nghiệp đạt 55,9 triệu đồng/người, gấp hơn 4 lần so với năm 2008. Quy mô xuất khẩu nông sản tăng bình quân 8,01%/năm; năm 2020 đạt 42,34 tỷ USD; năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD. Nông sản của Việt Nam có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: Bên cạnh những thành tựu đạt được, Nghị quyết đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, yếu kém. Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao...
Người đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương nêu những nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém. Trong đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan thiếu chặt chẽ; tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước, hệ thống dịch vụ công chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Một số cơ chế, chính sách chậm ban hành, chưa sát thực tiễn, thiếu nguồn lực thực hiện…
Nghị quyết 19-NQ/TW cũng nêu rõ mục tiêu và tầm nhìn. Về mục tiêu tổng quát, căn cứ vào các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát là: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia… Tầm nhìn đến năm 2045 là nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo chuyên đề "Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới: tại hội nghị. |
Tại phiên buổi chiều cùng ngày, tiếp tục Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày chuyên đề "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới".
Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu thành tựu nổi bật, đó là: Khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Kết luận Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu, trong thời gian tới phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tập thể phù hợp với yêu cầu, tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta. Hội nghị khẳng định sự phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan và phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của các thành viên; tôn trọng các giá trị, nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của từng địa phương, từng vùng và của cả nước. Kinh tế tập thể có nhiều hình thức đa dạng phát triển từ thấp đến cao, trong đó hợp tác xã là nòng cốt.
Xuất phát từ yêu cầu và thực tiễn nêu trên, việc ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới là một yêu cầu cấp thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phù hợp với thực tiễn và tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trên cơ sở đánh giá một cách bài bản, khách quan, nghiêm túc về các kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân; phân tích bối cảnh mới trong nước, quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với việc khẳng định vai trò, vị trí và phát triển, nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể, Phó Thủ tướng cho biết Hội nghị Trung ương 5 đã thống nhất cao về 5 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đối với khu vực kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, cùng với đó là 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phân công các đơn vị tổ chức thực hiện.