Petrolimex và Tổng cục Quản lý thị trường ký kết quy chế phối hợp
09/07/2020
Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa ký Quy chế phối hợp với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhằm nâng cao hiệu quả QLTT trong lĩnh vực xăng dầu, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Tham dự Lễ ký quy chế phối hợp về phía Petrolimex có ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT, ông Phạm Đức Thắng, Uỷ viên HĐQT, Tổng Giám đốc cùng lãnh đạo các phòng, ban thuộc Tập đoàn. Về phía Tổng cục QLTT có ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục QLTT.
Thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu còn có những diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng. Một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực này đã bị lực lượng QLTT phát hiện và xử lý.
Theo báo cáo của Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ đầu năm 2019 đến nay, đã kiểm tra 1.825 vụ, trong đó xử lý 673 vụ, tịch thu 32 cột đo xăng dầu, 17 bộ chi tiết đo, 37 chứng chỉ kiểm định phương tiện đo, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh 19 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm, đình chỉ hoạt động điều kiện kinh doanh 19 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm, đình chỉ hoạt động 9 cửa hàng…
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương |
Ông Trần Hữu Linh cho rằng, so với các mặt hàng khác, gian lận thương mại trong xăng dầu rất lớn, ngày nào cũng có vi phạm. Cụ thể, các vi phạm về gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu, thể hiện ở 3 lĩnh vực. Thứ nhất, vi phạm về điều kiện kinh doanh, liên quan đến giấy phép, hệ thống, đại lý phân phối… Thứ hai, buôn lậu xăng dầu, QLTT cùng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng thường xuyên tăng cường phối hợp, thực hiện công tác chống buôn lậu, đặc biệt tuyến biển Đông Nam Bộ và biên giới phía Tây Nam miền Trung. Thứ ba, trong 2 năm gần đây, gian lận thương mại về tiêu chuẩn đo lường và chất lượng rất tinh vi, đặc biệt năm 2019, có vụ vi phạm nghiêm trọng về chất lượng ở Tây Nguyên. “Mặc dù chưa có quy chế phối hợp, nhưng với QLTT, xăng dầu là một trong những mặt hàng quan trọng trong trọng tâm, trọng điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường. Việc ký kết Quy chế phối hợp ngày hôm nay là phù hợp, là điều kiện cần và đủ giúp Tổng cục QLTT có những thông tin kịp thời về tình hình thị trường xăng dầu trong nước; đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác QLTT trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, lành mạnh hóa thị trường xăng dầu và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng" - ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam |
Ông Phạm Văn Thanh khẳng định, Quy chế phối hợp giữa Tổng cục QLTT và Petrolimex được triển khai dựa trên nguyên tắc hai bên tuân thủ đúng quy định pháp luật; đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi bên; tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ mỗi bên nhằm nâng cao hiệu quả của công tác QLTT trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Đáng lưu ý, việc phối hợp hoạt động được tiến hành thường xuyên, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, trên cơ sở hoạt động của Tổng cục QLTT và Petrolimex, đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực xăng dầu.
Ông Phạm Đức Thắng - Tổng giám đốc Petrolimex |
Ông Phạm Đức Thắng cho biết, hiện nay Petrolimex có 2.600 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc trên toàn quốc, được đầu tư và áp dụng hệ thống công nghệ hiện đại, công tác tổ chức bán hàng văn minh, chuyên nghiệp; có quy trình quản lý số lượng, chất lượng nghiêm ngặt nên thương hiệu Petrolimex đã được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Năm 2019, Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand Việt Nam kết hợp với Brand Finance đánh giá Petrolimex nằm trong Top 10 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Petrolimex chịu sự cạnh tranh rất mạnh mẽ trên thị trường kinh doanh xăng dầu, dầu mỡ nhờn và gas. Bên cạnh đó có sự cạnh tranh bất bình đẳng như xăng dầu kém chất lượng, gas giả, dầu nhờn giả, giấy chứng nhận bảo hiệm giả, hàng lậu, vi phạm thương hiệu… Các hoạt động sang chiết gas không có giấy phép tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng. Hiện tượng buôn lậu xăng dầu, đặc biệt các khu vực ven biển vẫn diễn biến phức tạp. Thương hiệu Petrolimex đã được pháp luật bảo hộ, nhưng được sử dụng tại nhiều cửa hàng xăng dầu không thuộc hệ thống Petrolimex.
Trước tình hình trên, việc ký kết quy chế phối hợp là rất thiết thực trong thời điểm này. Bởi mô hình tổ chức của Tổng cục QLTT đã thay đổi, việc kiểm tra, cảnh báo trên toàn hệ thống được thuận tiện hơn rất nhiều. 1 dấu hiệu vi phạm của 1 tỉnh có thể lần ra đường dây, doanh nghiệp, thậm chí cả những vấn đề liên quan đến hóa chất pha chế.
Với mục đích để thị trường kinh doanh nói chung và lĩnh vực ngành hàng xăng dầu nói riêng sẽ hoàn thiện, lành mạnh hơn, góp phần bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, nâng cao nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tổng cục QLTT tổ chức ký kết quy chế phối hợp với Petrolimex giúp Tổng cục QLTT có những thông tin kịp thời về tình hình thị trường xăng dầu trong nước. Nâng cao hiệu quả công tác QLTT trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, lành mạnh hóa thị trường xăng dầu và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; đồng thời hỗ trợ Tập đoàn trong công tác quản lý hệ thống phân phối và bảo vệ thương hiệu, đặc biệt trong điều kiện các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex lớn và phân bố rộng khắp toàn quốc.