Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

Thảo luận xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển của các đơn vị kinh doanh xăng dầu thuộc Tập đoàn Petrolimex

27/04/2022

CMSC Sáng 26/4, tại Hải Phòng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng đã chủ trì buổi làm việc cùng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và các đơn vị thành viên trên địa bàn các tỉnh, thành phía Bắc.

Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Vụ Công nghiệp và Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ. Về phía Petrolimex, có ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng giám đốc, đại diện lãnh đạo các Ban chức năng và đơn vị thành viên trên địa bàn phía Bắc.

Báo cáo về tình hình thực hiện kết quả sản xuất, kinh doanh của một số công ty xăng dầu thành viên Petrolimex, đại diện các doanh nghiệp cho biết, năm 2021, về chỉ tiêu sản lượng kinh doanh xăng dầu, Công ty Xăng dầu khu vực III đạt 226.881 m3/tấn, Công ty Xăng dầu B12 đạt 874.563 m3/tấn, Công ty Xăng dầu Hà Bắc đạt 130.547 m3/tấn, Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh đạt 256.753 m3/tấn, Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình đạt 384.096 m3/tấn, Công ty Xăng dầu Khu vực I đạt 1.066.977 m3/tấn, Công ty Xăng dầu Phú Thọ đạt 179.901 m3/tấn.

Về chỉ tiêu doanh thu, Công ty Xăng dầu khu vực III đạt 3.023 tỷ đồng, tương đương 122%; Công ty Xăng dầu B12 đạt 11.495 tỷ đồng, tương đương 120%; Công ty Xăng dầu Hà Bắc đạt 1.826 tỷ đồng, tương đương 129%; Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh đạt 3.454 tỷ đồng, tương đương 123%; Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình đạt 5.125 tỷ đồng, tương đương 117%; Công ty Xăng dầu Khu vực I đạt 14.244 tỷ đồng, tương đương 111%; Công ty Xăng dầu Phú Thọ đạt 2.435 tỷ đồng, tương đương 123%.

Về chỉ tiêu nộp Ngân sách nhà nước, Công ty Xăng dầu khu vực III nộp 666 tỷ đồng, Công ty Xăng dầu B12 nộp 2.422 tỷ đồng, Công ty Xăng dầu Hà Bắc nộp 446 tỷ đồng, Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh nộp 808 tỷ đồng, Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình nộp 1.315 tỷ đồng, Công ty Xăng dầu Khu vực I nộp 3.912 tỷ đồng, Công ty Xăng dầu Phú Thọ nộp 557 tỷ đồng.

Đưa ra những phân tích về thị trường xăng dầu trong nước năm 2022, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều biến thể khó lường sẽ tác động tiêu cực trên nhiều mặt đến kinh tế thế giới và trong nước. Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua mục tiêu năm 2022 là: (i). Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6-6,5% và (ii). Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Năm 2022, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực thi hành. Theo đó sẽ cho phép nhiều thành phần kinh tế tham gia kinh doanh xăng dầu với các phương thức bán hàng đa dạng, qui mô, điều kiện đối với cửa hàng xăng dầu cũng được nới lỏng, cùng với sự xuất hiện của gần 40 thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối, gần 300 thương nhân phân phối và khả năng tiếp tục gia tăng trong năm 2022 sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường kinh doanh xăng dầu Việt Nam. Đồng thời do diễn biến giá dầu bất thường; tại một số thời điểm trong tháng 2 và tháng 3/2022, các thương nhân đầu mối gặp khó khăn khi nhập khẩu xăng dầu do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp khó khăn về tài chính nên công suất hoạt động không ổn định dẫn đến nhiều thời điểm áp lực đảm bảo ổn định thị trường đồ dồn lên các doanh nghiệp lớn như Petrolimex sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến việc điều hành nguồn và hàng tồn kho cũng như hiệu quả hoạt động của Tập đoàn.

Theo báo cáo, áp lực về nguồn cung xăng dầu năm 2022 do ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga – Ukcraina và tình trạng thiếu hụt nguồn dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Theo đó, xung đột giữa Nga - Ukcraina ảnh hưởng nặng nề nguồn cung nhiên liệu trên toàn thế giới. Khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ thiếu đi nguồn cung từ Nga và cần tìm kiếm nguồn bổ sung từ phần còn lại. Do xung đột diễn ra bất ngờ nên hầu hết các nước đều không có sự chuẩn bị sẵn và rơi vào tình trạng thiếu hụt, đặc biệt với những nước phụ thuộc vào nhiên liệu đến từ Nga. Nguồn cung trong khu vực Châu Á và Đông Nam Á cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ khi các nguồn hàng luân chuyển không theo định hướng trước đây. Nguồn cung khu vực hiện nay đang không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường và nhiều khả năng sẽ thiếu hụt trong năm nay. Về tình trạng thiếu hụt nguồn dầu thô vì các khó khăn tài chính, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã giảm mạnh công suất xuống mức xấp xỉ 55% từ cuối tháng 1/2022. Hiện nay đang hoạt động ở mức 80%. Sản lượng cấp DO sụt giảm chỉ còn xấp xỉ 31% so với lượng theo hợp đồng term thời điểm tháng 2; 62% lượng cấp term tháng 3.

Bám sát các chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Petrolimex, đại diện các đơn vị thành viên khu vực phía Bắc đưa ra những phương hướng giải pháp thực hiện kế hoạch sản xuất – kinh doanh, bao gồm: công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối mọi mặt hoạt động sản xuất – kinh doanh; tập trung phát triển kênh bán lẻ bằng nhiều giải pháp hỗ trợ mang tính đồng bộ tại hệ thống cửa hàng xăng dầu; bám sát diễn biến thị trường, kịp thời điểu cơ chế chính sách bán hàng phù hợp; đồng thời, từng bước hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin – tự động hóa theo lộ trình của Tập đoàn và tổ chức quản lý khai thác hiệu quả… Bên cạnh đó, đại diện các đơn vị thành viên khu vực phía Bắc cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị liên quan tới cơ chế khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm mới, sản phẩm chất lượng cao như xăng RON 95-V và dầu diesel 0.001S-V; cơ chế tiền lương, thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; công tác quản lý, khai thác quỹ đất…

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng phát biểu kết luận buổi làm việc

Sau khi báo cáo của các doanh nghiệp và ý kiến của đại diện lãnh Vụ Công nghiệp, phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các đơn vị thành viên trực thuộc Petrolimex trên địa bàn các tỉnh, thành phía Bắc và những đóng góp của những doanh nghiệp này cho vào ngân sách địa phương.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng khẳng định Ủy ban luôn nỗ lực tìm cách tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước những dấu hiệu về sự thay đổi trong thị phần ở ngành nghề cốt lõi của Tập đoàn là kinh doanh xăng dầu, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng yêu cầu các đơn vị thành viên của Petrolimex cũng cần có sự chủ động, điều chỉnh chiến lược, cải thiện công tác quản trị doanh nghiệp, kịp thời ứng phó với những biến động của thị trường.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng cũng yêu cầu Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên tập trung hoàn thiện công tác xây dựng nhận diện thương hiệu; trước mắt, đầu tư đổi mới và áp dụng công nghệ cao trong quản lý vận hành tại những cửa hàng có vị trí trọng yếu, tránh triển khai dàn trải, gây lãng phí.

*Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Ông Phạm Văn Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp phát biểu tại buổi làm việc
Ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng Giám đốc Petrolimex phát biểu tại buổi làm việc
Bà Lê Thị Thanh Hà – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực III báo cáo tại buổi làm việc
Ông Nguyễn Đồng – Chủ tịch Công ty Xăng dầu Khu vực I báo cáo tại buổi làm việc
Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Công ty Xăng dầu B12 báo cáo tại buổi làm việc
Ông Lưu Đào Nguyên – Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh báo cáo tại buổi làm việc
Ông Phan Bá Tài – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Bắc báo cáo tại buổi làm việc
Ông Vũ Quang Tuấn – Chủ tịch Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình báo cáo tại buổi làm việc
Ông Lê Văn Đạo – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Phú Thọ báo cáo tại buổi làm việc

Nhật Quang

ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Địa chỉ: Số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 08049558 - Fax: 08049585

Website:www.cmsc.gov.vn

Email: ubqlv@cmsc.gov.vn

Giấy phép: Số 132/GP-TTĐT ngày 26/7/2019

Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hoặc

"cmsc.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này