Ủy ban tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng năm 2024
23/08/2024
CMSC Ngày 23/8, tại TP. Đà Lạt, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thi đua khen thưởng năm 2024. Ông Lê Long - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ủy ban chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có ông Thái Mạnh Hùng – Trưởng Phòng Thi đua - Khen thưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương (Phòng II), Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương; bà Phạm Thị Huệ - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ủy viên Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đại diện lãnh đạo và các chuyên viên theo dõi công tác thi đua, khen thưởng tại các Vụ chức năng, Văn phòng và Trung tâm Thông tin (Ủy ban), đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu cùng các cán bộ lãnh đạo, chuyên viên phụ trách công tác thi đua, khen thưởng tại các Tập đoàn, Tổng công ty.
Ông Lê Long - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu khai mạc Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Long - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết: Hội nghị tập huấn công tác thi đua khen thưởng năm 2024 của Ủy ban là nơi để các đại biểu được nghe báo cáo viên của Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương và Ủy ban truyền đạt các chuyên đề liên quan tới công tác thi đua, khen thưởng; đồng thời, cũng là diễn đàn để các đại biểu trao đổi cởi mở, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và những khó khăn vướng mắc tại thực tiễn, từ đó, tăng cường sự kết nối, phối hợp giữa Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương, các đơn vị của Ủy ban và các cán bộ lãnh đạo, chuyên viên phụ trách công tác thi đua, khen thưởng tại các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.
Theo ông Lê Long, trong những năm qua, công tác thi đua, khen thưởng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng được hoàn thiện, trong đó, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 3, với 8 chương, 96 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng , Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Thông tư, văn bản hướng dẫn về nội dung này. Đây là cơ sở pháp lý cơ bản và quan trọng để các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả, khơi dậy mặt tích cực và nhân lên các điển hình tiên tiến, tập thể và cá nhân mới trong lao động. “Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” và tổ chức thực hiện phong trao thi đua với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, cùng với các phong trào thi đua sổi nổi của cả nước, tập thể cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Ủy ban và tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đã không ngừng nỗ lực, cố gắng trong công tác triển khai, phát động phong trào thi đua với tinh thần thiết thực, hiệu quả, tiêu chí và nhiều nội dung phù hợp” – ông Lê Long nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Bên cạnh đó, ông Lê Long cũng chia sẻ: Trong thời gian qua, tại các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, công tác triển khai, tổ chức, phát động các phong trào thi đua, công tác khen thưởng luôn kịp thời đồng bộ với việc triển khai các kế hoạch nhiệm vụ, thể hiện được sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thi đua, khen thưởng. Tổ chức bộ máy công tác thi đua, khen thưởng tại nhiều Tập đoàn, Tổng công ty được củng cố, kiện toàn; đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác này từng bước được nâng cao về trách nhiệm và trình độ theo yêu cầu mới. Về tổ chức các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị được giao, các đơn vị thuộc Ủy ban đã chủ động và tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Về kết quả công tác khen thưởng, quy trình xét khen thưởng được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo nguyên tắc kịp thời, công khai, công bằng, dân chủ, đúng thành tích, đúng trình tự, quy trình theo quy định. Công tác khen thưởng đã chú trọng khen thưởng các tập thể nhỏ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh và khen thưởng đột xuất cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.
Bà Phạm Thị Huệ - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ủy viên Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Ủy ban thuyết trình Quy chế Thi đua – Khen thưởng của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp |
Trình bày những điểm mới tại Quy chế Thi đua – Khen thưởng hiện hành của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bà Phạm Thị Huệ - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ủy viên Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Ủy ban cho biết: Các quy định mới, bao gồm Luật Thi đua, khen thưởng 2022 (có hiệu lực từ 01/01/2024); Nghị định 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Thông tư số 01/2024/TT-BNV ngày 24/2/2024 của Bộ Nội vụ quy định biện pháp thi hành Luật thi đua, khen thưởng và Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng có nhiều điểm mới, cập nhật hơn so với các quy định trước đây. Do đó, cần thiết phải có hướng dẫn thống nhất phù hợp với quy định của pháp luật để triển khai thực hiện đồng bộ tại các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.
Theo đó, Quy chế Thi đua - Khen thưởng hiện hành của Ủy ban gồm 6 Chương và 39 Điều, giảm 2 Chương và 3 Điều so với Quy chế cũ. Kết cấu bố cục của Quy chế Thi đua – Khen thưởng hiện hành của Ủy ban phù hợp với khuôn khổ của Luật Thi đua – Khen thưởng năm 2022 và các quy định của pháp luật. Về phạm vi điều chỉnh, so với Quy chế cũ, phạm vi điều chỉnh của Quy chế mới ngắn gọn hơn và không điều chỉnh 2 nội dung về sáng kiến và về Cụm thi đua và Quỹ Thi đua - Khen thưởng. Về đối tượng áp dụng, so với quy chế cũ, đối tượng áp dụng của Quy chế hiện hành quy định rõ và cụ thể hơn về các đối tượng, bổ sung thêm 3 đối tượng áp dụng, bao gồm Người quản lý doanh nghiệp nhà nước; Kiểm soát viên và Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, Quy chế Thi đua - Khen thưởng hiện hành của Ủy ban cũng có những điểm mới trong nguyên tắc thi đua, khen thưởng; căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; hình thức, phạm vi và nội dung tổ chức phong trào thi đua; thẩm quyền phát động, chỉ đạo phong trào thi đua và trách nhiệm của đơn vị, doanh nghiệp; các danh hiệu thi đua; các quy định chung về hồ sơ, thủ tục khen thưởng; tiêu chuẩn khen thưởng cấp Nhà nước, cấp Ủy ban. Quy chế Thi đua - Khen thưởng hiện hành của Ủy ban cũng quy định nội dung liên quan tới Hội đồng Thi đua – Khen thưởng của Ủy ban. Theo đó, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Ủy ban làm việc theo Quy chế hoạt động của Hội đồng TĐKT Ủy ban được ban hành kèm theo Quyết định số 119/QĐ-UBQLV ngày 27/3/2024 của Chủ tịch Ủy ban, họp định kỳ hàng tháng 1 lần để xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân. Trong các phiên họp của Hội đồng, ngoài thành phần Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Ủy ban, phiên họp còn mời đại diện Lãnh đạo các doanh nghiệp có liên quan đến hồ sơ trình xét khen thưởng.
Ông Thái Mạnh Hùng – Trưởng Phòng Thi đua - Khen thưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương (Phòng II), Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương trình bày chuyên đề “Những điểm mới của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022” |
Trình bày chuyên đề “Những điểm mới của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022”, ông Thái Mạnh Hùng – Trưởng Phòng Thi đua - Khen thưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương (Phòng II), Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương cho biết: Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 15/6/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã bảo đảm mục tiêu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về “tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; đồng bộ hóa các quy định pháp luật; khắc phục những tồn tại của Luật hiện hành; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 gồm 8 chương, 96 Điều, các quy định trong Luật đã thể chế các quan điểm, định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Đảng vào 04 phương án chính sách xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua; hoàn thiện hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng. Cụ thể, kế thừa đầy đủ những ưu điểm của Luật hiện hành; bảo đảm bao quát hết các lĩnh vực, đối tượng (khu vực công và khu vực tư); đồng thời thực hiện phân cấp mạnh về thẩm quyền khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng cho các bộ, ban, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cấp cơ sở, góp phần giải quyết hạn chế, tồn tại trong tổ chức phong trào thi đua, công tác khen thưởng và công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.
Bên cạnh đó, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 cũng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thi đua, khen thưởng. Bổ sung nguyên tắc khen thưởng “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó”, hoàn chỉnh các loại hình khen thưởng và hệ thống tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng phù hợp; hạn chế tối đa tình trạng “tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích trong khen thưởng”; hạn chế trùng lặp, chồng chéo trong khen thưởng; chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh; doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; quan tâm khen thưởng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo; khắc phục cơ bản những hạn chế, vướng mắc về thẩm quyền, đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục khen thưởng. Thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khen thưởng.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã tiến hành thảo luận, trao đổi và giải đáp những vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng tại cơ quan và đơn vị. Thông qua Hội nghị tập huấn công tác thi đua khen thưởng năm 2024 của Ủy ban, các cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng được nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác tham mưu, tổ chức triển khai các phong trào thi đua và trong công tác khen thưởng tại các đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng trong công tác thi đua, khen thưởng thời gian tới.
Hội nghị tập huấn công tác thi đua khen thưởng đã trở thành diễn đàn để các cán bộ phụ trách công tác thi đua, khen thưởng của Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, thắt chặt tính kết nối, tạo bầu không khí phấn khởi, tích cực trong thi đua, công tác. Hội nghị đã kết thúc, thành công tốt đẹp vào lúc 11h45 cùng ngày.