Dấu ấn của VEC và chặng đường 5 năm nhìn lại
29/09/2023
Trải qua chặng đường 19 năm xây dựng, không ngừng phấn đấu và trưởng thành của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đặc biệt trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 đầy thử thách, với sự dẫn dắt của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VEC đã từng bước khắc phục khó khăn và gặt hái nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo tiền đề hoàn thành tái cơ cấu doanh nghiệp thành công.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh thị sát Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành |
Trong 19 năm xây dựng và phát triển, VEC nỗ lực khẳng định vai trò doanh nghiệp nòng cốt trong hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác vận hành mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia. Với việc đưa vào vận hành khai thác 485km đường cao tốc tại 4/5 dự án, gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, VEC đã và đang góp phần chuyển biến về kết cấu hạ tầng giao thông, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và các địa phương có tuyến cao tốc đi qua nói riêng. Hiện nay, VEC đang trong quá trình tái cơ cấu tổng thể để sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Hành trình trưởng thành và phát triển của VEC, không thể không nhắc tới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải và đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã hỗ trợ, đồng hành và sát cánh cùng VEC nhiệm kỳ 5 năm vừa qua (từ năm 2018 đến nay) trong hoạt động xây dựng chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp gắn với đường bộ cao tốc, kế hoạch sản xuất kinh doanh 05 năm và hằng năm, triển khai thực hiện chương trình về quản lý vốn tại VEC.
VEC đối mặt khó khăn kép trong nhiệm kỳ đầu tiên của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Được thành lập theo Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ, được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại Công ty cổ phần, Công ty TNHH hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý vốn tại 19 doanh nghiệp, bao gồm: 7 tập đoàn và 12 tổng công ty (trong đó có VEC) với tổng giá trị vốn chủ sở hữu hơn 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.
Nhiệm kỳ đầu tiên đặt nền móng phát triển của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng là giai đoạn vô cùng khó khăn, thử thách đối với toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động VEC. Sai phạm tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chỉ đạo, điều hành cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Khó khăn nội tại cùng với việc thay đổi nhân sự cấp cao là thách thức rất lớn đối với những người đứng đầu, chèo lái con tàu VEC đi qua giông bão.
Song song với đó, trước những tác động mạnh mẽ của dịch bệnh Covid-19, suy thoái kinh tế trên toàn thế giới, giai đoạn 2018 - 2023 là một nhiệm kỳ đầy thử thách đối với VEC. Khó khăn kép đã ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Năm 2020 và 2021, lưu lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc của VEC giảm sâu, kéo theo doanh thu thu phí giảm mạnh so với những năm trước.
Lãnh đạo VEC, Index Strategy và Maeda ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác |
Mặc dù vậy, với sự sâu sát của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo VEC; sự đoàn kết, đồng lòng của toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động VEC đã quán triệt thực hiện phương châm của Chính phủ, từng bước khắc phục khó khăn kép, gặt hái được những kết quả đáng khích lệ, làm tiền đề cho hoạt động tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp trong thời gian tới.
Vượt qua đại dịch, lưu lượng và doanh thu 4 tuyến cao tốc của VEC tăng trưởng ấn tượng
Nỗ lực khắc phục khó khăn, từ năm 2018 đến nay, công tác quản lý khai thác và vận hành các tuyến cao tốc của VEC tiếp tục đảm bảo ổn định, an toàn, thông suốt. Năm 2022, các tuyến cao tốc của VEC đã phục vụ an toàn khoảng 53,2 triệu lượt phương tiện, tăng 41,1% so với năm 2021. Tổng doanh thu thu phí đạt trên 4.400 tỷ đồng, tăng 36,1% so với năm 2021 (đã bao gồm VAT). Doanh thu của Tổng công ty đạt trên 5.360 tỷ đồng, trong đó Công ty mẹ đạt 5.015 tỷ đồng, hoàn thành 123,6% kế hoạch năm 2022.
VEC hoàn thành lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) trên tất cả các tuyến cao tốc kể từ ngày 01/8/2022 |
Phát huy những kết quả tích cực đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, VEC đã bám sát mục tiêu, tập trung triển khai quyết liệt và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch đề ra. Theo đó, công tác quản lý, vận hành khai thác 4 tuyến cao tốc của VEC tiếp tục đảm bảo an toàn, thông suốt; hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) hoạt động ổn định, hiệu quả. Các tuyến cao tốc của VEC đã phục vụ an toàn gần 30 triệu lượt phương tiện, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu Công ty mẹ (bao gồm chênh lệch tỉ giá) đạt trên 2.490 tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch năm 2023; lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách Nhà nước lần lượt đạt 51% và 52% kế hoạch năm 2023. Doanh thu năm 2023 của Công ty mẹ ước đạt trên 4.900 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch 2023.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 của VEC, đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả ấn tượng của VEC. “Những kết quả đáng khích lệ này là bước tiến quan trọng để VEC tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bước đầu tái khởi động thi công Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; hoàn thiện Đề án chủ trương về phương án tái cơ cấu VEC trong thời gian tới, làm tiền đề cho VEC hoạt động ổn định, phát triển” - Đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh đánh giá.
Cơ bản giải quyết các vướng mắc, khó khăn tại Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành với tổng chiều dài 57,8 km là công trình trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam, do VEC làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ kết nối giao thông Miền Tây và vùng Đông Nam Bộ, giảm áp lực đáng kể cho giao thông trong vùng, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ.
Khởi công năm 2014 và dự kiến hoàn thành năm 2020, tuy nhiên Dự án phải dừng thi công năm 2019 do thay đổi về cơ chế, chính sách dẫn đến một số gói thầu không được bố trí vốn thực hiện. Đến nay, các vướng mắc, khó khăn trên đã cơ bản được giải quyết. Sau điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, vay vốn ADB và JICA của Thủ tướng Chính phủ, VEC đã khẩn trương hoàn tất các bước cuối cùng để Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 961/QĐ-BGTVT ngày 04/8/2023 phê duyệt điều chỉnh Dự án. Đây là cơ sở quan trọng để VEC tái khởi động toàn bộ dự án, đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên lãnh đạo VEC đẩy nhanh tiến độ Dự án |
Mới đây, tại buổi kiểm tra, thúc tiến độ Dự án của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ, Tổng Giám đốc VEC Phạm Hồng Quang báo cáo, VEC đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, quyết liệt chỉ đạo Ban Quản lý dự án và các nhà thầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công. “VEC cam kết đưa đoạn phía Đông vào sử dụng trong Quý III năm 2024 và đoạn phía Tây trong Quý IV năm 2024, đồng thời phấn đấu thông xe toàn bộ Dự án vào Quý III năm 2025” - Tổng Giám đốc VEC khẳng định.
Ghi nhận những nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên VEC, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã xếp loại Công ty mẹ - VEC đạt doanh nghiệp loại A năm 2021. Qua đánh giá, VEC là một trong số ít các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đạt lợi nhuận dương trong năm 2021. VEC cũng vinh dự là một trong 05 đơn vị được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc năm 2022. Đồng thời, VEC liên tục được trao Cờ thi đua Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2021 và năm 2022. Đáng chú ý, trong năm nay VEC còn được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xếp lại hạng Tổng công ty đặc biệt với thời hạn 3 năm.
Với mục tiêu tiếp tục phát huy vai trò là doanh nghiệp nhà nước nòng cốt trong đầu tư, phát triển và khai thác vận hành mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia, VEC đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án Chủ trương về phương án tái cơ cấu mô hình tổ chức hoạt động, trong đó làm rõ Chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện nay, Ban cán sự đảng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã trình Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo tái cơ cấu tổng thể VEC để Bộ Chính trị xem xét, quyết định. Đây là cơ sở quan trọng để VEC triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
“Sau cơn mưa trời lại sáng” đã đúc kết hành trình trưởng thành trong gian khó của VEC, gắn liền với nhiệm kỳ 5 năm nhìn lại của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đối với VEC, đây cũng là giai đoạn mang ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu kế hoạch 05 năm (2021 - 2025). Sự đồng hành, hỗ trợ trực tiếp của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sự đồng lòng, quyết tâm cao của cán bộ, nhân viên, người lao động VEC hứa hẹn hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch 6 tháng cuối năm và cả năm 2023, tạo tiền đề cho tái cơ cấu doanh nghiệp thành công - kim chỉ nam cho công tác chỉ đạo điều hành và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.