Khai trương dịch vụ ETC tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây
26/07/2022
Sáng 26/7, tại Trạm thu phí Long Phước, TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Đầu tư phát triển cao tốc Việt nam (VEC) và Công ty Cổ phần Tasco (TASCO) đã phối hợp tổ chức khánh thành, chính thức khai thác, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh dự buổi lễ.
Hệ thống ETC cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có quy mô lắp đặt 25 làn ETC, tại 3 trạm thu phí Long Phước, Quốc Lộ 51, Dầu Giây sử dụng công nghệ RFID được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận và được sử dụng rộng rãi ở các nước phát triển.
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát lệnh vận hành hệ thống ETC |
Công trình được Tasco và Công ty thành viên VETC lắp đặt trong 45 ngày, đưa vào vận hành vượt tiến độ 5 ngày so với cam kết với Chính phủ. Đây cũng là cao tốc khu vực phía Nam đầu tiên đưa ETC vào sử dụng, giúp giải tỏa tình trạng quá tải, phương tiện gia tăng đột biến, ùn ứ vào các giờ cao điểm, dịp lễ, Tết, rút ngắn thời gian qua trạm từ 36 - 72 giây (hình thức thu phí một dừng trước đây) xuống 6 - 12 giây (bằng phương pháp thu phí không dừng ETC), tốc độ phương tiện qua trạm theo đó tăng gấp 6 - 7 lần.
Ông Phạm Hồng Quang - Tổng giám đốc VEC cho biết: “VEC đưa ETC cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây vào khai thác vượt tiến độ 5 ngày so với cam kết là cột mốc quan trọng, phản ánh nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả chủ đầu tư VEC và nhà thầu Tasco nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ về việc áp dụng thu phí tự động hoàn toàn trước ngày 1-8-2022. Theo kế hoạch, Tasco và VETC tiếp tục triển khai lắp đặt ETC 2/4 tuyến còn lại, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Nội Bài - Lào Cai, dự kiến đưa vào sử dụng từ ngày 28-7-2022".
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh đánh giá: Việc triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng để thay thế cho phương thức thu phí thủ công là chủ trương đúng đắncủa Đảng, Nhà nước nhằm tạo sự văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông, công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí, xóa bỏ ùn tắc giao thông, giảm thiểu chi phí vận hành, tiết kiệm chi phí xã hội và giảmô nhiễm môi trường… Nội dung này thường xuyên được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện trong những năm qua. Quyết tâm ấy sắp được hiện thực hóa bằng mục tiêu triển khai đồng bộ thu phí điện tử không dừng trên toàn quốc từ ngày 01/8 tới đây.
“Sau hơn một tháng triển khai thi công lắp đặt, hôm nay, tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây chính thức đưa vào vận hành, khai thác hệ thống ETC với 25 làn thu phí ETC, vượt thời hạn so với yêu cầu của Chính phủ và trước 1,5 tháng so với hợp đồng. Điều này đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc triển khai dịch vụ ETC trên cả 4 tuyến đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư” – Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh
Phương tiện lưu thông qua Trạm thu phí Long Phước, Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sử dụng thu phí ETC |
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh, tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là một trong những tuyến đường huyết mạch ở khu vực phía Nam với lưu lượng phương tiện lớn, giúp kết nối giao thông giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025. Việc hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ 25 làn thu phí tự động không dừng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với giao thông cửa ngõ TP. Hồ Chí Minh, giúp nâng cao chất lượng phục vụ, giảm thời gian, chi phí cho chủ phương tiện, giảm thiểu ùn tắc giao thông tại khu vực trạm, ô nhiễm môi trường; thuận tiện, tiết kiệm chi phí cho công tác quản lý, giám sát, đồng bộ hạ tầng giao thông cả nước…
“Thay mặt cho Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tôi ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên của chủ đầu tư VEC và nhà thầu TASCO khi hoàn thành vượt thời hạn so với yêu cầu của Chính phủ vàhợp đồng đã ký kết” – Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh khẳng định.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh đề nghị VEC và nhà thầu tiếp tục tập trung cao độ, quyết tâm đưa vào khai thác vận hành dịch vụ ETC tại 2 các tuyến cao tốc còn lại là Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Nội Bài - Lào Cai từ ngày 1/8/2022. Bên cạnh đó, VEC cần chủ động xây dựng quy trình vận hành, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với các tình huống, sự cố có thể xảy ra, đảm bảo giao thông trên toàn tuyến vận hành an toàn, thông suốt. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽluôn đồng hành cùng VEC, phối hợp chặt chẽ với BộGiao thông vận tải, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để kịp thời chỉ đạo điều hành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với VEC, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ cũng như an toàn trong suốt quá trình vận hành sau này.
Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, là hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền Nam được thông xe từ năm 2017. Cao tốc có chiều dài 55km, lưu lượng trong 3 tháng gần đây đạt khoảng 55.000 lượt phương tiện/ngày, được ghi nhận là cao tốc có lưu lượng phương tiện lớn nhất Việt Nam. |