Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tiến tới làm chủ công nghệ số

27/01/2023

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) sẽ tập trung xây dựng hệ thống tổng hợp và khai thác dữ liệu lớn, đồng thời xây dựng nguồn lực công nghệ thông tin theo hướng tập trung và chuyên môn hóa.

Để bắt kịp với mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt và tốc độ phát triển của thị trường, VIMC đang không ngừng cải tiến cách thức hoạt động kinh doanh; trong đó có việc số hóa.

Để bắt kịp với mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt và tốc độ phát triển của thị trường, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đang không ngừng cải tiến cách thức hoạt động kinh doanh; trong đó có việc số hóa.

VIMC đã thực hiện cuộc lột xác với chương trình “Chuyển đổi số triệt để, đồng bộ” vào đầu năm 2019. Trong khi thời điểm trước năm 2018, việc áp dụng phần mềm quản lý nghiệp vụ thông tin, kho bãi, hệ thống báo cáo, chăm sóc khách hàng chiếm tỷ lệ rất thấp. Các nghiệp vụ sản xuất, kinh doanh, khai thác, văn phòng… có tới 80% doanh nghiệp thành viên không có nhân sự chuyên môn về công nghệ thông tin, 90% doanh nghiệp không đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin trong vòng 7-10 năm…

Ông Lê Đông, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin VIMC cho biết, năm 2021, VIMC đã chính thức đưa vào áp dụng 2 giải pháp then chốt trong công cuộc chuyển đổi số.

Thứ nhất là Hệ thống điều hành văn phòng VIMC-Working Place, điều hành toàn bộ giao dịch, quản lý công việc, công văn giấy tờ, lưu trữ đám mây, thủ tục hành chính, quản lý chi phí văn phòng tới từng cá nhân, sử dụng chữ ký điện tử và hoạt động trên mọi nền tảng. Thứ hai là Hệ thống Logistics Hub sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và Robotics, khách hàng tiến tới sẽ chỉ giao tiếp với VIMC bằng nguồn duy nhất qua Logistics Hub. Các doanh nghiệp thành viên cũng phục vụ khách hàng thông qua hệ thống này, đưa VIMC từ doanh nghiệp có lợi thế hạ tầng, thành doanh nghiệp hoạt động cốt lõi trên nền tảng số.

Qua 3 năm tập trung vào chuyển đổi, đến nay VIMC đã trở thành một doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng số. Điều này thể hiện qua việc VIMC áp dụng hệ thống báo cáo thông minh MIS-BI, giúp đánh giá, cải thiện và tối ưu hóa khả năng cũng như quy trình hoạt động của tổ chức trên các lĩnh vực tài chính, kinh doanh, khách hàng, sản xuất, lao động, đầu tư. Triển khai phần mềm cảng điện tử E-Port (Dịch vụ cảng điện tử) tại các đơn vị thành viên như: Cảng Hải Phòng, Đà Nẵng; cổng Online Booking (hệ thống đặt chỗ trực tuyến) cho các đơn vị kinh doanh vận tải, khai thác tàu container…; số hóa hoàn toàn nghiệp vụ như quản lý thông tin chỗ, báo cước, tra cứu thông tin hàng hóa, chăm sóc khách hàng…

Chia sẻ cụ thể hơn, lãnh đạo VIMC cho biết, trong năm 2022, VIMC đã tập trung đẩy mạnh theo định hướng áp dụng mạnh mẽ và triệt để công nghệ phục vụ hoạt động khai thác, song song với nghiên cứu, dần dần tiến tới làm chủ công nghệ. Đến nay, khối cảng biển và dịch vụ hàng hải của VIMC đạt tỷ lệ gần 90% khách hàng sử dụng E-Port, giúp rút ngắn thời gian, giảm thiểu các chứng từ, giấy tờ, tác nghiệp thủ công. Hoạt động này được thay thế bằng các ứng dụng công nghệ thông tin tự động hóa từ xa.

Trong khi đó, khối vận tải biển đạt tỷ lệ 70% các doanh nghiệp đã áp dụng lệnh giao hàng điện tử eDO, giúp phục vụ khách hàng có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi.

Ngoài ra, trên một nền tảng VIMC Working Place (Hệ thống điều hành văn phòng), khối gián tiếp của VIMC đã tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào quản trị và điều hành thông qua các ứng dụng VIMC Cloud, VIMC eOffice, eLearning, VIMC eDoc, hệ thống báo cáo thông minh MIS-BI.

Lãnh đạo VIMC khẳng định, trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, VIMC sẽ tập trung xây dựng hệ thống tổng hợp và khai thác dữ liệu lớn (Big data), đồng thời xây dựng nguồn lực công nghệ thông tin theo hướng tập trung và chuyên môn hóa.

Nhờ triển khai hiệu quả các biện pháp quản trị, chuyển đổi số và đặc biệt nắm bắt tốt cơ hội thị trường, Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên đã đạt được kết quả khả quan trong năm 2022. Lợi nhuận hợp nhất sơ bộ của Tổng công ty ước đạt hơn 3.129,5 tỷ đồng, tương đương 124% kế hoạch năm 2022. Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng của VIMC cùng thời gian ước đạt hơn132,6 triệu tấn, trong khi đó, sản lượng vận tải biển cũng đạt hơn 21,8 triệu tấn.

Điểm sáng lớn là các cảng như: Hải Phòng, Quy Nhơn, Sài Gòn đều có sản lượng, doanh thu, lợi nhuận tăng vượt kế hoạch. Các nhóm cảng liên doanh ở phía Nam cũng đạt lợi nhuận cao, chiếm 35% thị phần container khu vực cảng Cái Mép Thị Vải.

Trong năm 2023 và các năm tiếp theo, mục tiêu của VIMC là củng cố và phát triển hệ sinh thái tích hợp, kết nối hoạt động Vận tải biển – Cảng biển – Dịch vụ logistics. VIMC sẽ đẩy mạnh việc tái cơ cấu đội tàu theo hướng phát triển đội tàu vận tải container tải trọng lớn, hiện đại. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng các bến số 3 và số 4 – Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án nâng cấp và mở rộng cảng Quy Nhơn… Việc chú trọng đầu tư cảng nước sâu, có khả năng đón các tàu siêu trường siêu trọng này sẽ là yếu tố quan trọng khiến cho các đối tác nước ngoài, các hãng tàu nổi tiếng thế giới mở rộng hợp tác với VIMC.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, VIMC sẽ tập trung xây dựng hệ thống tổng hợp và khai thác dữ liệu lớn (Big data), xây dựng nguồn lực công nghệ thông tin theo hướng tập trung và chuyên môn hóa.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Anh Sơn: “Tinh thần của VIMC là các doanh nghiệp phải phát huy mọi tiềm năng của mỗi thàn viên, hợp lực và phối hợp với các doanh nghiệp khác để đưa VIMC vươn lên vị thế dẫn đầu. Mọi hoạt động phải hướng tới những điều khách hàng cần, lấy công nghệ làm nền tảng cho sự phát triển của Tổng công ty khi bước vào giai đoạn phát triển mới”.

Chia sẻ thách thức trong quá trình chuyển đổi số, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc VIMC cho biết, thực trạng của chuyển đổi số trong các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn do khác biệt và chênh lệch về cơ sở vật chất, vấn đề lịch sử hoặc ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, một số cơ chế chính sách cho việc nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm ứng dụng các công nghệ mới còn thiếu hoặc chưa được quy định rõ ràng, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi triển khai.

Về pháp lý, một số quy định pháp luật liên quan đến xác thực điện tử, chia sẻ dữ liệu, định danh… còn chưa được quy định cụ thể. Một số quy định pháp luật gây cản trở khi doanh nghiệp muốn đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ từ nước ngoài. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh dẫn tới không có nguồn ngân sách để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

Cũng theo ông Trung, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi số, các bên cần xem xét xây dựng một liên minh công nghệ để tăng cường sự trao đổi chia sẻ và hỗ trợ cho các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn. Để làm được điều này, ông Trung cho rằng, các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ như Viettel, FPT… có thể tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistics.

Trong vấn đề con người, ông Trung đề nghị xây dựng ban chuyên gia tư vấn và kết nối về chuyển đổi số, từ đó cùng trao đổi và đưa ra hướng đi phù hợp cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện đầu tư trong IT, kiến tạo các nền tảng ứng dụng thích hợp cho khách hàng và người sử dụng.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo VIMC khẳng định, Tổng công ty đang nỗ lực để trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam

P.V

ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Địa chỉ: Số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 08049558 - Fax: 08049585

Website:www.cmsc.gov.vn

Email: ubqlv@cmsc.gov.vn

Giấy phép: Số 132/GP-TTĐT ngày 26/7/2019

Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hoặc

"cmsc.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này