Vinafor khởi công xây dựng Dự án “Cải tạo, mở rộng vườn ươm và nuôi cấy mô” tại tỉnh Hòa Bình
06/09/2024
CMSC Sáng 6/9, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) phối hợp với Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình tổ chức lễ khởi công Dự án “Cải tạo, mở rộng vườn ươm và nuôi cấy mô” tại phường Kỳ Sơn, TP. Hòa Bình. Đây là một trong những công trình quan trọng chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Vinafor (04/10/1995 - 04/10/2025).
Các đại biểu thực hiện nghi lễ Khởi công xây dựng Dự án “Cải tạo, mở rộng vườn ươm và nuôi cấy mô” |
Dự lễ khởi công có ông Đỗ Việt Triều, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hòa Bình; ông Hồ Công Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đại diện lãnh đạo: Sở Nông nghiệp, Chi cục Kiểm lâm, Hạt kiểm lâm TP Hòa Bình, Lương Sơn; Trường Đại học Lâm nghiệp tỉnh Hòa Bình; cùng đại diện lãnh đạo phường Kỳ Sơn; xã Mông Hóa.
Toàn cảnh Lễ khởi công |
Về phía Vinafor có ông Phí Mạnh Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT; ông Lê Quốc Khánh, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc; các Phó tổng giám đốc: Nguyễn Khương Lâm, Vũ Văn Hường; bà Trần Thúy Nguyệt, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn và đại diện các phòng ban Tổng công ty; đại diện Công ty CP tập đoàn T&T; Ban giám đốc và đại diện các phòng thuộc Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình.
Tham dự lễ khởi công còn có đại diện các nhà thầu là Công ty CP Hoàng Sơn Việt Nam và Công ty CP đầu tư xây dựng Việt Tiến.
Ông Lê Quốc Khánh, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vinafor phát biểu tại Lễ khở công |
Phát biểu tại Lễ khởi công, ông Lê Quốc Khánh, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vinafor cho biết: Thực hiện nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và à phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm nghiệp, nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 về sắp xếp đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm nghiệp; quyết định số 687/QĐ- TTg về phê duyệt đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và định hướng phát triển chung của ngành lâm nghiệp tại Quyết định số 523/QĐ-TTg, Vinafor đã xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2035. Theo đó, Vinafor phấn đấu trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt là giống cây lâm nghiệp và trồng rừng thâm canh. Tổng công ty cam kết trở thành đơn vị tiên phong trong ngành lâm nghiệp về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng rừng, khai thác rừng và sản xuất giống lâm nghiệp.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc sản xuất giống chất lượng cao trở thành một yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp nói chung và lâm nghiệp nói riêng. Tổng công ty cũng như các đơn vị kinh doanh trồng rừng không chỉ cần những giống cây trồng có năng suất cao, mà còn phải đảm bảo chất lượng, khả năng chống chịu với sâu bệnh và thích ứng tốt với điều kiện khí hậu.
Từ những cơ sở đó, Tổng công ty đã triển khai nghiên cứu khả thi Dự án “Cải tạo, mở rộng vườn ươm và nuôi cấy mô" tại tỉnh Hòa Bình. Lý do chọn địa điểm dự án tại Tổ 7, Phường Kỳ Sơn, bởi nơi đây đáp ứng được nhiều điều kiện từ địa lý, khí hậu và con người. Đây là khu vưc tiềm năng tại phía Bắc, thuận lợi cho sự phát triển lâu dài của Dự án và hiện thực hóa tâm nhìn chiến lược của Tổng công ty.
Tổng Giám đốc Vinafor Lê Quốc Khánh nhấn mạnh, đây là dự án quan trọng được triển khai xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 10.000m2 của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình; tổng mức đầu tư khoảng 54 tỷ đồng; dự kiến khi đi vào hoạt động (9/2025) sẽ cung ứng ra thị trường khoảng hơn 20 triệu cây giống/năm, có chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, đồng thời tạo việc làm cho khoảng 120-150 lao động địa phương và gia tăng giá trị nộp ngân sách nhà nước.
Mục tiêu của dự án là xây dựng một trung tâm giống tiên tiến và hiện đại, đánh dấu sự khởi đầu trong 3 trung tâm giống mà Vinafor dự định triển khai. Trung tâm này sẽ ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực nhân giống, từ công nghệ sinh học đến các phương pháp canh tác hiện đại, cũng như hướng tới việc phát triển các công nghệ khoa học cao như phôi Soma. Đây sẽ là nền tảng vững chắc cho lĩnh vực sản xuất cây giống hiện đại và bền vững, năng cao hiệu suất nhân giống và giảm thiểu sức lao dộng của con người thông qua tự động hóa, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng, góp phần cải thiện đời sống của người dân.
Lãnh đạo Vinafor mong rằng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, với kinh nghiệm và trách nhiệm của các nhà thầu, dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Đại diện nhà thầu, ông Nguyễn Văn Trung- Giám đốc Công ty CP Hoàng Sơn Việt Nam phát biểu cam kết tại Lễ khởi công |
Đại diện nhà thầu, ông Nguyễn Văn Trung- Giám đốc Công ty CP Hoàng Sơn Việt Nam cho biết đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, thiết bị, nguyên vật liệu cùng với kinh nghiệm nhiều năm trong triển khai thi công các dự án. Đại diện nhà thầu cam kết phối hợp tốt với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương để thi công và hoàn thành công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Một số hình ảnh tại Lễ khởi công xây dựng Dự án “Cải tạo, mở rộng vườn ươm và nuôi cấy mô”:
Tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ khởi công do CBNV Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình thực hiện |
Nghi thức tiến hành xúc đất khởi công Dự án “Cải tạo, mở rộng vườn ươm và nuôi cấy mô” đươc xây dựng tại Tổ 7, phường Kỳ Sơn, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình |
Đại diện lãnh đạo chính quyền TP. Hòa Bình; lãnh đạo Vinafor và đại diện các nhà thầu chụp hình lưu niệm |
Lãnh đạo, cán bộ Vinafor chụp hình lưu niệm |
*Trước đó, Chủ tịch HĐQT Vinafor Phí Mạnh Cường đã có buổi làm việc với Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình. Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến của Ban Giám đốc Công ty, Chủ tịch Phí Mạnh Cường phát biểu kết luận và có những chỉ đạo định hướng đối với hoạt động của Công ty trong thời gian tới.
Chủ tịch HĐQT Vinafor yêu cầu các phòng ban của Tổng công ty phối hợp, hướng dẫn Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình xây dựng phương án, định hướng chiến lược hoạt động trong 10-20 năm tới, đảm bảo hoạt động hiệu quả, minh bạch; trọng tâm là tổ chức lại sản xuất, kinh doanh với 03 lĩnh vực chính gồm sản xuất nông lâm nghiệp; hoạt động sản suất giống cây và chế biến gỗ.
Chủ tịch HĐQT Vinafor Phí Mạnh Cường chỉ đạo định hướng hoạt động của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình |
Về sản xuất nông lâm nghiệp, chi nhánh cần tổ chức sản xuất bài bản, có phương pháp tổ chức hiện đại, tiên tiến. Về đất đai, cần phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết cơ bản các vấn đề liên quan, cụ thể là quản lý và xử lý các hồ sơ đất đai, có thể xử lý làm điểm các vụ lấn chiếm đất để làm gương.
Đặc biệt, rà soát lại quỹ đất, trong đó có cả đất giao khoán, từ đó xây dựng quy hoạch và có kế hoạch từng bước tổ chức lại hoạt động giao khoán, chuyển đổi cây trồng, tiến tới nghiên cứu chuyển đổi sang sản xuất nông lâm nghiệp. Chủ tịch Phí Mạnh Cường cũng gợi mở việc chuyển đổi cây trồng sang các giống cây như keo lá tràm, gió bầu, bồ đề... cũng cần được đánh giá khả năng sinh trưởng, hiệu quả kinh tế, xu thế phát triển trong tương lai. “Cơ cấu, chuyển đổi cây trồng quyết định đến hiệu quả kinh tế, nên việc đánh giá hay chuyển đổi đều cần dựa trên thực tiễn và phải có kế hoạch, lộ trình, chú trọng việc so sánh hiệu quả, hướng dẫn, đồng hành cùng bà con trong quá trình đánh giá, chuyển đổi vì mục tiêu cao nhất là tăng hiệu quả và thu nhập cho bà con trồng rừng” – Chủ tịch Phí Mạnh Cường nhấn mạnh.
Đối với sản xuất giống cây, Tổng công ty có định hướng giao Trung tâm nuôi cấy mô cho chi nhánh Hòa Bình, do đó, cần xây dựng phương án tổ chức sản xuất sau khi nhà nuôi cấy mô hoàn thành, bao gồm kế hoạch về đào tạo con người, thị trường, doanh thu, lợi nhuận, sản lượng, chất lượng và cả định hướng nuôi cấy mô tại Trung tâm. Chủ tịch HĐQT Vinafor Phí Mạnh Cường giao nhiệm vụ cho chi nhánh cần hoàn thành phương án tổ chức sản xuất trước khi nhà nuôi cấy mô hoàn thành. Song song với đó là xây dựng hệ thống vườn ươm hiện đại, sản xuất cây giống phù hợp để cung cấp cho toàn Tổng công ty, khu vực Hòa Bình và các tỉnh lân cận. Trên cơ sở hiệu quả, chất lượng đảm bảo để từ đó xây dựng hình ảnh và khẳng định thương hiệu của Vinafor tại Hòa Bình và trên cả nước.
Về chế biến gỗ, chi nhánh cần kết hợp sản xuất ép, bóc với xẻ, băm và viên nén. Lưu ý tổ chức sản xuất đảm bảo quy mô, hiệu quả, an toàn, gắn với sản xuất rừng, tiến tới các hoạt động khai thác. Bên cạnh đó cần từng bước đầu tư các xưởng chế biến, chú trọng tuyển chọn cán bộ quản lý có năng lực, kinh nghiệm, ưu tiên đào tạo, mạnh dạn tuyển chọn cán bộ trẻ để triển khai thực hiện hiệu quả trong lĩnh vực này.
Đại diện Ban Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình bày tỏ cảm ơn và tiếp thu toàn diện những chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Phí Mạnh Cường tại buổi làm việc. Ban Giám đốc công ty cam kết luôn đoàn kết, nỗ lực để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ lãnh đạo Tổng công ty giao.