Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

Vinafor và Vinapaco: Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tiến tới hợp tác một số lĩnh vực trong lâm nghiệp

20/04/2023

CMSC Sáng ngày 20/4, tại Hà Nội, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) đã có buổi làm việc nhằm trao đổi, chia sẻ một số lĩnh vực trong công tác lâm nghiệp của hai Tổng công ty để hướng tới mục tiêu hợp tác cùng phát triển.

Tham dự buổi làm việc, về phía Vinafor có ông Phí Mạnh Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT); ông Lê Quốc Khánh – Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc; ông Vũ Văn Hường, ông Nguyễn Khương Lâm – Phó Tổng giám đốc cùng đại diện các phòng chuyên môn liên quan.

Về phía Vinapaco, có ông Lê Công Hoàng – Thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV), Quyền Tổng Giám đốc; ông Cao Văn Sơn – Thành viên HĐTV; ông Mạc Mạnh Đang – Phó Tổng Giám đốc và đại diện các phòng chuyên môn.

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Phí Mạnh Cường - Chủ tịch HĐQT Vinafor mong muốn hai bên cùng trao đổi, chia sẻ về các lĩnh vực thuộc lâm nghiệp, cụ thể như: Tổ chức trồng rừng theo mô hình khoán; quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, công tác giống, trồng rừng. Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐQT cũng mong muốn có thêm những trao đổi trong công tác số hóa quản trị rừng; thị trường nguyên liệu cho chế biến; công tác đào tạo nhân lực…

Ông Phí Mạnh Cường - Chủ tịch HĐQT Vinafor chia sẻ về các nội dung có thế trao đổi, hợp tác

Giới thiệu một số nét cơ bản về Vinafor, Chủ tịch HĐQT Phí Mạnh Cường cho biết, Tổng công ty được thành lập năm 1995, hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 9/2016, với vốn điều lệ 3.500 tỷ, Nhà nước nắm giữ 51% cổ phần. Hiện Vinafor đang quản lý khoảng 43.000 ha rừng tại Việt Nam và có kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng, chăm sóc và khai thác rừng; sản xuất, chế biến các sản phẩm ván gỗ công nghiệp, đồ gỗ nội, ngoại thất xuất khẩu và kinh doanh, thương mại các sản phẩm từ gỗ. Vinafor hiện có 55 đơn vị phụ thuộc, công ty con và công ty liên kết, trong đó, có 09 công ty lâm nghiệp, với nhiệm vụ chính là trồng rừng và 06 công ty cổ phần giống lâm nghiệp. Tổng công ty xác định lĩnh vực cốt lõi, xuyên suốt là trồng rừng và chế biến gỗ, phát triển lâm nghiệp bền vững.

Nhiều nội dung có thể trao đổi, hợp tác

Trao đổi về các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, ông Phí Mạnh Cường cho hay: Thứ nhất, về quản lý sử dụng đất lâm nghiệp, Vinafor đang quản lý, sử dụng tại 15 đơn vị lâm nghiệp là 48.839 ha. Diện tích này chủ yếu có nguồn gốc từ các lâm trường quốc doanh trực thuộc tỉnh, nhiều diện tích đã giao khoán cho hộ dân theo NĐ số 01/1995.

Các đơn vị lâm nghiệp của Vinafor chủ yếu được thành lập giai đoạn 1998 -2000 trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng lâm trường và đất từ các lâm trường thuộc tỉnh. Do đất đã giao khoán cho các hộ dân từ nhiều năm trước, nguồn gốc đất khá phức tạp, có nhiều tồn tại do lịch sử để lại nên trong quá trình sử dụng xảy ra nhiều trường hợp hộ nhận khoán cố tình chiếm đất của doanh nghiệp. Những năm gần đây, Vinafor tăng cường đẩy mạnh việc quản lý đất đai, số hóa, đảm bảo minh bạch trong công tác quản lý đất, xây dựng phương án sử dụng đất, phương án thu hồi đất lấn chiếm,... phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan pháp luật để thu hồi đất lấn chiếm, xử lý nghiêm các đối tượng lấn chiếm đất. Đến nay công tác quản lý đất đai bước đầu được củng cố, các tồn tại dần được tháo gỡ.

Thứ hai, về tổ chức trồng rừng theo mô hình khoán, diện tích rừng trồng theo mô hình khoán hộ của Vinafor hiện nay chiếm 44% (còn lại là rừng do công ty tự trồng). Việc trồng rừng theo mô hình khoán hộ rất phức tạp; chất lượng rừng và hiệu quả kinh tế thấp hơn so với rừng quốc doanh; tính chủ động, quyền hạn của của doanh nghiệp bị hạn chế; nhiều trường hợp bị hộ nhận khoán chiếm đất, không trả sản phẩm cho bên giao khoán...

Trong năm 2022, Vinafor đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng Phương án tổ chức lại công tác giao khoán; ký lại HĐ mới; Phụ lục HĐ đảm bảo theo quy định của pháp luật; hài hòa lợi ích giữa các bên; việc giao khoán khẳng định được chủ quyền sử dụng đất; chủ động trong việc đầu tư; biện pháp kỹ thuật; chu kỳ kinh doanh rừng và tiêu thụ rừng; nghiêm cấm việc mua bán, chuyển nhượng hợp đồng trái phép và các hành vi lấn chiếm đất đai...

Hiện tại, Vinafor đang thực hiện theo 02 mô hình khoán là khoán đầu tư cao (100% vốn), đó là cuối chu kỳ công ty đứng ra tổ chức bán đấu giá rừng; thu hồi giá trị đầu tư; giá trị còn lại mỗi bên hưởng 50% lợi nhuận đang mang lại hiệu quả cao hơn mô hình khoán đầu tư thấp nhưng mô hình này chỉ áp dụng được đối với những nơi đất tốt, tập trung. Ngoài ra là mô hình khoán đầu tư thấp, thường áp dụng tại khu vực đất xấu, nhỏ lẻ, manh mún khó quản lý.

Về công tác trồng rừng, thâm canh rừng,  Vinafor tập trung chú trọng áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công tác giống cây, đầu tư trồng rừng thâm canh cao kết hợp với quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC để nâng cao hiệu quả kinh doanh rừng trồng. Vinafor đã và đang triển khai trồng rừng giống mới có khả năng kháng bệnh, năng suất, chất lượng cao. Đầu tư thâm canh, làm đất cơ giới; bón phân có hàm lượng dinh dưỡng cao trong trồng và chăm sóc rừng, kéo dài chu kỳ để kinh doanh gỗ có đường kính lớn.

Thứ ba, về công tác giống, Vinafor xác định sản xuất giống là ngành nghề chính, là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị lâm nghiệp.

Trong khoảng 5 năm gần đây, Vinafor đã đẩy mạnh công tác đưa giống mới vào trồng rừng với tiêu chí có khả năng kháng bệnh cao, đảm bảo năng suất, chất lượng rừng.

Riêng ở nội dung này, ông Phí Mạnh Cường gợi mở hai bên có thể trao đổi, hợp tác về kỹ thuật nuôi cấy mô, dòng giống gốc, chủng loại giống, nhân lực và thị trường giống…

Về sản xuất giống, Vinafor tự sản xuất các giống chất lượng cao để trồng rừng nhằm kiểm soát chất lượng; phục tráng giống gốc hàng năm để sản xuất cây mầm mô. Tổng công ty đã đẩy mạnh đầu tư nâng cấp các cơ sở sản xuất giống, hiện tại Vinafor có 2 trung tâm sản xuất giống bằng nuôi cấy mô tại khu vực Miền Bắc và Miền Nam. Năm 2023 sẽ khởi công xây dựng mới Trung tâm nuôi cấy mô tại Hòa Bình với công suất 20 triệu cây/năm.

Về quản trị rừng, Tổng công ty đã ứng dụng bản đồ số trong quản lý rừng; nghiên cứu ứng dụng công nghệ số trong công tác đếm cây, kiểm kê rừng.

Bên cạnh đó, ông Phí Mạnh Cường mong muốn hai bên phối hợp trong lĩnh vực đầu tư, cụ thể là trong việc xây dựng vùng nguyên liệu để sản xuất viên nén xuất khẩu. Chủ tịch HĐQT Vinafor nhấn mạnh, Tổng công ty cũng sẵn sàng tham gia vào các dự án đầu  tư khác, nếu hai bên đều thấy phù hợp.

Vinapaco mong muốn chia sẻ, hợp tác  

Tại buổi làm việc, ông Lê Công Hoàng – Thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV) Vinapaco chia sẻ đôi nét về Tổng công ty với quy mô gồm: 13 Phòng, Ban chức năng; 18 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 7 đơn vị hạch toán báo sổ, 1 đơn vị hạch toán độc lập, 1 công ty con và 7 công ty liên kết.

Ông Lê Công Hoàng – Thành viên HĐTV Vinapaco trao đổi tại buổi làm việc

Vinapaco là đơn vị sản xuất kinh doanh đa ngành bao gồm: Trồng rừng, chế biến gỗ, sản xuất giấy, bột giấy, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm giấy in, giấy viết, giấy tissue, giấy bao bì... Năng lực sản xuất của Vinapaco đạt 75 nghìn tấn bột giấy tẩy trắng/năm và 120 nghìn tấn giấy in, giấy viết/năm. Quá trình sản xuất kinh doanh khép kín từ khâu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gỗ đến khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm giấy.

Tổng công ty có hệ thống công nghệ hiện đại, ưu thế vượt trội về chế biến giấy và bột giấy, cùng với chiến lược đầu tư mở rộng, phát triển toàn diện, do đó mong muốn được trao đổi, chia sẻ, hợp tác với Vinafor trong các lĩnh vực như Chủ tịch HĐQT Vinafor nói ở trên.

Cụ thể về lĩnh vực giống, Vinapaco muốn học hỏi kinh nghiệm trong việc chọn giống trồng rừng kháng sâu bệnh của Vinafor, đồng thời hợp tác, nghiên cứu, sản xuất, cấp giống cho các đơn vị thuộc Vinapaco và cung cấp ra thị trường.

Ông Lê Công Hoàng nhìn nhận, lâm nghiệp là thế mạnh của Vinapaco, tuy nhiên thời gian qua hoạt động chưa hiệu quả do còn gặp nhiều vướng mắc trong lựa chọn mô hình giao khoán; xử lý đất lấn chiếm vì vậy mong được lắng nghe chia sẻ, cũng như kinh nghiệm và hợp tác với Vinafor nhằm nâng cao hiệu quả của lĩnh vực này.

Đồng thời, ông Hoàng cũng chia sẻ ưu điểm của Vinapaco, đó là 100% diện tích rừng của Tổng công ty có chứng chỉ FSC, bởi đây cũng là điều kiện bắt buộc liên quan đến hoạt động xuất khẩu giấy, dăm gỗ. Liên quan đến lĩnh vực này, Vinapaco có thể hợp tác với Vinafor trong sản xuất viên nén.

Ông Mạc Mạnh Đang – Phó Tổng giám đốc Vinapaco chia sẻ tại buổi làm việc

Chia sẻ thêm tại buổi làm việc, ông Mạc Mạnh Đang – Phó Tổng giám đốc Vinapaco cho biết, Tổng công ty đã thực hiện số hóa bản đồ quản lý đất, có trường dữ liệu đối với từng lô đất để phục vụ công tác quản lý và thanh, kiểm tra, vì vậy cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Vinafor. Ông Đang kỳ vọng hai bên phối hợp trong số hóa quản trị rừng, cũng như công tác đào tạo cán bộ quản lý, kỹ thuật lâm nghiệp, giống cây…

Các ý kiến trao đổi tại cuộc họp cùng đều nhất trí hướng đến việc hợp tác, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giữa hai Viapaco và Vinafor.

Ông Phí Mạnh Cường – Chủ tịch HĐQT Vinafor phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc ông Phí Mạnh Cường – Chủ tịch HĐQT Vinafor nhấn mạnh, kết quả buổi làm việc đã đi đến thống nhất ký Biên bản ghi nhớ tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin để cùng nhau thúc đẩy phát triển công tác lâm nghiệp với các nội dung cả hai cùng quan tâm, gồm:

Kỹ thuật lâm sinh, đặc biệt là công tác giống lâm nghiệp. Công tác quản lý đất đai, xử lý tranh chấp, lấn chiếm đất đai; trồng rừng, chia sẻ thị trường gỗ nguyên liệu, giống; 

Công tác đào tạo để có nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về lâm nghiệp. Vinafor và Vinapaco cùng nhau phối hợp với cơ sở đào tạo để mở các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ lâm nghiệp; Quan tâm đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước về các chính sách có liên quan đến phát triển lâm nghiệp.

Lãnh đạo Vinafor và Vianapaco đều nhất trí giao các phòng lâm nghiệp làm việc, trao đổi và chuẩn bị để Phó Tổng giám đốc phụ trách lâm nghiệp của hai bên ký Biên bản ghi nhớ theo các nội dung đã thống nhất để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

PV

ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Địa chỉ: Số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 08049558 - Fax: 08049585

Website:www.cmsc.gov.vn

Email: ubqlv@cmsc.gov.vn

Giấy phép: Số 132/GP-TTĐT ngày 26/7/2019

Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hoặc

"cmsc.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này