Ủy ban đã sát cánh, đồng hành cùng Vietnam Airlines vượt qua đại dịch
18/08/2023
Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2018, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã trải qua hành trình 5 năm xây dựng và phát triển, với vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, trong đó có Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Khẳng định vai trò, sứ mệnh của doanh nghiệp nhà nước
Trong những năm qua, Ủy ban đã luôn đồng hành sát cánh cùng các doanh nghiệp trên hành trình từng bước vượt qua những thách thức để khẳng định vị thế và tiếp tục có những đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế đất nước. Đặc biệt, với riêng Vietnam Airlines trong giai đoạn đầy khó khăn gây ra bởi đại dịch Covid-19 vừa qua, những chỉ đạo sát sao, những đường lối, định hướng đúng đắn, hỗ trợ kịp thời của Ủy ban đã đóng vai trò quan trọng giúp Vietnam Airlines từng bước vượt qua khó khăn, thách thức nhất trong lịch sử hoạt động và đứng vững như ngày hôm nay.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc giai đoạn 2019 – 2020 tại Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của Vietnam Airlines diễn ra vào ngày 28/12/2022 |
Ngày 30/9/2018, tại Hà Nội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức ra mắt, sau 8 tháng Chính phủ có Nghị quyết thành lập. Sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.
Qua hơn 5 năm hoạt động, Ủy ban đã khẳng định được vị thế, vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời uỷ ban đã thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp được giao quản lý; chỉ đạo các doanh nghiệp hoàn thành tốt vị trí, vai trò, sứ mệnh của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, những đóng góp của 19 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao; thể hiện vai trò chỉ đạo, dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước.
Đặc biệt trong những năm vừa qua, khi nền kinh tế đất nước phải đối mặt với những khó khăn do đại dịch Covid-19 và xung đột, biến động chính trị trong khu vực và quốc tế, đã tích cực triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước trực thuộc Ủy ban.
Với vai trò nòng cốt, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã phát huy vai trò, trách nhiệm tiên phong trong việc ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19 với số tiền hơn 2.500 tỷ đồng; chủ động triển khai nhiều hoạt động từ thiện, chương trình an sinh xã hội góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống của người dân; huy động cơ sở vật chất, kỹ thuật, hỗ trợ nhân lực, vật lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam…
Lãnh đạo, chỉ đạo, theo sát Vietnam Airlines để tháo gỡ khó khăn
Đại dịch xảy ra trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam từ đầu 2020 đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến ngành hàng không, nhiều hãng Hàng không bị rơi vào tình trạng phá sản. Đối với Vietnam Airlines, đại dịch đã làm thay đổi toàn bộ kế hoạch khai thác và hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của Vietnam Airlines, đẩy Vietnam Airlines rơi vào trạng thái khủng khoảng tài chính đặc biệt nghiêm trọng và để lại nhiều hậu quả vô cùng nặng nề, cần nhiều năm mới có thể phục hồi và thích ứng được. Năm 2020-2021 là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hoạt động của Vietnam Airlines.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Ngọc Cảnh chủ trì cuộc họp ngày 5/10/2021 để Vietnam Airlines báo cáo giải trình bổ sung tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn giai đoạn 2021 – 2025 |
Năm 2020, Vietnam Airlines đã phải dừng toàn bộ các đường bay quốc tế thường lệ từ ngày 01/4/2020 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ thực hiện một số chuyến bay chở hàng và chở khách nước ngoài bị kẹt tại Việt Nam về nước. Năm 2021 là năm ảnh hưởng của dịch bệnh đối với Vietnam Airlines là nghiêm trọng nhất. Liên tiếp nhiều đợt dịch bệnh bùng phát trong năm 2021 đã khiến nhu cầu đi lại giảm sút, đặc biệt trong các dịp cao điểm.
Nghiêm trọng nhất là đợt bùng phát từ cuối tháng 4/2021 kéo dài đến tận cuối năm 2021 đã khiến hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường hàng không gần như tê liệt. Có những ngày trên bầu trời Việt Nam không có một chuyến bay chở khách thương mại nào hoạt động. Thị trường đóng băng và doanh thu vận tải hành khách gần như bằng 0. Tại thị trường quốc tế, ngoài một số ít chuyến bay chở công dân Việt Nam về nước được Chính phủ phê duyệt, các chuyến bay quốc tế được thực hiện trong năm 2021 vẫn chủ yếu là các chuyến bay chở khách một chiều, kết hợp với vận tải hàng hóa. Năng lực sản xuất của 2021 giảm mạnh, chỉ bằng 27,5% so với trước dịch bệnh (năm 2019).
Do dịch bệnh diễn biến kéo dài, phạm vi ảnh hưởng rộng và phức tạp, Vietnam Airlines phải thu hẹp quy mô sản xuất, sản lượng khai thác, doanh thu, dòng tiền của VNA sụt giảm đặc biệt nghiêm trọng. Kết quả SXKD sụt giảm do Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân đối tiền tệ, VNA nhanh chóng rơi vào tình trạng thâm hụt dòng tiền và thua lỗ ở mức cao kỷ lục, đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh khoản, dòng tiền giảm mạnh đe dọa đến khả năng duy trì hoạt động liên tục của Vietnam Airlines.
Với vai trò là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có nhiệm vụ lãnh đạo, định hướng, hỗ trợ phát triển và giám sát Vietnam Airlines trong hoạt động SXKD, ngay từ khi dịch bệnh xảy ra, Ủy ban đã thường xuyên theo dõi sát sao với Vietnam Airlines mọi diễn biến hoạt động SXKD, các khó khăn, tác động của dịch bệnh đến Vietnam Airlines.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ủy ban đã ngay lập tức yêu cầu Vietnam Airlines báo cáo cập nhật thường xuyên về tình hình hoạt động SXKD và sức khỏe tài chính, triển khai ngay các biện pháp duy trì hoạt động SXKD, tìm kiếm giải pháp khắc phục khó khăn, xây dựng nhiều phương án, kịch bản gắn với giải pháp cụ thể phục hồi, phát triển SXKD. Ủy ban đã tổ chức nhiều cuộc họp với Vietnam Airlines để nắm bắt tình hình, kết quả SXKD, các khó khăn do dịch bệnh gây ra cho Vietnam Airlines, cùng với Vietnam Airlines tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ và đưa ra các kiến nghị đề xuất trình các cấp có thẩm quyền.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Ngọc Cảnh thăm và chúc Tết các phi công, tiếp viên Vietnam Airlines nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 |
Ngoài các báo cáo chung cập nhật các ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động SXKD của 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban, trong đó Vietnam Airlines là doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất, từ tháng 5/2020, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp liên tục có các báo cáo riêng Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tình hình hoạt động SXKD của Vietnam Airlines cũng như đề xuất các giải pháp, kiến nghị hỗ trợ cho Vietnam Airlines. Trong đó gói hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng của Chính phủ dành cho VNA được xem như “liều thuốc trợ lực” chưa từng có, giúp Vietnam Airlines bổ sung nguồn vốn, thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán, duy trì hoạt động liên tục trong bối cảnh dòng tiền thâm hụt lớn, không có khả năng chi các khoản nợ của doanh nghiệp.
Ngay sau khi triển khai thành công gói hỗ trợ thanh khoản, Ủy ban đã, đang tích cực làm việc, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo đà phục hồi cho VNA sau đại dịch. Ủy ban đã chỉ đạo Vietnam Airlines xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, triển khai xin ý kiến các cơ quan bộ ngành góp ý cho Đề án và tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Ủy ban xem xét cẩn trọng và báo cáo tiếp trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp khẩn cấp cần triển khai trong ngắn hạn để giao các cơ quan bộ ngành tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho Vietnam Airlines trong quá trình triển khai chương trình phục hồi SXKD hậu đại dịch. Hiện nay, Đề án tổng thể đang tiếp tục được các cơ quan chức năng xem xét, các vướng mắc khó khăn đã dần được tháo gỡ giúp Vietnam Airlines từng bước triển khai các giải pháp cấp bách, khắc phục ngay các hậu quả nghiêm trọng do đại dịch gây ra.
Vietnam Airlines tin tưởng với sự đồng hành, sát cánh, tương trợ mạnh mẽ từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Vietnam Airlines sớm triển khai các giải pháp tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp trong Đề án tổng thể đang báo cáo, qua đó hoàn thành mọi mục tiêu trong kế hoạch phục hồi hậu đại dịch đề ra, nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm phục hồi, nâng cao năng lực tài chính, phát triển bền vững trong dài hạn.