Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

Đặt mục tiêu đến năm 2025 có 3.858 km cao tốc

25/12/2020

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) tập trung đầu tư hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, triển khai đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc kết nối trung tâm kinh tế, đặc biệt là các tuyến vành đai hoặc kết nối với trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và TP. HCM. Dự kiến mục tiêu đến hết năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 3.858 km đường cao tốc.

Điểm sáng hạ tầng

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế.

Về đường bộ, kết cấu hạ tầng đường bộ có nhiều đột phá, giai đoạn 2011 - 2020 đã có 1.074 km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163 km. Mạng lưới quốc lộ đạt 24.598 km, các tuyến quốc lộ chính yếu được đưa vào cấp kỹ thuật, thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng, tỷ lệ mặt đường bê tông nhựa được nâng lên 64%.  

Khu vực phía Bắc đã hoàn thành các tuyến cao tốc hướng tâm tới Thủ đô Hà Nội; tuyến đường cao tốc ven biển nối Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn. Khu vực phía Nam đã hoàn thành 2 tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây nối Đông Nam bộ và phía Bắc, TPHCM - Trung Lương nối với các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long; đang triển khai 2 tuyến Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận. Khu vực miền Trung đã hoàn thành 2 tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Liên Khương - Đà Lạt.

Tuyến Quốc lộ 1 “xương sống” của đất nước cũng được nâng cấp, mở rộng từ Lạng Sơn đến Cà Mau và được kéo dài đến Năm Căn, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên nối xuống miền Đông Nam bộ đã được mở rộng; nhiều quốc lộ trọng yếu được đầu tư, nâng cấp toàn tuyến hoặc một số đoạn có nhu cầu vận tải lớn; rất nhiều công trình cầu, hầm cấp đặc biệt, cấp I đã được xây dựng. Hệ thống kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không cũng được chú trọng đầu tư đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Điển hình, các cảng hàng không quan trọng đã được nâng cấp như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, các sân bay được xây dựng mới gồm: Phú Quốc, Vân Đồn,… nâng tổng công suất mạng lưới cảng hàng không đạt khoảng 90 triệu hành khách/năm; Hệ thống cảng biển được đầu tư đồng bộ với năng lực thông qua khoảng 570 triệu tấn/năm. Hai cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện đã có khả năng tiếp nhận được tàu tải trọng lớn từ 130.000 tấn đến 200.000 tấn (DWT) đi thẳng bờ Tây nước Mỹ, Canada và châu Âu,…

"Riêng trong năm 2020, Bộ GTVT kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án và hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 19 công trình dự án mới. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT đã hoàn thiện thủ tục và triển khai khởi công 3 dự án thành phần được chuyển sang hình thức đầu tư công gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây", Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết.

Bộ GTVT đã trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP do không lựa chọn được nhà đầu tư (QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu). Ngoài ra, Bộ GTVT đang tích cực đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính của nhà đầu tư đối với 3 dự án thành phần có nhà đầu tư đáp ứng (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo), dự kiến hoàn thành và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2020.

Dự án chậm do thiếu vốn

Bên cạnh những kết quả đạt được, song, cũng phải nhìn nhận, nguồn lực bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng đủ, chưa tương xứng, đồng bộ so với định hướng, mục tiêu đặt ra. Đây cũng là vấn đề mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá: Các dự án, công trình giao thông khởi công mới (bao gồm các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư) trong giai đoạn 2016-2020 rất ít so với yêu cầu, quy hoạch phát triển. Việc hoàn thành mục tiêu 2.000 km đường bộ cao tốc đang chậm khoảng 2 năm so với mục tiêu đề ra.

Vốn dành cho công tác duy tu, sửa chữa định kỳ còn thiếu so với nhu cầu; công tác bảo trì lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa còn khó khăn do quy định về đổ thải, có năm không giải ngân hết được số vốn đã bố trí. Một số mục tiêu đặt ra trong nghị quyết, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành GTVT đến năm 2020 chưa đạt, một số chỉ tiêu thực hiện còn chậm so với mục tiêu tại Nghị quyết 13-NQ/TƯ và quy hoạch đường bộ cao tốc. Một số công trình, dự án trọng điểm đang triển khai vẫn còn khó khăn. Hiện nay, còn 6 dự án trọng điểm đang triển khai chậm tiến độ (Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và 5 dự án đường sắt đô thị); công tác triển khai một số dự án mới cũng còn chậm như Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

"Nguyên nhân chủ yếu là do vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân phức tạp, công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu còn nhiều vướng mắc, các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng nói chung còn nhiều bất cập, chưa có nhiều cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án trọng điểm hoặc dự án cấp bách; một số dự án lớn hơn 10.000 tỷ đồng khi điều chỉnh tổng mức đầu tư cần báo cáo Quốc hội thông qua do hình thành yếu tố quan trọng quốc gia…”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phân tích nguyên nhân.

Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hiện nay, theo Bộ GTVT là “còn rất nhiều khó khăn, thiếu những chính sách khuyến khích đầu tư thích đáng, chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư theo thông lệ quốc tế”. Những nguyên nhân này dẫn đến trong thời gian qua, một số tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đã đến Việt Nam bày tỏ quan tâm đầu tư nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu, khảo sát thị trường.

Lắng nghe và tháo gỡ cho Bộ GTVT, Phó Thủ tướng cho rằng, trong năm 2021 và các năm tiếp theo, đề nghị Bộ GTVT tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan đến ngành GTVT, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút hiệu quả nguồn lực cho đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT. Bên cạnh đó là khẩn trương rà soát, hoàn thành các quy hoạch ngành GTVT (theo Luật Quy hoạch) như quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, hệ thống cảng biển, càng hàng không, sân bay, đường thuỷ nội địa…). Trên cơ sở quy hoạch, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ động phối hợp với các bộ, các địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, trong đó xác định rõ cơ cấu nguồn vốn để huy động vốn ngân sách, FDI, DDI, các nguồn vốn khác phù hợp với từng dự án cụ thể.

Mục tiêu 5 năm tiếp theo

Trong năm 2021, Bộ GTVT cho biết sẽ tập trung thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng: Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cao tốc Bến Lức – Long Thành, Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, các dự án đường bộ, đường sắt quan trọng, cấp bách; các dự án ODA chuyển tiếp; đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án ODA mới bổ sung, các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách nhà nước, các dự án sử dụng vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; triển khai các dự án: CHKQT Long Thành giai đoạn 1, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ giai đoạn 1, Nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, Luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng…

Còn trong giai đoạn 5 năm (2021 - 2025), Bộ GTVT đặt ra mục tiêu tập trung phát triển các công trình hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa; ưu tiên cải tạo, mở rộng các cảng hàng không lớn và các cảng hàng không có nhu cầu vận tải lớn; cải tạo các quốc lộ trọng yếu, liên vùng, xóa các điểm đen về tai nạn giao thông (TNGT); hoàn thành các dự án đường sắt dở dang, cải tạo các nút thắt để nâng cao năng lực thông qua của đường sắt hiện có, nghiên cứu xây dựng đường sắt kết nối vào các cảng biển đầu mối; cải tạo, nâng cấp các hành lang vận tải thủy quan trọng, nâng tĩnh không một số cầu đảm bảo đồng bộ về kỹ thuật phục vụ phát triển vận tải container, hàng hoá chuyên dụng, khối lượng lớn trên đường thuỷ nội địa phía Bắc, phía Nam và kết nối cảng biển; đầu tư đảm bảo đồng bộ các cảng biển cửa ngõ quốc tế và một số cảng biển có nhu cầu vận tải lớn; phát triển hệ thống cảng cạn.

Riêng đường bộ, Bộ GTVT cho biết, cơ quan này sẽ tập trung đầu tư hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, triển khai đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc kết nối trung tâm kinh tế, đặc biệt là các tuyến vành đai hoặc kết nối với trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và TPHCM. Dự kiến mục tiêu đến hết năm 2025 có khoảng 3.858 km đường cao tốc.

Với đường sắt, tập trung cải tạo các điểm nghẽn và nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, ưu tiên Hà Nội - TP. HCM; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Lào Cai. Xóa bỏ các lối đi tự mở trên mạng đường sắt quốc gia. Hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội và TP. HCM. Nghiên cứu và xúc tiến đầu tư đối với các tuyến đường sắt đô thị tại các thành phố lớn theo quy hoạch.

Cải tạo, nâng cấp các hành lang vận tải thủy quan trọng, đặc biệt nâng cấp tĩnh không thông thuyền các cầu, cùng với hệ thống kết nối và hạ tầng kỹ thuật khác đảm bảo đồng bộ phục vụ phát triển vận tải container, hàng hoá chuyên dụng, khối lượng lớn, bao gồm: kênh nối Đáy - Ninh Cơ, cầu Đuống (trên hành lang số 1, phía Bắc), nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, các hành lang đường thuỷ và logistics khu vực phía Nam; kêu gọi đầu tư một số cảng thủy nội địa đầu mối ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng Bắc bộ. Đảm bảo khả năng kết nối và thị phần đảm nhận cao của vận tải thuỷ từ vùng đồng bằng Bắc Bộ đến bến cảng quốc tế Lạch Huyện; vùng đồng bằng sông Cửu Long đến cảng quốc tế Thị Vải - Cái Mép, vận tải ven biển.

Đầu tư các cảng biển, luồng tuyến để đảm bảo đồng bộ về quy mô và nhu cầu khai thác, như: xây dựng các bến cảng - Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng - Lạch Huyện; luồng vào cảng Cái Mép, luồng vào khu nước Cẩm Phả; xây dựng bến Liên Chiểu (cảng Đà Nẵng); đầu tư luồng hàng hải vào các bến cảng Khu vực Nghi Sơn, Thanh Hóa; cải tạo, nâng cấp một số luồng, cảng có nhu cầu vận tải lớn.

Còn hàng không sẽ tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và đầu tư giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nâng cấp, xây dựng các cảng hàng không khác theo quy hoạch và nhu cầu vận tải như: Chu Lai, Cam Ranh, Phú Quốc, Phan Thiết, Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Điện Biên…

P.V

Media
Thư viện hình ảnh

ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Địa chỉ: Số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 08049558 - Fax: 08049585

Website:www.cmsc.gov.vn

Email: ubqlv@cmsc.gov.vn

Giấy phép: Số 132/GP-TTĐT ngày 26/7/2019

Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hoặc

"cmsc.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này