Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

Đổi mới quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa (Bài 2): Kinh nghiệm thu hút nhà đầu tư chiến lược trong quá trình cổ phần hóa

20/10/2022

CMSC Trong khuôn khổ Hội nghị đổi mới quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa tổ chức, nhiều đại biểu đến từ các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban và đơn vị thành viên đã chia sẻ những bài học và kinh nghiệm đúc kết sau quá trình cổ phần hóa.

Ông Trần Tuấn Hải - Trưởng Ban Tuyên giáo - Truyền thông Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trình bày tham luận tại Hội nghị

Trình bày tham luận về “Tình hình và kết quả cổ phần hóa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC)”, ông Trần Tuấn Hải - Trưởng Ban Tuyên giáo - Truyền thông cho biết: VIMC là một trong những doanh nghiệp đầu tiên xây dựng phương án cổ phần hóa và thực hiện các thủ tục để chuyển thành công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Trong bối cảnh vừa tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, vừa thực hiện cổ phần hóa, vừa tập trung phát triển hoạt động kinh doanh nên công tác cổ phần hóa của Tổng công ty mang tính đặc thù nên quá trình cổ phần hóa Tổng công ty đã gặp phải không ít những khó khăn, vướng mắc và kéo dài thời gian thực hiện. Cụ thể, về việc xác định vốn điều lệ của công ty cổ phần, Tổng công ty đã nghiên cứu, vận dụng, thực hiện điều chỉnh số liệu sổ sách kế toán theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và căn cứ giá trị phần vốn nhà nước theo sổ sách kế toán để xác định quy mô vốn điều lệ, đảm bảo tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đều đồng thuận theo hướng xử lý như trên.

Trong công tác xây dựng phương án cổ phần hóa đảm bảo thu hút được các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần, VIMC đã tìm ra những giải pháp phù hợp và với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp theo phương án cổ phần hóa, Tổng công ty đã đạt được những kết quả nhất định. Năm 2021 là năm đầu tiên sau khi chuyển thành công ty cổ phần, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận của Tổng công ty đều tăng trưởng ấn tượng với doanh thu đạt 14.300 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2020, đạt 132% kế hoạch năm 2021; lợi nhuận đạt 3.640 tỷ đồng, tăng gấp 7,3 lần so với năm 2020, tăng gấp 3,9 lần so với kế hoạch năm 2021.

Về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, sau khi được phê duyệt Phương án cổ phần hóa, Tổng công ty đã phải khẩn trương thực hiện các thủ tục bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng nên việc lựa chọn và tổ chức đăng ký mua cổ phần của các nhà đầu tư chiến lược thực hiện trong một khoảng thời gian giới hạn, cơ hội cho các nhà đầu tư tiếp cận thông tin doanh nghiệp không nhiều nên khó có thể đưa ra quyết định cũng như thực hiện các thủ tục nội bộ để quyết định tham gia làm nhà đầu tư chiến lược. Tổng công ty đã rất nỗ lực tìm kiếm các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhưng do giới hạn về thời gian nên hết thời hạn đăng ký, chưa thu hút được các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Ủy viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trình bày tham luận tại Hội nghị

Chia sẻ về kinh nghiệm tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, ông Nguyễn Thanh Sơn - Ủy viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết: Bắt đầu từ năm 2015 Tập đoàn đã tiếp cận với một số đối tác có uy tín trong số hơn 40 đối tác thương mại kinh doanh xăng dầu lớn của thế giới và khu vực để tìm hiểu khả năng hợp tác đầu tư và góp vốn với tư cách cổ đông chiến lược khi Petrolimex cổ phần hóa.

Trong số các nhà đầu tư nước ngoài, chỉ có Tập đoàn JX Holdings, chủ sở hữu của JX Nippon Oil and Energy là cơ bản đáp ứng được các tiêu chí đặt ra. Cụ thể, JX Holdings đã quyết định sẽ đầu tư sâu vào các dự án nhà máy lọc dầu tại Indonesia và Việt Nam. Về nguồn lực tài chính, kế hoạch ngân sách năm 2015 của JX Holdings và JX Nippon Oil and Energy có số dư quỹ đầu tư phát triển khoảng 3 tỷ USD, được phân bổ cho nhiều dự án trong các lĩnh vực khai khoáng, khai thác và chế biến dầu thô, điện, năng lượng mới và phát triển thị trường hạ nguồn kinh doanh xăng dầu. Về kinh nghiệm quản trị và trình độ khoa học công nghệ, JX Nippon Oil and Energy có hơn 100 năm hình thành và phát triển, hiện đang quản lý và vận hành 07 nhà máy lọc dầu với tổng công suất là 1,3 triệu bbls/ngày (khoảng 65 triệu tấn/năm) và có 4 nhà máy hóa dầu và sản xuất dầu nhờn.

Về vị thế trên thị trường nội địa và văn hóa doanh nghiệp, JX Nippon Oil and Energy có nhiều điểm tương đồng với Petrolimex. Cả hai Tập đoàn đều có thị phần nội địa, thương hiệu mạnh nhất trong kinh doanh xăng dầu, hóa dầu; cùng có chiến lược phát triển chắc chắn thông qua các giá trị tích lũy bền vững. Bên cạnh đó, điểm nổi bật của JX Nippon Oil and Energy so với các nhà đầu tư nước ngoài khác là đồng thuận và tôn trọng vai trò chủ đạo, nhiệm vụ chính trị của Petrolimex trong việc đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong mọi tình huống bởi đây cũng chính là những vai trò JX Nippon Oil and Energy đã và đang đảm nhiệm tại thị trường Nhật bản. Với các đặc điểm trên, JX Nippon Oil and Energy hội tụ đủ các điều kiện, tiêu chí để trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Nhật Quang

Media
Thư viện hình ảnh

ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Địa chỉ: Số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 08049558 - Fax: 08049585

Website:www.cmsc.gov.vn

Email: ubqlv@cmsc.gov.vn

Giấy phép: Số 132/GP-TTĐT ngày 26/7/2019

Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hoặc

"cmsc.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này