Đường tàu nối những đường hoa
29/09/2023
Ngày 29/9/2018, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được chính thức thành lập, thực hiện quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc, trong đó có Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Bước vào “ngôi nhà chung” Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) từ năm 2019, cũng là giai đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gặp nhiều khó khăn: Sự bất ổn định về chính trị thế giới gây ra lạm phát, giá nhiên liệu tăng cao từ đó ảnh hưởng đến việc duy trì giá cước cạnh tranh với các phương tiện khác và cân đối chi phí sản xuất, kinh doanh. Diễn biến phức tạp của thiên tai, bão lũ hằng năm gây thiệt hại lớn về hạ tầng, gián đoạn hoạt động vận tải... Đặc biệt, giao thông vận tải đường sắt được đánh giá là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19 kéo dài. Thậm chí, có thời điểm, Tổng công ty phải dừng tổ chức chạy tàu trên tất cả các tuyến khiến đời sống, việc làm và thu nhập của hàng vạn công nhân lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đường sắt Việt Nam tham gia công tác tổ chức đón Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tới Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội và thăm hữu nghị chính thức Việt Nam tại cửa khẩu Ga Đồng Đăng, tháng 2/2019 |
Cùng với đó là hàng loạt khó khăn trong quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp. Đề án Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt theo Nghị định 46 hay Đề án cơ cấu lại Tổng công ty theo Quyết định 707 của Thủ tướng Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai…
Tuy nhiên, 5 năm qua (2018-2023), với tinh thần đoàn kết, sự chủ động, tích cực của Tổng công ty và sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, sự đồng hành hỗ trợ của Ủy ba, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan, cán bộ công nhân viên, người lao động ngành đường sắt đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được một số thành tựu đáng tự hào.
Trong 2 năm (2020-2021) giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình sản xuất kinh doanh, đời sống, việc làm người lao động gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần chủ động và thích ứng linh hoạt tổ chức sản xuất để đảm bảo một phần dòng tiền và doanh thu; đặc biệt là phát huy vai trò và tính ưu việt của vận tải đường sắt bằng cách tổ chức nhiều đoàn tàu chuyên biệt để đưa người dân từ phía Nam về quê, góp phần giảm tải cho công tác phòng chống dịch; đặc biệt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động, hành khách và an toàn phòng dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ ra quân dự án nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang - Sài Gòn, tháng 1/2023 |
Cùng với đó, Tổng công ty đã tổ chức nhiều đoàn tàu hàng chở miễn phí lương thực, thực phẩm, nông sản của nhân dân các tỉnh phía Bắc; vận chuyển miễn phí lực lượng y bác sĩ và trang thiết bị vật tư y tế hỗ trợ công tác phòng chống dịch các tỉnh phía Nam... chung tay cùng cả nước đẩy lùi đại dịch.
Sau đại dịch, với những chính sách hỗ trợ, kích cầu và mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, Tổng công ty đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tích cực triển khai nhiều giải pháp quan trọng để phục hồi vận tải hàng hoá, hành khách bằng đường sắt. Đối với vận tải hàng hóa, đã chủ động khai thác có hiệu quả vận tải đường sắt liên vận quốc tế với những đoàn tàu container liên vận quốc tế đi Bỉ; quá cảnh tại Trung quốc sang Nga và các nước Châu Âu... Đặc biệt, năm 2023 Tổng công ty đã khai trương hoạt động liên vận quốc tế bằng đường sắt tại ga Kép (Bắc Giang) và sắp tới là Sóng Thần (Bình Dương), Cao Xá (Hải Dương)... với mục tiêu chính là đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa, giảm thời gian thông quan hàng hóa; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao năng lực vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt.
Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh chứng kiến Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Viễn thông Mobifone |
Mới đây nhất, ngày 02/8/2023, Đường sắt Việt Nam đã tổ chức Lễ đón chuyến tàu đầu tiên chuyên tuyến Thạch Gia Trang (Trung Quốc) - Yên Viên (Việt Nam), mở ra tuyến vận chuyển mới cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp hai nước, rút ngắn thời gian vận chuyển và thuận tiện hơn trong việc thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hoá...
Đối với vận tải hành khách, cùng với việc nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, Tổng công ty thực hiện việc triển khai chính sách giá vé linh hoạt và đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch trải nghiệm bằng đường sắt như food tour Hà Nội - Hải Phòng; tàu cao cấp tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn (The Vietage)… được hành khách đón nhận.
Đặc biệt, với mục đích xây dựng không gian văn hoá tại các khu ga và ý tưởng hình thành con đường hoa dài nhất Việt Nam theo phương châm “Mỗi cung đường - Một loài hoa; Mỗi khu ga - Một điểm đến”, Tổng công ty đã phát động phong trào “Đường tàu - Đường hoa” trên khắp 34 tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua. Sau gần 6 tháng phát động, phong trào đã được nhân rộng, và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cấp chính quyền địa phương và nhân dân nơi có đường sắt đi qua. Đặc biệt, để xây dựng không gian văn hóa, tạo điểm đến “Chính quy - Văn hóa - An toàn” thu hút du khách đến với Hà Nội, mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thực hiện việc nâng cấp phòng đợi tàu có dịch vụ hỗ trợ phục vụ hành khách tại Ga Long Biên (Hỏa xa cà phê) và nhận được sự hưởng ứng, phản hồi tích cực từ phía khách hàng. Hiện Tổng công ty đang xây dựng phương án nâng cấp các ga khác trên mạng lưới đường sắt Việt Nam để đưa vào khai thác phục vụ hành khách, mục tiêu “Mỗi khu ga” sẽ thực sự trở thành “Một điểm đến” trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh tham dự Hội nghị Tổng giám đốc đường sắt các nước ASEAN lần thứ 42 |
Sự kiện tuyến đường sắt Bắc - Nam mới đây được Lonely Planet (nhà xuất bản sách du lịch nổi tiếng) bình chọn là “Tuyến đường đẹp nhất, đáng trải nghiệm nhất thế giới” là vinh dự không chỉ của riêng ngành Đường sắt mà còn là vinh dự của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Song song với các giải pháp về vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đổi mới các ga và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tổng công ty đã xây dựng và triển khai ứng dụng có hiệu quả các phần mềm như: hệ thống lõi quản trị hàng hóa; cơ báo điện tử; cải tiến hệ thống bán vé; hệ thống giám sát tập trung tại đường ngang, phòng trực ban, đầu máy; giám sát hành trình người tuần đường; số hóa kết cấu hạ tầng...
Với các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, vốn trung hạn 7.000 tỷ), đã mở thêm được 9 ga mới, nhiều ga mở thêm đường hoặc kéo dài đường ga, nâng cấp nền đường, thay ray, tà vẹt,… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty và các công ty vận tải đường sắt.
Xác định công tác đảm bảo an toàn là mục tiêu quan trọng hàng đầu, là ưu điểm của vận tải đường sắt, vì vậy, Tổng công ty đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương các cấp nơi có đường sắt đi qua triển khai thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ như: cắm biển cảnh báo “chú ý tàu hỏa” tại 3.055/3.450 lối đi; rào thu hẹp lối đi tự mở tại 1.360/1.845 vị trí; xây dựng gồ, gờ giảm tốc tại các giao cắt đường bộ - đường sắt tại 749/1.543 giao cắt; thực hiện đầu tư 382/566 công trình sửa chữa, bổ sung đầy đủ tín hiệu cho các đường ngang có người gác theo kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt, góp phần nâng cao an toàn giao thông đường sắt tại các giao cắt đường sắt - đường bộ, vốn trước đây là những điểm đen về tai nạn giao thông...
Công nhân, lao động ngành đường sắt tích cực tham gia phong trào “Đường tàu – Đường hoa” do Tổng công ty phát động |
Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, đã có lúc tưởng chừng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không thể vượt qua khi nhiều khó khăn, thách thức dồn dập: Từ cơ chế thực hiện vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm cho công tác bảo trì hạ tầng đường sắt; vận tải khách sụt giảm liên tiếp do đại dịch; công tác đầu tư; những khó khăn trong triển khai lộ trình thực hiện niên hạn đầu máy - toa xe; việc xây dựng, triển khai đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam... Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đặc biệt là sự quan tâm, đồng hành của Uỷ ban trong việc đề xuất các cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề ra các giải pháp phát huy tối đa nguồn lực của doanh nghiệp, năm 2022, Tổng công ty đã vinh dự được nhận Cờ thi đua Ủy ban. Đây là sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của tập thể hơn 2,3 vạn cán bộ công nhân viên, người lao động ngành đường sắt trong suốt thời gian qua và cũng là tiền đề để Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết tâm sáng tạo, đổi mới, tự tin vững bước trên con đường chinh phục những dấu mốc mới, đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.