Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

Cần làm chủ công nghệ khi thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

20/11/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Phát biểu thảo luận, các đại biểu bày tỏ hoàn toàn đồng tình với sự cần thiết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Về nội dung cụ thể, vấn đề được nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm cho ý kiến là công nghệ dự án.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Hiện thực hóa tuyến đường sắt tốc độ cao

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.Hồ Chí Minh) nhắc lại 15 năm trước chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao đã được thảo luận nhưng điều kiện lúc đó chưa chín muồi. Hiện nay, đất nước đã phát triển hơn, kinh tế vĩ mô ổn định… Khi đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động sẽ mang lại thuận lợi cho người dân, thu hút khách du lịch, nhà đầu tư, khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương mà đường sắt tốc độ cao đi qua, đặc biệt là các tỉnh miền trung.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, đây là phương tiện giao thông tốc độ cao nên yêu cầu kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt, không vì chi phí và nguồn thu mà bỏ qua kỹ thuật và an toàn.

Theo đại biểu, số vốn dành cho dự án lớn nên cần tập trung huy động ở trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế vay ODA. "Cùng với đó là cần huy động doanh nghiệp trong nước có chuyên môn để xây dựng dự án. Cần xây dựng ngành công nghiệp, nhân lực phụ trợ đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị"- đại biểu Trần Hoàng Ngân chỉ ra và cho rằng, trong quá trình thực hiện dự án, để giảm áp lực ngân sách nhà nước, cần quan tâm đến nguồn thu từ việc đấu đấu giá đất ở gần nhà ga, vùng phụ cận, TOD.

Tán thành với chủ trương đầu tư dự án với tinh thần "bàn làm chứ không bàn lùi", đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) nhấn mạnh, đây là xu thế phát triển đất nước, là bước chuẩn bị, đột phá chiến lược để nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển. Đồng thời đề nghị khi xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam thì cần tính toán việc khai thác các cảng hàng không, đường bộ và đường thủy không bị lãng phí.

Đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh cần có phương án triển khai, khai thác thực sự hiệu quả từ khâu lựa chọn công nghệ cho đến phân kỳ phù hợp. Đặc biệt, cần chú ý khâu tổ chức thực hiện để làm sao tránh đội vốn, bù lỗ sau này; không để đầu tư thì lớn mà khai thác không hiệu quả, phải bỏ tiền ra bù lỗ.

Doanh nghiệp trong nước đủ năng lực để nhận chuyển giao công nghệ đường sắt 

Bày tỏ sự đồng tình thông qua dự án xây dựng Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam, vì thảo mãn cả 2 điều kiện cần và đủ, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, hiện nay, tỉ lệ nợ công khá thấp 37% là dự địa tốt để huy động thêm khoảng 67 tỷ USD trong vòng 10 năm thì nợ công cũng chỉ tăng lên khoảng 45% GDP, thấp hơn trần nợ công là 60%.

Hơn nữa, việc phát triển tuyến đường sắt Bắc Nam với tốc độ cao có thể kết nối liên vận với mạng lưới đường sắt các nước trong khu vực để giải quyết nút thắt về logistíc và liên thông quốc tế.

Mặc dù rất cần thiết và đủ khả năng để đầu tư, nhưng đây là một dự án đầu tư rất lớn, có tầm quan trọng đối với sự phát triển lâu dài và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực phát triển của đất nước, do vậy cần phải được đánh giá rất kỹ, với góc nhìn đa chiều để lựa chọn được phương án phù hợp nhất. Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất đường sắt tốc độ cao Bắc Nam phải đảm nhận chức năng vận tải lưỡng dụng cả hành khách và hàng hóa (không phải chỉ vận tải hàng hóa trong trường hợp cần thiết), vì mức độ tập trung dân số dọc theo tuyến Bắc Nam chỉ bằng 1/10 tuyến Bắc Kinh-Thượng Hải, bằng ½ tuyến Đài Bắc-Cao Hùng; nên nếu chỉ chở khách thì sẽ lãng phí khoảng 50% công suất, doanh thu chỉ chở khách sẽ không đủ bù đắp chi phí vận doanh, có nguy cơ phải bù lỗ rất lớn.

Nếu không vận tải hàng hóa thì dự án tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ không giải quyết được nút thắt về logistic, không đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa dọc hành lang kinh tế Bắc Nam và không liên vận với hệ thống đường sắt quốc tế. Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng nữa cần tính đến, đó là việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để chúng ta làm chủ quá trình đầu tư và phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.

“Bài học kinh nghiệm khi triển khai thành công tuyến đường dây 500KV mạch 3 với thời gian hoàn thành thần tốc, là do chúng ta làm chủ về công nghệ, chúng ta là người trực tiếp thi công, nên có thể vượt nắng, thắng mưa, quyết tâm hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ"- đại biểu Hoàng Văn Cường nêu dẫn chứng.

Nếu kết hợp dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam với các dự án đường sắt đô thị Thủ đô Hà Nội và TP. HCM, chúng ta sẽ có một thị phần đường sắt khoảng 150 tỷ USD, là thị trường đủ lớn để nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để doanh nghiệp trong nước tự sản xuất, tự xây dựng, có chăng chỉ mua trọn gói một số bộ phận thật đặc thù, đơn chiếc như đầu máy, hệ thống điều khiển.

Đại biểu Hoàng Văn Cường tin tưởng doanh nghiệp trong nước đủ năng lực để nhận chuyển giao công nghệ đường sắt và tiếp tục nghiên cứu cải tiến, phát triển cao hơn. Làm được như thế, chúng ta không chỉ có được tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam mà nước ta còn phát triển được ngành công nghiệp đường sắt của riêng mình. Do vậy, việc chọn nhà cung cấp không cần quan tâm là nước nào, mà cần quan tâm lựa chọn công nghệ nào để có nhiều nhà cung cấp cạnh tranh sẵn sàng chuyển giao công nghệ.

Quốc hội bắt đầu họp đợt 2, thảo luận về dự án Luật Nhà giáo, dự án đường sắt tốc độ cao

Quan tâm thu hút đầu tư tư nhân trong nước

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) bày tỏ hoàn toàn đồng tình với sự cần thiết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Để dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam mang tính khả thi, đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước, đại biểu đề nghị các quy hoạch phải đảm bảo kết nối đồng bộ để việc gom và giải tỏa hàng hóa được thuận lợi, nhằm phát huy hiệu quả kết nối giữa các phương thức giao thông, giảm chi phí đi lại và chi phí logistics.

Về công nghệ, Chính phủ đã đề xuất công nghệ chạy trên ray, công nghệ đoàn tàu động lực phân tán với tàu khách, tàu hàng áp dụng công nghệ động lực tập trung, thông tin tín hiệu áp dụng như một số nước. Tuy nhiên, hiện chưa rõ công nghệ theo khung tiêu chuẩn nào? Tỷ lệ nội địa hóa là bao nhiêu?

Đại biểu đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có định hướng lựa chọn công nghệ hiện đại nhưng phải đảm bảo tính phổ quát nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn đối tác cung cấp sản phẩm và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam; đề án phát triển công nghiệp cần xây dựng lộ trình và nguồn lực cụ thể để đảm bảo việc chuyển giao và tiếp nhận công nghệ phù hợp với tiến độ dự án.

Để bảo đảm tiến độ dự án cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035 cần phải huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai dự án. Đây là dự án khó, mới, chưa có tiền lệ vì vậy cần phải đặc biệt lưu ý đến công tác thuê tư vấn quốc tế có năng lực để hỗ trợ chủ đầu tư quản lý dự án, lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra có năng lực thực sự để dự án đạt tiến độ nhanh nhất, chất lương cao nhất. Tiếp tục rà soát và đề xuất các chính sách đặc thù đặc biệt để tháo gỡ khác khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các bước tiếp theo.

Góp ý vào dự án đường sắt tốc độ cao, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) đề nghị quan tâm thu hút đầu tư tư nhân trong nước. Điều này vừa để giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển lớn mạnh, vừa để tiếp nhận và chuyển giao công nghệ nước ngoài, nội địa hóa mức tối đa, giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài.

Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, dự án thực hiện đầu tư công 100% nhưng không có nghĩa là Nhà nước thực hiện tất cả công việc. Nhà nước đặt hàng các nhà đầu tư tư nhân có năng lực trong những ngành nghề có liên quan. Ngoài ra nên thu hút các doanh nghiệp tư nhân vào làm đầu tư xây dựng nhà ga, các dịch vụ hỗ trợ khác vì họ làm rất tốt. Điều này đã thực hiện trong lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường thủy.

Trong nguồn lực huy động đầu tư cho dự án, đại biểu đề nghị phải tính đến việc huy động sức dân vì nguồn lực trong dân là rất lớn. Nếu phát hành trái phiếu với một lãi suất đủ hấp dẫn thì người dân sẵn sàng mua. Ngân sách chưa đủ thì đi vay nhưng vay trong dân thì tốt hơn vay nước ngoài vì lợi nhuận người dân sẽ hưởng. Điều quan trọng hơn cũng nhằm khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc để đóng góp vào các công trình quốc gia. 

PV (tổng hợp)

Media
Thư viện hình ảnh

ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Địa chỉ: Số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 08049558 - Fax: 08049585

Website:www.cmsc.gov.vn

Email: ubqlv@cmsc.gov.vn

Giấy phép: Số 132/GP-TTĐT ngày 26/7/2019

Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hoặc

"cmsc.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này