Cảng Hải Phòng thực hiện chuyển đổi số: Hướng tới xây dựng cảng xanh, thông minh
22/01/2024
Năm 2023, trong bối cảnh nhiều khó khăn do biến động của thị trường thế giới, ảnh hưởng đến lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng, song Cảng Hải Phòng vẫn hoàn thành thắng lợi kế hoạch doanh thu và lợi nhuận. Đóng góp vào kết quả này, có quá trình toàn đơn vị tập trung cao cho công tác chuyển đổi số phục vụ đắc lực nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh…
Toàn bộ container tại chi nhánh Tân Vũ của Cảng Hải Phòng đều được định vị dẫn hướng tự động DGPS |
Tập trung 4 giải pháp chuyển đổi số
Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng Chu Minh Hoàng cho biết, thực hiện các chương trình về chuyển đổi số của quốc gia, thành phố Hải Phòng và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Cảng Hải Phòng định hướng xây dựng thành doanh nghiệp số hóa, hướng tới mô hình cảng xanh, thông minh, hiện đại, nhằm tăng năng suất, tối ưu hóa hoạt động, tự động hóa các bước quy trình, chuyển đổi sản phẩm dịch vụ, nâng cao trải nghiệm và tăng tiện ích cho khách hàng. Để thực hiện các mục trên, Cảng Hải Phòng thực hiện chuyển đổi số tập trung vào 4 giải pháp nâng cao hiệu quả điều hành sản xuất và tối ưu hóa phục vụ khách hàng.
Tại tuyến cầu tàu, Cảng đầu tư ứng dụng chụp ảnh tự động, nhận diện tình trạng vỏ container tại tuyến cầu tàu và ứng dụng camera đầu cần trục giám sát, ghi nhận hoạt động điều hành, khai thác. Tại tuyến bãi, doanh nghiệp ứng dụng giải pháp ứng dụng hệ thống định vị dẫn hướng tự động (D.GPS) lắp đặt trên các RTG/Reach Stacker để nhận diện vị trí container. Tại tuyến cổng, ứng dụng giải pháp cổng thông minh (Smart gate) nhận dạng mã container, nhận diện biển số xe đầu kéo, rơ moóc; tích hợp với các phần mềm PL-TOS, ePort và App (Container checker) thực hiện thao tác kiểm tra và giao nhận tự động. Hệ thống này thực hiện đối với đầy đủ các tác nghiệp dịch vụ bao gồm: xuất giao thẳng, giao hàng nhập, giao rỗng, hạ hàng xuất, hạ rỗng. Nhằm chăm sóc khách hàng ngày càng tốt hơn, thuận lợi hơn, Cảng Hải Phòng thực hiện ứng dụng dịch vụ cảng điện tử (ePort), xây dựng phần mềm App Driver tương tác với khách hàng là doanh nghiệp vận tải và các lái xe vận chuyển thông qua thiết bị di động thông minh; ứng dụng hệ thống xếp hàng tự động; phần mềm chăm sóc khách hàng (CRM).
Bền bỉ tiến trình hiện đại hóa
Theo đánh giá của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Cảng Hải Phòng Phạm Hồng Minh, quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp mang lại hiệu quả cao trong điều hành sản xuất- kinh doanh, chăm sóc khách hàng ngày càng tốt hơn, thuận lợi hơn. Do đó, Cảng sẽ tiếp tục tiến trình hiện đại hóa trên nền tảng của chuyển đổi số. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Cảng Hải Phòng trong năm 2024 là đẩy mạnh thi công, tăng cường đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng bến số 3, 4 tại Lạch Huyện và đưa 2 bến này trở thành bến cảng ứng dụng công nghệ hàng đầu hiện nay. Hiện bến số 3, 4 đang được các nhà thầu thi công tích cực vượt kế hoạch tiến độ đề ra, sẵn sàng về đích trong tháng 5 năm này. Dự kiến quý 2-2025, bến số 3, 4 sẽ kết nối dữ liệu, đồng bộ với hệ thống thiết bị hiện có của Cảng Hải Phòng.
Chuyển đổi số hình thành dịch vụ cảng điện tử, cung cấp dịch vụ tiện ích cho khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến thủ tục quy trình khai thác, thanh toán điện tử và giao nhận hàng hóa theo hướng đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, giảm thời gian khách hàng trực tiếp đến giao dịch tại cảng. Từ những tiện ích này, Cảng Hải Phòng xây dựng hệ thống thanh toán điện tử, cho phép khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng. Xây dựng và làm chủ công nghệ điện toán đám mây (cloud) với các mô hình triển khai (đám mây công cộng, đám mây dùng riêng, đám mây lai) và các loại hình dịch vụ cung cấp trên đám mây khác nhau, phục vụ nhu cầu chuyển đổi số doanh nghiệp.
Ngoài ra, Cảng cũng từng bước liên kết chuyển đổi số giữa các cơ quan quản lý nhà nước (Hải quan, Cảng vụ, hoa tiêu, cơ quan Thuế…) và các tổ chức, doanh nghiệp kho bãi cảng để tạo hiệu ứng lan tỏa xã hội… Ông Chu Minh Hoàng cho rằng, để các cảng biển trên địa bàn cùng phát triển trên nền tảng chuyển đổi số, thành phố nghiên cứu phát triển hạ tầng mạng di động 5G tại khu vực cảng để ứng dụng các giải pháp cảng thông minh (Smartport) sử dụng công nghệ, hạ tầng chung của thành phố, giảm thời gian và chi phí đầu tư; xây dựng quy định và lộ trình yêu cầu tích hợp công nghệ 5G đối với các sản phẩm điện thoại di động và các thiết bị Internet vạn vật (IoT). Các doanh nghiệp cảng căn cứ để xây dựng lộ trình và triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các thiết bị khai thác để vận hành và quản lý hiệu quả, giảm nhân lực kiểm tra, giám sát, đồng thời, tích hợp sẵn kết nối và xử lý dữ liệu ngay từ khi thiết kế, xây dựng.
Đến nay, dịch vụ ePort của Cảng Hải Phòng có tới gần 3.000 khách hàng đăng ký sử dụng. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ giao dịch trên ePort lên tới gần 92%. Việc triển khai cổng thông minh (Smart gate) giúp khách hàng xây dựng kế hoạch và điều hành sản xuất chính xác, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động của cảng, các đối tác và khách hàng. Qua thời gian đưa vào ứng dụng (từ tháng 5-2023), đến nay hệ thống này tương tác với 12.474 lái xe, 1.423 doanh nghiệp vận tải, đạt tỷ lệ 94,66% số khách hàng tham gia sử dụng Smart gate, sử dụng chứng từ điện tử trên App Mobile thay thế chứng từ giấy. |