Chi bộ Vụ Công nghiệp sinh hoạt chuyên đề về nguồn tại Thừa Thiên Huế
18/05/2024
CMSC Trong 2 ngày 17-18/5, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Chi bộ Vụ Công nghiệp (Đảng bộ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”. Đây là hoạt động nằm trong chương trình kế hoạch năm 2024 nhằm đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, hướng tới kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024).
Tham dự sinh hoạt chuyên đề có đồng chí Nguyễn Thành Công – Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Cơ quan Ủy ban, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp cùng toàn thể đảng viên, quần chúng và cán bộ hỗ trợ đang công tác tại Vụ Công nghiệp.
Chương trình sinh hoạt chuyên đề được tổ chức thông qua hoạt động về nguồn tham quan một số khu di tích lịch sử cách mạng, khu di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Mình tại Tỉnh Thừa Thiên Huế như: Bảo tàng Hồ Chí MinhThừa Thiên Huế, các di tích lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình ở Thừa Thiên Huế; khu lưu niệm nhà ở cụ Phan Bội Châu, khu di tích lịch sử quốc gia Địa đạo Khu ủy Trị thiên Huế.
Điểm đến đầu tiên trong hành trình về nguồn là Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế tại Thành phố Huế, nơi trưng bày hơn 1.300 hình ảnh, tư liệu và hiện vật quý về cuộc sống và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những hình ảnh sự kiện đặc thù về thời niên thiếu của Người trong thời gian sống với gia đình và học tập tại Thừa Thiên Huế những năm từ 1895 đến 1901 và từ 1906 đến 1909.
Cán bộ, đảng viên Chi bộ Vụ Công nghiệp tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế |
Nội dung trưng bày của Bảo tàng Hồ Chí Minh góp phần làm sáng rõ những vấn đề gắn bó giữa cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc và thời đại. Những di sản mà Bác Hồ và gia đình để lại trên mảnh đất Thừa Thiên Huế là tài sản vô giá mà bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị, nhằm góp phần đưa tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào cuộc sống, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Nhiều cơ quan, trường học tại địa bàn Thành phố Huế tổ chức lễ báo công dâng Bác tại Bảo tàng.
Cán bộ, đảng viên Chi bộ Vụ Công nghiệp tham quan những hình ảnh, tư liệu và hiện vật quý về cuộc sống và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế |
Điểm đến tiếp theo của hành trình, đoàn đã tới thăm và dâng hương tưởng nhớ Bác tại Nhà Lưu niệm Bác Hồ nằm trong cụm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), cách thành phố Huế 7km, một làng quê sầm uất, gìàu truyền thống lịch sử - văn hóa. Đây cũng là một “địa chỉ đỏ”, địa điểm về nguồn, giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân.
Cán bộ, đảng viên Chi bộ Vụ Công nghiệp thăm nhà lưu niệm nơi Bác Hồ và gia đình đã ở từ năm 1898 đến 1900 tại làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, H. Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Dương Nỗ là ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sinh sống từ năm 1898 đến năm 1900, khi Người cùng với anh trai theo cha về dạy học ở nơi đây. Tại lớp dạy học chữ Hán của cha, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã được học những nét chữ Hán đầu tiên, đó chính là nền móng cho nền học vấn của Người. Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ là một ngôi nhà tranh đơn sơ, gồm ba gian, hai chái, vách ghép ván gỗ; đồ đạc trong nhà rất đơn sơ, giản dị.
Những đồ đạc đơn sơ, giản dị trong Nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Dương Nỗ |
Thời gian sống ở làng Dương Nỗ, một làng quê yên ả, thanh bình, giàu truyền thống văn hóa, Nguyễn Sinh Cung có điều kiện hòa nhập với đời sống cộng đồng làng xã, được đùm bọc bởi tình cảm yêu thương chan hòa, nhân hậu và bao dung của những người dân quê chất phác, thủy chung, được chứng kiến cuộc sống lao động cần cù của những người nông dân mộc mạc. Chính những điều này đã góp phần hình thành nên tình yêu quê hương đất nước sâu nặng của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Sau khi thăm và dâng hương tưởng nhớ Bác tại nhà lưu niệm Bác Hồ, đoàn đã tới tham quan Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu tại Thành phố Huế, đây là nơi cụ Phan Bội Châu sống trong sự giam lỏng của thực dân Pháp cho đến những giây phút cuối đời.
Cán bộ, đảng viên Chi bộ Vụ Công nghiệp dâng hương tưởng nhớ Bác tại Nhà lưu niệm Bác Hồ |
Phan Bội Châu (1867 - 1940) là nhà yêu nước, nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX, cụ được gọi với cái tên thân thương “Ông già bến Ngự”. Tên tuổi, con người, tác phẩm và những hoạt động của Cụ Phan Bội Châu đã cổ vũ rất lớn tinh thần yêu nước của quần chúng nhân dân. Sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, năm 1925 Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc) và bị thực dân Pháp giam ở Hỏa Lò (Hà Nội). Trước phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước đòi ân xá cho Cụ, thực dân Pháp buộc phải đưa Cụ về giam lỏng tại Huế 15 năm (1925-1940).
Tại khu di tích trưng bày khoảng 150 hiện vật, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của cụ Phan Bội Châu ghi lại những bước chân trên con đường vận động cứu nước và cũng là nơi nhà chí sĩ đã sống qua những năm tháng cuối đời. Các di tích lưu niệm Phan Bội Châu ngày nay vẫn được bảo tồn và phát huy giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa và là một di sản vô cùng quý giá.
Cán bộ, đảng viên Chi bộ Vụ Công nghiệp thăm nhà ở của Cụ Phan Bội Châu tại TP Huế |
Điểm đến cuối cùng trong hành trình về nguồn của đoàn là Địa đạo Khu uỷ Trị Thiên Huế nằm ở khu vực Khe Trái, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tháng 8 năm 1967, địa đạo khởi công xây dựng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tư Minh - Phó Bí thư Khu ủy, Bí thư Thành ủy Huế chỉ huy mặt trận và đồng chí Đặng Kinh - Phó Tư lệnh quân khu, Ủyviên thường vụ Khu ủy. Địa đạo là cơ quan đầu não của Khu ủy Trị Thiên, Thành ủy Huế chỉ đạo mọi hoạt động của lực lượng quân giải phóng trước và sau cuộc tấn công mùa Xuân năm 1968. Ngoài trọng trách là cơ quan chỉ huy tối cao trên chiến trường Trị Thiên Huế, còn là cầu nối ý đồ chiến lược của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng. Tại địa đạo đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng đi đến những quyết định đúng đắn, góp phần to lớn vào sự thành công của chiến dịch Xuân 68 tại địa bàn Thừa Thiên Huế, cùng với những thắng lợi trên chiến trường giáng những đòn chí mạng buộc đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phải ngồi vào bàn đàm phán tại Paris. Thắng lợi lịch sử xuân Mậu Thân 1968 làm nức lòng đồng bào cả nước và bè bạn quốc tế mà ở đó có sự đóng góp xứng đáng của quân và dân Trị Thiên Huế anh hùng.
Tới thăm quan địa đạo, mỗi cán bộ đảng viên Chi bộ có nhiều cảm xúc và tiếp thu được rất nhiều điều bổ ích, giác ngộ hơn nữa về sức mạnh, thế trận chiến tranh nhân dân và nghệ thuật chiến tranh nhân dân của quân đội ta.
Thông qua chương trình sinh hoạt chuyên đề về nguồn năm 2024, các cán bộ, đảng viên trong Chi bộ thêm thấm nhuần lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, bản lĩnh chính trị luôn kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, Hiến pháp và pháp luật Nhà nước. Thúc đẩy, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ “học tập” sang “làm theo” Bác, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người ngày càng thấm sâu vào đời sống, trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên trong Chi bộ góp phần phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2024.