Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

Chi bộ Vụ Năng lượng sinh hoạt chuyên đề quý II năm 2024

09/06/2024

CMSC Trong 2 ngày 7-8/6, tại tỉnh Hòa Bình, Chi bộ Vụ Năng lượng (Đảng bộ cơ quan Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tìm hiểu lịch sử vẻ vang hào hùng của Nhà máy thủy điện Hòa Bình - công trình thế kỷ của Việt Nam”. Đây là hoạt động nằm trong chương trình kế hoạch năm 2024 nhằm tăng cường công tác giáo dục, nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn thể cán bộ, đảng viên.

Đồng chí Hà Văn Thắng - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Cơ quan Ủy ban, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (giữa) cùng các đảng viên Chi bộ Vụ Năng lượng dâng hương tại Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tham dự sinh hoạt chuyên đề có đồng chí Hà Văn Thắng - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Cơ quan Ủy ban, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Năng lượng cùng toàn thể đảng viên và cán bộ hỗ trợ đang công tác tại Vụ Năng lượng.

Chương trình sinh hoạt chuyên đề được tổ chức thông qua hoạt động dâng hương tại Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan nhà truyền thống thủy điện Hòa Bình, nơi lưu giữ bức thư gửi thế hệ mai sau, công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình và buổi tọa đàm sinh hoạt Đảng, quán triệt nội dung học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là các nội dung trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”.

Điểm đến đầu tiên là Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn đã dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người dành trọn đời mình đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc.

Tượng đài Bác Hồ tọa lạc trên đỉnh đồi ông Tượng, ôm trọn không gian Nhà máy thủy điện Hòa Bình bên dòng sông Đà. Tượng đài Bác Hồ trên công trình thủy điện Hòa Bình xuất phát từ sự kiện Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong chuyến thăm, Bác đã ghé thăm trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa, nay thuộc địa phận xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình. Lúc Bác đến đang vào mùa nước lũ, nhân dân đã làm bè mảng lớn để đưa Bác qua sông. Đứng trên mảng, Bác chỉ tay xuống dòng sông Đà và nói “Sau này nước nhà thống nhất, chúng ta phải chinh phục dòng sông này để ngăn lũ, phục vụ lợi ích nhân dân”.

Các đảng viên Chi bộ Vụ Năng lượng chụp hình lưu niệm tại Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sau khi dâng hương tưởng nhớ Bác, đoàn đã tới tham quan Nhà truyền thống thủy điện Hòa Bình. Nơi đây trưng bày và lưu giữ tài liệu, hiện vật liên quan đến quá trình xây dựng, hình thành Nhà máy thủy điện Hòa Bình.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, năm 1960, Đảng ta xác định, cùng một lúc, cách mạng Việt Nam phải tiến hành song song hai nhiệm vụ chiến lược: giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đối với sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Đảng ta ý thức rõ: Muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội thì “Điện khí hóa” phải đi trước một bước. Để tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của đất nước, kinh nghiệm kinh tế – kỹ thuật của Liên Xô xây dựng thủy điện là phương án kinh tế có khả thi nhất. Chính vì lẽ đó Đảng, Nhà nước đã quan tâm tiến hành điều tra, khảo sát, lập luận chứng kinh tế kỹ thuật tạo tiền để xây dựng công trình.

Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Thủy lợi khảo sát, nghiên cứu địa chất toàn bộ lưu vực sông Đà và lựa chọn xây dựng công trình đầu mối thủy lực đầu tiên tại đoạn sông Đà chảy qua (thành phố Hoà Bình hiện nay) trong sơ đồ bậc thang thủy điện trên sông Đà.

Các đảng viên Chi bộ Vụ Năng lượng chụp hình lưu niệm tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình

Hiện thực hóa chủ trương đó, vào đúng dịp Quốc khánh 2/9/1971, trên dòng sông Đà, chiếc máy khoan khảo sát địa chất của Liên Xô lắp đặt tại hố khoan số 1 ở lòng sông tuyến đập bắt đầu những mũi khoan đầu tiên, đặt dấu ấn khởi đầu cho ý tưởng chinh phục dòng sông Đà. Năm 1978, Chính phủ phê duyệt Tổng quan sông Đà, quyết định lựa chọn tuyến Hòa Bình dưới mực nước dâng 115m làm bậc thang 1 xây dựng trước, phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình Thủy điện Hòa Bình, chọn nhà máy thủy điện ngầm. Tháng 7/1979, luận chứng cơ sở kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình do Liên Xô lập được phê duyệt.

Đúng 10 giờ ngày 6/11/1979, đồng chí Lê Thanh Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ phát lệnh nổ mìn, khởi công xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình, sự kiện đặc biệt quan trọng, cả đất nước dồn lực cho công trường Thủy điện Hòa Bình.

Các đảng viên Chi bộ Vụ Năng lượng chụp hình lưu niệm tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình

Trên đường đến Nhà máy, Chi bộ Vụ Năng lượng đã thăm Đài tưởng niệm 168 người đã ngã xuống vì dòng điện của Tổ quốc - biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô.

Đài tưởng niệm cách công trình Thủy điện Hòa Bình về phía hạ lưu sông Đà khoảng 300 m. Nơi đây đặt trang trọng 168 tấm bia đá ghi danh 168 “người lính” sông Đà đã hy sinh trong quá trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Họ hầu hết đều còn rất trẻ, có người chỉ vừa mới bước sang tuổi 20. Ngày 19/12 hàng năm được chọn là ngày giỗ chung của họ. Đó là ngày tưởng niệm cho những hy sinh vì dòng điện của Tổ quốc, ngày tri ân 168 con người với những cái chết đã hóa thành bất tử.

Tại buổi sinh hoạt, đồng chí Bí thư Chi bộ đã chủ trì, điều hành nội dung chương trình; phổ biến, quán triệt nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là các nội dung trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, về dũng khí tự phê bình và phê bình, sửa chữa những khuyết điểm và sai lầm, về bệnh chủ quan, chống thói ba hoa…

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị lý luận, mà còn có giá trị thực tiễn sâu sắc trong việc xây dựng hệ giá trị chuẩn mực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục chương trình, đoàn được xem bộ phim tài liệu về quá trình hình thành, xây dựng, phát triển Nhà máy. Các đảng viên đã thảo luận sôi nổi các nội dung chương trình, các ý kiến tham gia của Lãnh đạo Nhà máy và thực hiện hỏi đáp, tìm hiểu những câu chuyện thú vị, chưa từng được biết đến về công trình của thế kỷ 20 này.

Các đảng viên Chi bộ Vụ Năng lượng chụp hình lưu niệm tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình

Thủy điện Hòa Bình đã từng là Nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á từ năm 1994 cho đến khi kỉ lục này bị phá vỡ bởi Nhà máy thủy điện Sơn La, khánh thành vào năm 2012. Dù vậy, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình vẫn là công trình có giá trị lịch sử hết sức to lớn đối với nhân dân Việt Nam, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội và quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Theo ông Phạm Văn Vương - Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình là công trình thủy điện lớn thứ hai ở Việt Nam và cũng là một trong những công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Nhiều năm liên tục là nguồn điện chủ lực của hệ thống điện quốc gia, đảm nhận vai trò chính trong việc điều chỉnh tần số và điện áp của hệ thống điện quốc gia, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Các đảng viên Chi bộ Vụ Năng lượng tham gia sinh hoạt chuyên đề

Công trình Thủy điện Hòa Bình là thành quả của chủ trương đúng đắn thực hiện mục tiêu “điện khí hóa” của Đảng và Nhà nước, thành quả ý chí tinh thần lao động sáng tạo, bền bỉ với nỗ lực cao độ của cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động và đội ngũ chuyên gia nước bạn đã làm nên những mốc son lịch sử mang dấu ấn thời đại. Như lời của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước khẳng định: “Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mãi mãi là biểu tượng lao động sáng tạo của nhân dân ta, tượng trưng cho tình hữu nghị bền vững và sự hợp tác thành công giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Cộng hòa Liên bang Nga và các nước cộng hòa khác trong Liên bang Xô Viết trước đây”.

Tham gia sinh hoạt chuyên đề, mỗi đảng viên Chi bộ Vụ Năng lượng thấm nhuần những tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, rút ra những bài học sâu sắc cho bản thân qua tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác. Tận mắt chứng kiến sự kỳ vĩ của công trình thủy điện Hòa Bình, mỗi đảng viên Chi bộ Vụ Năng lượng cảm nhận được sự tự hào con dân đất Việt, thấy rõ sự tài giỏi, sức mạnh phi thường của con người trong chế ngự thiên nhiên, nhận thức rõ sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng ta trong công cuộc xây dựng nền kinh tế xã hội phát triển, đẩy mạnh Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế do hậu quả của chiến tranh để lại. Qua đó, mỗi cán bộ đảng viên Chi bộ Vụ Năng lượng đều thấy vinh dự và tự hào khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng; đồng thời nhận thức được trọng trách của bản thân để tiếp tục đoàn kết, lao động sáng tạo, thi đua công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2024.

PV

Media
Thư viện hình ảnh

ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Địa chỉ: Số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 08049558 - Fax: 08049585

Website:www.cmsc.gov.vn

Email: ubqlv@cmsc.gov.vn

Giấy phép: Số 132/GP-TTĐT ngày 26/7/2019

Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hoặc

"cmsc.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này