Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021-2025 của EVN
27/04/2024
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 26/4/2024 phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Kế hoạch đưa ra mục tiêu, phát triển EVN thành tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư vào các doanh nghiệp khác; hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu nhà nước giao. Góp phần chính trong nhiệm vụ bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân với giá điện hợp lý, đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại Tập đoàn.
Chính phủ giao EVN chỉ đạo công tác vận hành hệ thống điện quốc gia với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định, hiệu quả, đúng quy định, đảm bảo an ninh cung cấp điện. Thực hiện nhiệm vụ chính trị giữ vai trò chính trong bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.
Đầu tư phát triển các dự án nguồn điện và lưới điện được giao theo Quy hoạch phát triển điện lực và các khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư, nhất là các công trình quan trọng, trọng điểm, cấp bách như Dự án đường dây 500kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên); xây dựng lưới điện thông minh, hiệu quả đồng bộ với nguồn điện và cung cấp điện cho phụ tải. Đồng thời đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình điện.
Thực hiện các nhiệm vụ được giao về đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển và vận hành thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam theo các cấp độ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; sớm triển khai và thúc đẩy vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Thực hiện đề án cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao từ khâu truyền tải tới khâu phân phối. Đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân khoảng 7%/năm
Quyết định cũng nêu kế hoạch triển khai các lĩnh vực cụ thể, bao gồm: Cung ứng điện; đầu tư phát triển nguồn điện; đầu tư phát triển lưới điện; đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo.
Lĩnh vực cung ứng điện: Đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 7%/năm (trong đó, giai đoạn năm 2022 - 2025 tăng khoảng 7,82%/năm). Chuẩn bị phương án để có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm cao hơn.
Lĩnh vực đầu tư phát triển nguồn điện: Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643MW và 150MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I, Thủy điện Trị An mở rộng, Thủy điện tích năng Bác Ái và Điện mặt trời Phước Thái 2, 3.
Đưa vào vận hành 4 dự án nguồn điện với tổng công suất 840MW và 150MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng và Điện mặt trời Phước Thái 2, 3.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện trọng điểm để đưa vào phát điện 6 dự án trong giai đoạn 2026 - 2030 với tổng công suất khoảng 5.803MW gồm: Nhiệt điện Quảng Trạch I, Thủy điện Trị An MR; Nhiệt điện Dung Quất I&III, LNG Quảng Trạch II, Thủy điện tích năng Bắc Ái.
Triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư mở rộng các nhà máy thuỷ điện hiện hữu, các nhà máy thủy điện tích năng và các dự án nguồn điện sử dụng khí hoá lỏng theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu bổ sung các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi, mở rộng các nhà máy thủy điện hiện hữu còn lại (Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát), nhà máy thủy điện cột nước thấp… để có đủ cơ sở báo cáo các cấp thẩm quyền xem xét, chấp thuận đưa vào Quy hoạch/Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Lĩnh vực đầu tư phát triển lưới điện: Đầu tư các công trình lưới điện 500 - 220kV được giao trong Quy hoạch điện VIII. Hoàn thành đưa vào vận hành 225 công trình lưới điện truyền tải 500 - 220kV với tổng chiều dài khoảng 10.500km và tổng dung lượng khoảng 63.000MVA; trong đó tập trung hoàn thành công trình trọng điểm Dự án đường dây 500kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) trong năm 2024.
Lĩnh vực đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo: Triển khai đầu tư các dự án cấp điện nông thôn tại các địa phương được giao trong Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp mục tiêu Chương trình và khả năng bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2025.
Tiếp tục bố trí các nguồn vốn để cải tạo, mở rộng lưới điện hiện hữu, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng, đáp ứng yêu cầu sử dụng điện của người dân và các doanh nghiệp.
Các chỉ tiêu chủ yếu trong sản xuất kinh doanh 5 năm 2021-2025 của EVN: - Điện sản xuất và mua: 1.404.891 triệu kWh - Điện thương phẩm: 1.288.064kWh - Tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối: Phấn đấu giảm còn 6% vào năm 2025... |