Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận về các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh
10/03/2023
CMSC Chiều 10/3, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của tỉnh Ninh Thuận do đồng chí Nguyễn Đức Thanh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận dẫn đầu.
Cùng tiếp có đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Văn phòng, Vụ Năng lượng và Vụ Công nghệ và Hạ tầng (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp). Về phía đoàn công tác tỉnh Ninh Thuận có đồng chí Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phan Tấn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các Sở ngành địa phương.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Thanh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận cho biết: Về định hướng phát triển, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỷ 2021 - 2025 và định hướng Quy hoạch tỉnh, trong đó xác định vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp, trong đó có phát triển các ngành công nghiệp luyện kim. Nơi đây đang triển khai một số dự án quy mô lớn như: Khu Công nghiệp Cà Ná, Khu công nghiệp Phước Nam, Trung tâm điện lực LNG Cà Ná quy mô 6.000MW, Cảng biển tổng hợp Cà Ná khả năng tiếp nhận tàu 300.000 tấn, ngoài ra đang kêu gọi đầu tư Dự án Cảng cạn và Trung tâm dịch vụ Logistics.
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận phát biểu tại buổi làm việc |
Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận tháng 4/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phát triển vùng trọng điểm công nghiệp phía Nam, nhất là ngành cơ khí, luyện kim gắn với sản xuất năng lượng tái tạo tại chỗ để phục vụ công nghiệp, kết nối với khu vực khai thác quặng boxit Tây Nguyên về cảng Cả Ná, hướng đến hình thành Trung tâm luyện nhôm tại chỗ.
Theo đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Cảng biển tổng hợp Cà Ná là bến cảng nước sâu của khu vực Nam Trung bộ, có quy mô 17 bến, khả năng tiếp nhận tàu 300.000 tấn, đưa hàng hóa qua Cảng khoảng 3 triệu tấn vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 5 triệu tấn, hưởng đến là cảng trung chuyển quốc tế. Hiện tỉnh đã hoàn thành đưa vào hoạt động bến 1A, đang triển khai bến IB, có khả năng tiếp nhận tàu 100.000 tấn, xúc tiến đầu tư cụm cảng (giai đoạn 2) phục vụ cho tàu 300.000 tấn, có lợi thế gần đường hàng hải quốc tế (3 hải lý) thuận lợi vận chuyển, xuất nhập khẩu.
Về hạ tầng giao thông kết nối, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai thực hiện tuyến đường từ Cảng Cà Ná đến nút giao cao tốc Bắc Nam và đang tiếp tục xúc tiến đầu tư xây dựng tuyến đường động lực kết nối Cảng tổng hợp Cà Ná lên khu vực Nam Tây Nguyên, thuận lợi vận chuyển boxit Tân Rai, Nhân Cơ về Cảng Cà Ná. Về hạ tầng khu công nghiệp Cà Ná, tại khu vực phía nam, quy hoạch Khu công nghiệp Cà Ná có quy mô 827ha, trước mặt triển khai hạ tầng khu công nghiệp giai đoạn 1 là 378ha, là một trong 4 khu công nghiệp trọng điểm của Tỉnh, trong đó có quy hoạch dành quỹ đất rất lớn để phát triển ngành luyện kim. Khu công nghiệp Cà Ná sát Cảng biển tổng hợp Cà Ná, tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất ra Cảng và xuất khẩu, có thể vận chuyển các mặt hàng siêu trường, siêu trọng.
Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuân cho biết: Hiện nay, nguồn năng lượng tái tạo của tỉnh rất lớn, phía nam tỉnh có nguồn điện hơn 1.200MW đã phát điện, đang triển khai Trung tâm điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1 có công suất 1.500 MW, hướng đến sử dụng năng lượng tự tiêu tại chỗ cho các nhà máy công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp luyện kim sử dụng nhiều điện bằng năng lượng tái tạo tự tiêu, sẽ tiết kiệm được chi phí, hạ giá thành sản xuất hướng đến công nghiệp xanh theo cam kết COP-26.
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh bày tỏ mong muốn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban xúc tiến cơ hội đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại buổi làm việc |
Hoan nghênh mong muốn hợp tác của tỉnh Ninh Thuận, phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá: Ninh Thuận có vị trí quan trọng nằm ven biển duyên hải Nam Trung bộ, cửa ngõ vùng Đông Nam bộ; là địa phương có diện tích rộng, dân số thưa; vùng đất cách mạng, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, bản sắc; giàu tiềm năng, thế mạnh và nhiều dư địa phát triển, nhất là về phát triển du lịch; phát triển năng lượng tái tạo gồm cả điện gió và điện mặt trời do có tốc độ gió và số ngày nắng trong năm cao nhất cả nước; phát triển công nghiệp phụ trợ... Trải qua 30 xây dựng và phát triển, Ninh Thuận đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là những thành tựu có được trong khó khăn, thách thức của năm 2021 và quý I-2022. Tiềm lực kinh tế của tỉnh có chuyển biến tích cực, góp phần ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.
Thông tin tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh cho biết: Về các Dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ để hoàn thành trong thời gian vừa qua, Dự án Nhà máy thuỷ điện tích năng Bắc Ái đã hoàn thành giai đoạn 1, xây dựng cụm công trình cửa xả và hạng mục liên quan để đồng bộ với tiến độ tích nước của dự án thuỷ lợi Tân Mỹ trên dòng sông Cái. Dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1 đã hoàn thành và phát điện vào tháng 7/2020. Dự án Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân đã hoàn thành đóng điện vào tháng 12/2022. Dự án đường dây 220kV Ninh phước - Thuận Nam đã chuẩn bị đóng điện.
Về các Dự án EVN đang triển khai và mong muốn UBND tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng, tại Dự án Nhà máy thuỷ điện tích năng Bắc Ái - Giai đoạn 2, hiện nay, EVN đang trình Bộ Công Thương phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự án; dự kiến triển khai Dự án vào năm 2024, sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án giá. Về Dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2,3, hiện nay, EVN đang trình Bộ Công Thương phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Dự án Đường dây 220kV Nha Trang – Tháp Chăm đang vướng mắc nhiều về giải phóng mặt bằng. Nhân dịp này, thay mặt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh kiến nghị đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Thuận chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ cho EVN trong công tác giải phóng mặt bằng, để dự án đạt tiến độ theo quy định.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết: Thời gian qua, xác định xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng là một trong những công tác trọng tâm, trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo nhằm hỗ trợ và thúc đẩy địa phương phát triển hạ tầng chiến lược.
Vào tháng 9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1121/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại Sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và Sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Trên cơ sở kết quả rà soát, nghiên cứu bổ sung, các đơn vị đã đề xuất bổ sung quy hoạch 2 Cảng hàng không Thành Sơn và Biên Hòa trong Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước đó, Sân bay quân sự Thành Sơn được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghiên cứu chuyển sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng (quân sự kết hợp với dân dụng) để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Thuận.
Về hệ thống hạ tầng đường sắt, ngay từ đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã dự lễ ra quân triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn đường sắt Nha Trang - Sài Gòn tại khu vực ga Tháp Chàm (TP. Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận). Dự án này có tổng mức đầu tư 1.098 tỷ đồng; điểm đầu tại ga Nha Trang (Km 1314 +930) đến điểm cuối tại ga Sài Gòn (Km 1726 +200) với tổng chiều dài 411km; quy mô đầu tư cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia khổ 1m với các hạng mục: Cải tạo 4 cầu yếu trên tuyến; cải tạo kiến trúc tầng trên (thay ray, tà vẹt...) 9 đoạn với chiều dài 87km, bảo đảm tốc độ thiết kế Vmax = 100km/giờ; cải tạo, sửa chữa ga hàng Sóng Thần, nhằm đáp ứng yêu cầu vận tải đến năm 2030 đạt công suất xếp dỡ hàng hóa hơn 2,1 triệu tấn/năm; xây dựng mới kết hợp cải tạo đường ga và công trình đồng bộ tại ga hành khách Dĩ An, nhằm tạo thuận lợi trong việc tổ chức và nâng cao dịch vụ vận tải. Dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian thực hiện từ năm 2022-2025.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh bày tỏ mong muốn tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tạo điều kiện cho các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới.