Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh thăm và làm việc với Tổng công ty Cà phê Việt Nam và Tổng công ty Lương thực miền Nam

30/09/2024

CMSC Chiều 30/9, tại TP. Hồ Chí Minh, đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II).

Cùng tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ, Vụ Nông nghiệp và Văn phòng Ủy ban.

Về phía Vinacafe, có đồng chí Nguyễn Tiến Dũng – Thành viên phụ trách Hội đồng thành viên, đồng chí Đặng Hoàng Tuấn – Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, cùng các Thành viên Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc của Tổng công ty.

Về phía Vinafood II, có đồng chí Nguyễn Huy Hưng – Chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng chí Trần Tấn Đức – Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, cùng các Thành viên Hội đồng quản trị, Ban Điều hành của Tổng công ty.

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Tiến Dũng – Thành viên phụ trách Hội đồng thành viên Vinacafe cho biết: Tổng công ty thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 được Ủy ban giao trong điều kiện giá cà phê tăng cao mang lại cơ hội lớn cho ngành cà phê nói chung và Tổng công ty nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh sự thuận lợi của giá cà phê tăng cao thì trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2024, do tác động của biến đổi khí hậu, khu vực Tây Nguyên trải qua giai đoạn nắng nóng kéo dài làm tăng chi phí tưới nước, đặc biệt là các tỉnh Gia Lai và Kon Tum thiếu hụt nguồn nước tưới, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, đặc biệt là vườn cây cà phê trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng – Thành viên phụ trách Hội đồng thành viên Vinacafe báo cáo tại buổi làm việc

Về tình hình sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu hợp nhất là của Vinacafe đạt 1.579 tỷ đồng; trong đó, Công ty mẹ đạt 988 tỷ đồng, bằng 107% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hợp nhất đạt 10,6 tỷ đồng; trong đó, Công ty mẹ đạt 4,6 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 63 tỷ đồng; trong đó, Công ty mẹ đạt 13,5 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh thương mại dịch vụ 9 tháng đầu năm 2024, trong dịch vụ chế biến qua kho, Trung tâm xuất nhập khẩu Vinacafe đã thực hiện chế biến dịch vụ với số lượng 13,415 tấn. Trong kinh doanh phân bón, số lượng tiêu thụ đạt 15.511 tấn, bằng 121,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong kinh doanh cà phê nội địa, số lượng tiêu thụ đạt 6.257 tấn. Tiêu thụ cả phê rang xay và cà phê hòa tan với số lượng đạt 283,37 tấn/500 tấn, đạt 56,67% so với kế hoạch năm, đạt 2397% so với cùng kỳ năm trươc. Tổng công ty đang tập trung vào các hoạt động thiết kế và phát triển hình ảnh thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì nhãn mác các sản phẩm cà phê chế biến sâu.

Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng triển khai thiết kế logo thương hiệu Vinacafe, thiết kế nhãn hiệu sản phẩm Vietnam Coffee, thiết kế bao bì các sản phẩm cà phê chế biến sâu; xây dựng tài liệu về chiến lược phát triển và định hình bản sắc nhãn hiệu sản phẩm Vietnam Coffee; đồng thời, xây dựng bộ nhận diện cho thương hiệu Vinacafe và nhãn hiệu Vietnam Coffee. Tổng công ty cũng đã hoàn thiện nghiên cứu thị trường về tiềm năng ngành hàng cà phê tại Việt Nam, truy xuất dữ liệu trên kênh thương mại điện tử E-Commerce và hoàn thành các chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế như Tiêu chuẩn của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Chứng nhận lưu hành tự do (CFS) để đưa sản phẩm cà phê nhân xanh cũng như chế biến sâu của Tổng công ty ra thị trường quốc tế. Vinacafe cũng triển khai xây dựng Kế hoạch tổng thể chung để truyền thông, bán hàng, xây dựng hệ thống phân phối tất cả các sản phẩm cà phê chế biến sâu nhãn hiệu Vietnam Coffee. Với 1.000 điểm bán hàng, 19 nhà phân phối trên cả nước, sản phẩm cà phê của Tổng công ty đang được quảng bá, giới thiệu rộng rãi tới khách hàng trong nước. Dự kiến từ nay tới cuối năm 2024 sẽ đẩy mạnh chiến lược quảng bá, giới thiệu Bộ nhận diện các sản phẩm và nhãn hiệu mới; tăng cường tiêu thụ ở các thị trường có nhu cầu lớn mà Tổng công ty đã đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu Vietnam Coffee tại 5 quốc gia, bao gồm Mỹ, Hàn, Nhật, Úc và Trung Quốc. Mục tiêu của việc đăng ký này là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm của Vinacafe.

Về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn, tồn tại qua nhiều thời kỳ sắp xếp, đổi mới; tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Vinacafe đã triển khai tái cơ cấu thành công tại Công ty cổ phần Vinacafe miền Bắc và từng bước tái cơ cấu tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu cà phê Đà Lạt.

Đồng chí Nguyễn Huy Hưng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafood II báo cáo tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Huy Hưng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafood II cho biết: Từ khi chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần đến năm 2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty gặp rất nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh thua lỗ (năm 2020 lỗ 244,6 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 273,2 tỷ đồng, lũy kế đến ngày 31/12/2021 lỗ 2.651 tỷ đồng chiếm 53%/vốn điều lệ), mất năng lực cạnh tranh trên thị trường lúa gạo, tỉnh hình tài chính khó khăn, âm vốn lưu động, các tổ chức tín dụng đã cắt giảm hạn mức, một số ngân hàng đã siết chặt điều kiện giải ngân, hoặc ngừng giải ngân, chấm dứt hợp đồng tín dụng dẫn đến thiếu vốn kinh doanh, thiếu dòng tiền trả nợ vay khiến cho tỉnh hình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Tổng công ty bế tắc trong từng thời điểm.

Năm 2022, sau khi kiện toàn chức danh người đứng đầu, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện pháp luật, tập thể cấp ủy, Hội đồng quản trị, Ban Điều hành Vinafood II đã đoàn kết, đồng lòng và quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao bằng nhiều giải pháp, lãnh đạo, quản trị và điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn trong công tác tái cơ cấu tổ chức bộ máy và sắp xếp cán bộ, nổi bật là đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo các cấp của Tổng công ty, cùng với sự ủng hộ của cổ đông chiến lược và sự đồng thuận cao của Ban Điều hành Tổng công ty, Vinafood II đã ngăn chặn được đà thua lỗ và hoạt động kinh doanh có lãi từ năm 2022 đến nay (năm 2022 lãi 91,3 tỷ đồng, năm 2023 lãi 122,1 tỷ đồng).

Năm 2024, Tổng công ty tiếp tục bám sát kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã được chủ sở hữu, Đại hội đồng cổ đông thông qua, thực hiện nhiều giải pháp trong quản trị điều hành sản xuất, kinh doanh, đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực. Về kết quả sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024, Vinafood II đã mua vào 1.057.623 tấn gạo, xuất khẩu 706.765 tấn gạo, bán ra thị trường nội địa 205.841 tấn gạo. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 427 triệu USD; Doanh thu đạt hơn 16.000 tỷ đồng; Nộp ngân sách nhà nước hơn 123 tỷ đồng.

Theo báo cáo, thực hiện thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp từ phân tán sang mô hình quản trị tập trung từ đầu năm 2022 với định hướng mọi hoạt động từ kinh doanh, dòng tiền, tài chính, đầu tư, sản xuất được tập trung về một đầu mối để quản trị, điều hành; Vinafood II đã có thể quản lý chặt chẽ, kịp thời mọi hoạt động, tập trung và phát huy nguồn lực, giúp Tổng công ty nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động hiệu quả. Trong công tác tái cơ cấu, Tổng công ty đã tập trung tái cơ cấu các đơn vị phụ thuộc, công ty con, phát huy lợi thế vùng của từng đơn vị. Qua quá trình tái cơ cấu từ năm 2022 đến nay đã phát huy tác dụng, hầu hết các đơn vị hoạt động có hiệu quả, còn một số đơn vị đang tiếp tục tái cơ cấu, phấn đấu năm 2024 đạt hiệu quả toàn Tổng công ty.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, Vinafood II đã tập trung tái cơ cấu lĩnh vực ngành nghề, sắp xếp tinh gọn bộ máy, nhân sự, kiện toàn các chức danh quản lý từ công ty mẹ đến các chi nhánh, công ty con, tập trung phát triển các đơn vị theo lợi thế vùng nguyên liệu và năng lực hiện có; cải tiến phương thức chi trả lương để tạo động lực cho người lao động; quan tâm, chỉ đạo sâu sát trong công tác quản lý vốn đầu tư, đã giúp cải thiện được hiệu quả hoạt động của một số công ty cổ phần có vốn góp của Tổng công ty. Vinafood II đã từng bước xây dựng lại vị thế, hình ảnh của Tổng công ty đối với khách hàng, thị trường. Sản lượng, doanh thu, kim ngạch xuất khẩu gạo tăng dần qua từng năm và hiện đang là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo có sản lượng, kim ngạch đứng đầu cả nước, đặc biệt năm 2023 sản lượng bán ra gần 1,6 triệu tấn gạo, doanh thu hơn 23.600 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu hơn 700 triệu USD.

Nhờ hoạt động ổn định, kinh doanh có hiệu quả, Vinafood II đã tạo được niềm tin, uy tín với các ngân hàng, từ đó, được các ngân hàng ủng hộ cho vay vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, từ mức hạn mức được cấp tối đa là 1.000 tỷ đồng trong năm 2021-2022, đến nay Tổng công ty đã được nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng tin tưởng, cấp hạn mức lên đến trên 5.000 tỷ đồng trong đó có cả hạn mức tín chấp; khắc phục dần những hạn chế, khó khăn về nguồn vốn, giúp Tổng công ty chủ động nguồn vốn, tính toán chiến lược mua, bán tồn kho hợp lý, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn. Công tác đầu tư đã đi vào trọng tâm, trọng điểm, máy móc thiết bị đã có nhiều cải thiện, giúp sản phẩm của Vinafood II đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, giá thành sản phẩm hợp lý, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu kết luận buổi làm việc

Trên cơ sở báo cáo của Vinacafe và Vinafood II, ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Nông nghiệp, phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp bày tỏ sự phấn khởi trước những chuyển biến tích cực của Vinacafe và Vinafood II trong những năm qua. Theo Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, Vinacafe và Vinafood II là những điển hình tiêu biểu, khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước, đã có những điều chỉnh về bộ máy tổ chức của cán bộ lãnh đạo, bám sát và đồng hành cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xây dựng Đề án tái cơ cấu, thay đổi cách thức quản trị doanh nghiệp; đặc biệt, cùng với đó là sự chủ động, cố gắng và nỗ lực nội tại của các doanh nghiệp, đã từng bước giúp 2 doanh nghiệp này vượt qua khó khăn, xây dựng lại được vị thế, hình ảnh trong mắt đối tác và dư luận, bước đầu đã đạt được những kết quả sản xuất, kinh doanh tích cực, đáng ghi nhận và biểu dương.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cũng thẳng thắn chỉ ra đây mới chỉ là thành công bước đầu; trước mắt, còn nhiều nhiệm vụ khó khăn, cần tiếp tục nỗ lực duy trì sự cố gắng, tập trung của Vinacafe và Vinafood II trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đề cập lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước diễn ra vào ngày 15/6 vừa qua: “phát huy tối đa lợi thế nguồn lực và huy động tối đa sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp nhà nước trong thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cũng lưu ý Vinacafe và Vinafood II một số quan điểm, định hướng về đổi mới và tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Theo đó, Vinacafe cần lưu ý thực hiện tốt các giải pháp để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2024 đã được Ủy ban phê duyệt. Tổng công ty cũng cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Ủy ban về tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Hội đồng thành viên Vinacafe cần tăng cường công tác giám sát, đánh giá toàn diện về tài chính, kết quả và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đặc biệt là giám sát về tài sản, hàng hóa sản phẩm, công nợ, chi phí; hạch toán các khoản thu nhập theo đúng quy định của pháp luật; khẩn trương, quyết liệt trong xây dựng, triển khai phương án tái cơ cấu phù hợp, cải thiện hiệu quả hoạt động của các đơn vị thành viên. Đặc biệt quan tâm về công tác thu hồi công nợ, quản lý đất đai, quản lý tổ chức sản xuất; xử lý nghiêm khắc các trường hợp buông lỏng quản lý đối với đất đai, quản lý vườn cây, tổ chức thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.

Đối với Vinafood II, Tổ đại diện phần vốn nhà nước cần phối hợp với Hội đồng quản trị Tổng công ty, tăng cường kiểm tra, giám sát đặc biệt đối với các doanh nghiệp thành viên kinh doanh thua lỗ, mất an toàn về tài chính; có giải pháp cơ cấu lại các doanh nghiệp này tránh thất thoát vốn và tài sản của doanh nghiệp. Tổng công ty cũng cần tích cực thực hiện đối chiếu công nợ, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan thi hành án thực hiện thu hồi công nợ theo quy định của pháp luật, lành mạnh hóa tài chính của Tổng công ty. Bên cạnh đó, Vinafood II cũng cần tăng cường quản trị doanh nghiệp theo các văn bản của Ủy ban chỉ đạo về công tác tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ dòng tiền tập trung, việc mua bán hàng hóa theo quy chế của Tổng công ty; tiếp tục rà soát kế hoạch chi phí năm 2024 để thực hiện tiết giảm tối đa chi phí theo quy định.

*Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Đồng chí Lê Long – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Hoàng Kim Duy – Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Đặng Hoàng Tuấn – Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Vinacafe đóng góp ý kiến tại buổi làm việc
Đồng chí Trần Tấn Đức – Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Vinafood II đóng góp ý kiến tại buổi làm việc

Nhật Quang

Media
Thư viện hình ảnh

ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Địa chỉ: Số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 08049558 - Fax: 08049585

Website:www.cmsc.gov.vn

Email: ubqlv@cmsc.gov.vn

Giấy phép: Số 132/GP-TTĐT ngày 26/7/2019

Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hoặc

"cmsc.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này