Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

Hội thảo khoa học "55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương"

29/08/2024

Sáng 29/8, tại Nhà Quốc hội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương (1969-2024)”.

Hội thảo khoa học “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương (1969-2024)”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi lẵng hoa chúc mừng Hội thảo. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Vũ Trọng Lân; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đồng chủ trì Hội thảo.

Di chúc – văn kiện lịch sử vô cùng quý giá ở tầm cương lĩnh của Đảng

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô cùng quý giá ở tầm cương lĩnh của Đảng - một bảo vật quốc gia, kết tinh tình cảm và tâm huyết suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp, tận trung Tổ quốc, với Đảng, tận hiếu với nhân dân; hội tụ trí tuệ lỗi lạc, thể hiện sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách mẫu mực, trái tim nhân ái bao la của một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc hội thảo.

Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trước hết về Đảng ta - người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Để Đảng giữ vững và nâng cao vai trò, vị thế của một đảng lãnh đạo - cầm quyền, "là đạo đức, là văn minh", xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân và toàn dân tộc, Người nhấn mạnh việc trước tiên cần phải làm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.

Thấm nhuần sâu sắc triết lý trọng dân, gần dân trong truyền thống dân tộc, với tình cảm yêu thương, quý trọng vô bờ bến dành cho nhân dân, cho mỗi con người, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc toát lên những định hướng quan trọng về sứ mệnh của Đảng trước nhân dân.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, bao quát xuyên suốt trong Di chúc là tình cảm cao đẹp và nghĩa tình sâu nặng suốt đời vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người mà từ thủa thiếu niên cho đến lúc từ biệt thế giới này đã sống "một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ". Một tấm gương mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc đã trọn đời phấn đấu, hy sinh cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và sự tiến bộ của nhân loại.

55 năm qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn sáng dẫn đường, sọi rọi cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững vàng tiến bước trên hành trình cách mạng. Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cùng với cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên các cơ quan Trung ương đã phát huy tinh thần yêu nước, chung sức, đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, có nhiều đóng góp cho công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

Các ban, bộ, ngành, tổ chức đoàn thể ở Trung ương đã tích cực tham gia nghiên cứu, góp phần xây dựng và tổ chức thực hiện, cụ thể hóa đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng trong các lĩnh vực đời sống xã hội; đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng bộ máy tổ chức các cơ quan Trung ương trong sạch, vững mạnh; nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học có uy tín, với 109 bài tham luận tập trung phân tích, nghiên cứu về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những góc độ, khía cạnh hết sức đa dạng, nhiều chiều, xuất phát từ vị trí, lĩnh vực hoạt động, nghiên cứu khác nhau, làm sâu sắc thêm giá trị lịch sử, tầm vóc thời đại của bản Di chúc; nêu bật những thành tựu, bài học kinh nghiệm qua 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương; làm rõ ý nghĩa định hướng trong Di chúc của Người đối với cách mạng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự hội thảo

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đồng hành cùng dân tộc

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: 55 năm qua, tư tưởng và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Người, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến và hy sinh.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, nhờ phát huy sức mạnh toàn dân tộc, với sự chung sức, đồng lòng phấn đấu không ngừng của lớp lớp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo hội thảo

Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng, luôn xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên và then chốt. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, xây dựng Đảng về đạo đức gắn với xây dựng văn hóa liêm chính, coi văn hóa liêm chính là nền tảng xây dựng ý thức và đạo đức của cán bộ, đảng viên, đồng thời, "xây dựng văn hóa liêm chính để "không muốn" tham nhũng, tiêu cực. Muốn xóa bỏ triệt để, tận gốc tham nhũng, tiêu cực, việc xây dựng văn hóa liêm chính với tinh thần như Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói "danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất" chính là giải pháp căn cơ, lâu dài.

“Trong thời gian qua, công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan Trung ương có nhiều chuyển biến tích cực. Đây là những cơ quan tham mưu chiến lược, đội ngũ cán bộ có trình độ về lý luận chính trị và chuyên môn; trực tiếp làm nhiệm vụ tham mưu và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên hầu hết các lĩnh vực quan trọng” - Chủ tịch Quốc hội đánh giá và đề nghị, thời gian tới, các cơ quan Trung ương thường xuyên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để triển khai toàn diện, đồng bộ, sâu sắc công tác xây dựng Đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo, hạt nhân chính trị của tổ chức đảng, trước hết tập trung thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng, đấu tranh phản bác những luận điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đồng thời, tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tập trung lãnh đạo cán bộ, đảng viên tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; phát huy tinh thần trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan Trung ương thực hiện nghiêm các nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Chuyên đề năm 2024 của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương "Tăng cường tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của các cơ quan Trung ương".

Các cơ quan Trung ương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức đảng; lựa chọn vấn đề trọng tâm, then chốt, khâu đột phá để ban hành các nghị quyết chuyên đề và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất của các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp; thường xuyên đôn đốc việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng; kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, ngăn ngừa vi phạm và kiên quyết xử lý sai phạm, giải quyết tốt các vấn đề phức tạp ngay từ cơ sở.

"Trong suốt chiều dài lịch sử của cách mạng Việt Nam, mỗi thắng lợi, mỗi bước đi lên đều gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện kế tục sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"; nguyện "giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình", tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người" - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Trân trọng cảm ơn ý kiếm tham luận, đóng góp của các đại biểu, nhà khoa học, phát biểu bế mạc Hội thảo, Bí thư Đảng ủy Khối Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ tiếp thu tất cả ý kiến tham luận, trên cơ sở đó biên tập làm tài liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập, vận dụng và phát triển sáng tạo di sản Hồ Chí Minh; góp phần thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng và sự nghiệp cách mạng do Người tìm đường, mở đường và dẫn đường; xây dựng thành công nước Việt Nam "hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới" như di nguyện cuối cùng của Người.

Có thể khẳng định, Hội thảo khoa học “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương (1969 - 2024)” nhằm khẳng định sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn của bản Di chúc; truyền trao, khơi dậy và lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội ý chí quyết tâm, niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vĩ đại và sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, từ đó chuyển hóa thành hành động để mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh thời đại, xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.

PV (tổng hợp)

Media
Thư viện hình ảnh

ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Địa chỉ: Số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 08049558 - Fax: 08049585

Website:www.cmsc.gov.vn

Email: ubqlv@cmsc.gov.vn

Giấy phép: Số 132/GP-TTĐT ngày 26/7/2019

Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hoặc

"cmsc.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này