Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018: Chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng trong những tháng cuối năm
05/10/2018
Cmsc-Chiều 3/11, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà tham dự buổi họp.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá kinh tế - xã hội 10 tháng qua tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thành kế hoạch năm 2018.
Các con số tăng trưởng ấn tượng
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và tăng trưởng khá. Đặc biệt là sản xuất công nghiệp trong tháng 10, ước tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 10 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 10,4%, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà tăng trưởng cao, đạt tới 12,7%; sản xuất, phân phối điện tăng 9,6%. Các lĩnh vực, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đều phát triển khá, khẳng định việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp đang phát huy hiệu quả tích cực.
“Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng cao, đạt 11,4% và nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,31%, cao hơn cùng kỳ (8,79%)” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói và cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. CPI tháng 10/2018 tăng 0,33% so với tháng 9. CPI bình quân 10 tháng năm 2018 tăng 3,6%; CPI tháng 10/2018 tăng 3,54% so với tháng 12/2017 và tăng 3,89% so với cùng kỳ năm 2017.
Cùng với đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt hơn 200 tỷ USD, tăng 14,2% và 10 tháng năm 2018, cả nước xuất siêu 6,4 tỷ USD.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo
Nhấn mạnh kết quả trong việc tạo thuận lợi và hỗ trợ thúc đẩy phát triển môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tham gia thị trường, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn số liệu cả nước có gần 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.116 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 9,2% về số vốn. Bên cạnh đó, còn có gần 28.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, trong phiên họp, Người phát ngôn của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong điều hành kinh tế - xã hội, như: Xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế thế giới, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tuy tăng điểm nhưng lại tụt hạng nhẹ.
“Điều này cho thấy năng lực đổi mới sáng tạo, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam hạn chế, cần dồn sức chỉ đạo”– Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói và nhấn mạnh, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp để xóa bỏ rào cản trong quản lý và cơ chế xin-cho, phát huy tính sáng tạo, năng động trong kinh doanh.
Cùng đó là nhiều hạn chế khác, điển hình như một số mặt hàng nông sản vẫn còn giá thấp, xuất khẩu nông sản tăng về số lượng nhưng giá giảm dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa còn diễn biến rất phức tạp; tình hình trật tự an toàn xã hội, tội phạm ma túy, hoạt động xã hội đen, tín dụng đen, bảo kê, cướp giật vẫn xảy ra ở một số địa phương…
Chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng trong những tháng cuối năm
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nghiên cứu kỹ tình hình quốc tế và trong nước, xây dựng ngay kịch bản điều hành năm 2019, đề ra nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể để nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Việt Nam. Thủ tướng cảnh báo, nếu chủ quan thì có thể không đạt được chỉ tiêu, điển hình như ngành nông nghiệp, hiện kim ngạch xuất khẩu trên 33 tỷ USD, trong khi mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là 40 tỷ USD.
Về các nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm, Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
Các bộ, ngành cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước để kiểm soát lạm phát, điều tiết phù hợp các chính sách tiền tệ, tín dụng, tài khóa. Đồng thời, cần lưu ý công tác điều hành giá các mặt hàng trọng điểm, như: Xăng dầu, giá điện cũng như dịch vụ giáo dục, y tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu trong 2 tháng tới, các bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa, bình ổn giá, không để sốt, khan hàng trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.