Hướng tới xây dựng chính quyền điện tử: Cần nỗ lực mạnh mẽ hơn
18/04/2021
Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 mới được công bố cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ liên tục được cải thiện. Bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề mà các tỉnh/thành phố cần thực hiện tốt hơn nữa nhằm đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp (DN).
Toàn cảnh Hội nghị công bố Chỉ số PAPI năm 2020 |
Bức tranh toàn cảnh từ kết quả Chỉ số PAPI 2020 cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công trong nhiệm kỳ chính quyền các cấp 2016-2021 có nhiều chuyển biến tích cực hơn nhiệm kỳ 2011- 2016. Có tới 60 tỉnh, thành phố ghi nhận những thay đổi tích cực, thể hiện qua tỉ lệ tăng trưởng điểm PAPI gốc thường niên dao động từ 0,1% - 3,1% trong thời gian kể từ khi nghiên cứu PAPI bắt đầu theo dõi hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố năm 2011.
Hơn 14.700 người dân đã được phỏng vấn cho báo cáo PAPI 2020. Đây là số lượng người dân tham gia đông nhất kể từ khi khảo sát được thực hiện trên toàn quốc lần thứ nhất vào năm 2011. Đây cũng là lần đầu tiên khảo sát thu thập ý kiến của người dân đăng ký tạm trú. Hơn 300 người di cư đã được khảo sát tại sáu tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, và Bình Dương).
Phát biểu tại Hội nghị công bố Chỉ số PAPI năm 2020, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen, cho biết: "Những phát hiện nghiên cứu nổi bật từ Báo cáo PAPI 2020 là hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong hai nhiệm kỳ (2011 - 2016 và 2016 - 2021); trải nghiệm tiếp cận dịch vụ công (DVC) của người tạm trú tại các tỉnh tiếp nhận nhiều nhập cư; và quan điểm của cử tri về vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Được công bố đúng vào thời điểm Chính phủ bắt đầu một nhiệm kỳ mới, PAPI cung cấp dữ liệu sâu rộng về trải nghiệm người dân trong quá trình tương tác với bộ máy chính quyền các cấp của 63 tỉnh, thành phố. PAPI cũng là thước đo quan trọng để các tỉnh, thành phố xem xét và cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động ở 8 lĩnh vực quản trị và hành chính công".
PAPI 2020: Quảng Ninh đứng đầu cả nước
Cũng như các năm trước, báo cáo PAPI 2020 cung cấp kết quả chi tiết về hiệu quả hoạt động của các tỉnh trên 8 chỉ số nội dung (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính (TTHC) công; Cung ứng DVC; Quản trị môi trường; và Quản trị điện tử), cũng như điểm PAPI tổng hợp.
Năm 2020, không có tỉnh, thành phố nào trong số 63 tỉnh, thành phố nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 8 chỉ số nội dung. 16 tỉnh, thành phố trong nhóm đạt điểm cao nhất tập trung ở các vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Phần lớn các tỉnh trong nhóm thấp nhất tập trung ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.
Đáng chú ý năm nay, Quảng Ninh đã vượt 2 bậc để vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng PAPI 2020 tổng hợp với tổng số điểm 48,811 điểm. Đặc biệt, Quảng Ninh dẫn dầu cả nước ở 3 tiêu chí: Công khai, minh bạch (6,5 điểm); Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (8,29 điểm); Cung ứng DVC (7,71 điểm). Đứng thứ 2 là Đồng Tháp với số điểm 46,961 điểm. Đồng Tháp cũng dẫn đầu cả nước về ở tiêu chí Quản trị môi trường với số điểm 5,2 điểm.
Thái Nguyên đứng thứ 3 với 46,471 điểm. Tỉnh này dẫn đầu cả nước về tiêu chí tham gia của người dân ở cấp cơ sở (6,22 điểm). Ngoài ra so với năm 2019, Thái Nguyên cải thiện điểm số 6/8 tiêu chính đáng giá. Trong khi đó, Hà Nội, một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, lại có số điểm khá thấp với 41,629 điểm và thuộc nhóm có số điểm thấp nhất cả nước.
Chỉ số thủ tục hành chính công tăng nhẹ
Chỉ số nội dung này đo lường chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công ở những lĩnh vực cần thiết nhất cho đời sống của người dân, bao gồm: (i) dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở; (ii) dịch vụ cấp giấy phép xây dựng; (iii) dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; và (iv) dịch vụ hành chính công cấp xã/phường.
4 tỉnh gồm Bắc Ninh, Đồng Tháp, Bình Thuận và Thái Nguyên đạt tiến bộ ở Chỉ số này so với 2019. Chỉ có hai tỉnh Tiền Giang và Cần Thơ đạt kết quả thấp hơn so với năm 2019. Trong số năm thành phố trực thuộc trung ương, Hà Nội và Cần Thơ thuộc về nhóm 16 tỉnh đạt điểm thấp nhất. Phần lớn các tỉnh, thành phố (trừ Hải Phòng, Thái Bình, Hòa Bình và Bắc Ninh) đạt được một số tiến bộ trong cung ứng dịch vụ liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong năm 2020 so với kết quả năm 2016.
Toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đạt tiến bộ ở chỉ tiêu "Trả kết quả đúng lịch hẹn". Phần lớn các địa phương cải thiện dịch vụ hành chính cấp xã/phường khi so với những năm trước. Chỉ tiêu có thay đổi tích cực nhất trong năm 2020 so với 2016 là công khai mức phí phải nộp. Tuy nhiên, năng lực thực hiện TTHC cho người dân ở cấp xã/phường vẫn là điểm yếu của khoảng 20 tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở Khánh Hòa, Lai Châu, Điện Biên, Bình Định, Gia Lai và Cần Thơ.
Ở chỉ số nội dung này, dường như những nỗ lực đơn giản hóa TTHC và cải thiện dịch vụ hành chính công hiện nay tập trung vào những lĩnh vực liên quan tới DN nhiều hơn những lĩnh vực liên quan tới người dân.
Chỉ số cung ứng Dịch vụ công sụt giảm
Chỉ số này đo lường mức độ hiệu quả cung ứng 4 dịch DVC căn bản cho người dân, gồm (i) Y tế công lập, (ii) Giáo dục tiểu học công lập, (iii) Cơ sở hạ tầng căn bản, và (iv) An ninh, trật tự tại địa bàn khu dân cư.
Chỉ có 4 tỉnh (Bình Định, Khánh Hòa, Kon Tum và Gia Lai) đạt bước tiến đáng kể trong hiệu quả cung ứng DVC so với kết quả năm 2019. Trong khi đó, 21 tỉnh, thành phố giảm sút đáng kể so với kết quả năm 2019, đặc biệt là Cà Mau, Ninh Thuận, Đồng Nai và Bến Tre. Phần lớn các tỉnh, thành phố được đánh giá khá ở nội dung thành phần "Y tế công lập", với mức điểm đạt được dao động từ 1,7 điểm (của Lâm Đồng) đến 2,21 điểm (của Đồng Tháp) trên thang từ 0,25 - 2,5 điểm. Ở chỉ tiêu "Chất lượng bệnh viện công tuyến huyện/quận", hiện trạng thiếu giường bệnh vẫn phổ biến ở tất cả 63 tỉnh, thành phố. Ở chỉ tiêu "Chất lượng trường tiểu học công lập", có hơn 30 tỉnh, thành phố đạt điểm cao hơn ở tiêu chí "lớp học là nhà kiên cố", "nhà vệ sinh sạch sẽ", "có nước sạch để uống ở trường" và "không phải học ca ba". Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Phú Thọ và Điện Biên đạt điểm cao nhất ở chỉ tiêu này.
Phần lớn các tỉnh, thành phố được đánh giá khá ở nội dung thành phần "Cơ sở hạ tầng căn bản" ở các tiêu chí về tiếp cận đường xá, điện lưới và thu gom rác thải năm 2020. Điểm trung bình cấp tỉnh dao động từ 1,76 điểm (của Phú Yên) đến 2,38 điểm (của Đà Nẵng) trên thang đo từ 0,25 - 2,5 điểm. Phần lớn các tỉnh đạt điểm trung bình ở nội dung thành phần "An ninh, trật tự địa bàn khu dân cư" năm 2020. Điểm trung bình cấp tỉnh dao động từ 1,34 điểm (của Cao Bằng) đến 1,63 điểm (của Quảng Ninh) trên thang đo từ 0,25 đến 2,5 điểm.
Theo TS. Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES), chỉ số cung ứng DVC bị suy giảm so với các chỉ số khác có thể là do tác động của đại dịch Covid-19 bởi chỉ số này đo lường hiệu quả của các vấn đề điện, đường, trường, trạm.
Hướng tới xây dựng chính quyền điện tử - Cần nỗ lực mạnh mẽ hơn
Trong những năm qua, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân khi thực hiện TTHC công. Bên cạnh việc cắt giảm các thủ tục kê khai, Chính phủ đã đưa vào thực hiện mô hình hành chính "một cửa" – công dân và DN có thể thực hiện các TTHC công. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện chất lượng và hiệu quả nhưng theo báo cáo của PAPI hai chỉ số về TTHC công và cung ứng DVC không có sự tiến bộ đáng kể trong giai đoạn từ 2011 - 2020.
Về chỉ số nội dung Quản trị điện tử năm 2020, tất cả các tỉnh, thành phố đều đạt điểm thấp. Đà Nẵng đạt điểm cao nhất toàn quốc ở chỉ số nội dung này, mặc dù chỉ đạt 3,60 điểm trên thang đo từ 1 - 10 điểm. Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kon Tum và Vĩnh Long có mức gia tăng điểm nhiều nhất ở nội dung thành phần "Sử dụng cổng thông tin điện tử (TTĐT) của chính quyền địa phương" song vẫn ở mức rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, trong số 384 người cho biết đã sử dụng cổng "Cổng DVC trực tuyến quốc gia" năm 2020, 53 người ở Hà Nội và 20 người ở TP. Hồ Chí Minh, số còn lại đến từ 59 tỉnh thành phố khác, và không ai ở Trà Vinh và Bạc Liêu đã sử dụng cổng này.
Mặc dù việc tiếp cận và sử dụng Internet tại địa phương năm 2020 có sự cải thiện đáng kể so với năm 2019 nhưng số người sử dụng cổng TTĐT của chính quyền địa phương vẫn rất thấp và không có mức tăng tương xứng. Việc sử dụng cổng TTĐT của chính quyền địa phương cho một số dịch vụ hành chính công không thay đổi qua 2 năm. Điểm của các tỉnh, thành phố dao động từ 0,33 (của Phú Yên) tới 0,49 (của Bắc Ninh) trên thang đo từ 0,33 - 3,33 điểm. Hầu hết các tỉnh, thành phố đạt điểm rất thấp ở nội dung thành phần "Phúc đáp của chính quyền địa phương qua cổng thông tin điện tử", với mức điểm dao động từ 0,33 (của Quảng Ngãi và Yên Bái) đến 0,58 điểm (của Hà Tĩnh) trên thang đo từ 0,33 - 3,33 điểm.
Lý giải về tình trạng trên, theo ông Giang nguyên nhân có thể là do người dân không biết các dịch vụ đó hoặc biết nhưng nội dung dịch vụ còn nghèo nàn, không đáp ứng đủ thông tin, không rõ ràng khiến người dân lúng túng không biết sử dụng thế nào. Thậm chí có thể việc xây dựng dịch vụ được thực hiện để đối phó, mang tính hình thức, không có chiều sâu khiến người dân muốn sử dụng vẫn phải đến tận nơi để giải quyết.
Trong những năm qua, Chính phủ đã tăng cường, đẩy mạnh hoạt động quản trị điện tử trong lĩnh vực hành chính công, nhằm hướng tới xây dựng một chính phủ điện tử hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, những số liệu từ báo cáo PAPI một lần nữa cho thấy chính quyền các tỉnh, thành cần nỗ lực hơn nữa nhằm đảm bảo người dân có thể tiếp cận các dịch vụ này một cách thuận tiện, nhanh chóng.