Kinh tế Việt Nam 10 tháng năm 2024: Tăng trưởng vượt bậc trong nhiều lĩnh vực chủ chốt
07/11/2024
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê công bố mới đây ghi nhận nhiều lĩnh vực tiếp tục xu hướng tích cực, nhất là về xuất nhập khẩu và đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Xuất nhập khẩu 10 tháng tăng 15,8%
Trong tháng 10/2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%.
Cụ thể, về xuất khẩu hàng hóa, tháng 10/2024 sơ bộ đạt 35,59 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,29 tỷ USD, tăng 2,4%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2024 tăng 10,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 7,3%.
Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 93,97 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 28,0% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 241,62 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 72,0%.
Trong 10 tháng năm 2024, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%).
Theo chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa hàng hóa tháng 10/2024 sơ bộ đạt 33,6 tỷ USD, tăng 5,8% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 12,68 tỷ USD, tăng 15,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 20,92 tỷ USD, tăng 0,5%.So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2024 tăng 13,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,7%.
Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 113,58 tỷ USD, tăng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 198,7 tỷ USD, tăng 15,8%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 98,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 117,7 tỷ USD…
Tính chung 10 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 23,31 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 24,8 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,61 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,92 tỷ USD.
IIP tăng 8,3%
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2024 ước tăng 4% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, IIP ước tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6%, đóng góp 8,3 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,3%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,5%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 7,2%, làm giảm 1,1 điểm phần trăm…
Đáng chú ý, trong tháng 10, cả nước có gần 14,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 26,5% so với tháng trước và giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước; gần 8,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 33,5% và tăng 53,7%; có 5.454 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 28,8% và giảm 0,9%; 5.424 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 26,8% và tăng 10,7%; 1.987 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,8% và tăng 34,3%.
Tính chung 10 tháng, cả nước có hơn 202,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 20,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 173,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Vốn FDI thực hiện tăng 8,8%
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/10 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 10 tháng đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước cũng được tập trung đẩy mạnh thực hiện, tháng 10 ước đạt 68,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024 ước đạt 495,9 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% kế hoạch năm và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024 đã đi qua 3/4 chặng đường, giữa bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu và sự tàn phá nặng nề của siêu bão Yagi, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững và đạt nhiều kết quả quan trọng. Hơn thế, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vừa diễn ra, để sớm khắc phục hậu quả của cơn bão, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan xây dựng, triển khai chương trình khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi tập trung toàn lực nhằm tái thiết cuộc sống để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7%, cao hơn mục tiêu 6 - 6,5% do Quốc hội đề ra vào cuối năm 2023. Theo mục tiêu đề ra, tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam khoảng trên 7%, như vậy trong quý IV, GDP phải đạt từ 7 - 8%. Để đạt mục tiêu này, các ý kiến của chuyên gia kinh tế đều cho rằng rất cần sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả.