Phát triển hệ thống giao thông - hạ tầng, thực hiện chiến lược phát triển 10 năm tới
19/02/2021
Thực hiện đột phá về phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại có ý nghĩa đặc biệt, tạo tiền đề thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 10 năm tới.
Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được kỳ vọng trở thành cảng hàng không trung chuyển lớn nhất Đông Nam Á |
Hạ tầng phải là khâu đi trước để phát triển đất nước
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với phương châm "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển", là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta. Đại hội diễn ra trong bối cảnh đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Một trong ba đột phá chiến lược được xác định trong Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021 - 2030 là: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thực tế cho thấy thời gian qua, đã có nhiều nguồn lực được tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với các công trình hiện đại, nhất là hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Trong 5 năm qua, đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng khoảng 1.400 km đường cao tốc, 6.000 km quốc lộ; hoàn thành dự án mở rộng Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên…, các tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Bắc Giang, Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi...; cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải. Xây dựng và nâng cấp các cầu lớn, hầm lớn, các cảng hàng không quan trọng. Tiếp tục khởi công nhiều đoạn của cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại hội Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, "Tập trung nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại đã được Đảng ta đề cập rất sớm. Hạ tầng phải là khâu đi trước trong giai đoạn chuyển từ đất nước đang phát triển sang đất nước phát triển và đạt đến phát triển trình độ cao. Nó sẽ khai thác được nguồn lực từ các vùng khác nhau, tạo ra nguồn lực chung của đất nước".
Không được để điểm thi công nào vắng bóng nhà thầu
Trong những công trình trọng điểm có quy mô bậc nhất được triển khai thời gian qua là dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua 13 tỉnh, thành phố. Đây là dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn nhất từ trước đến nay và đã cơ bản hoàn thành đảm bảo khởi công cho toàn bộ dự án, khẳng định sự đồng thuận của các cấp và các địa phương. "Không được để điểm thi công nào vắng bóng nhà thầu" - đó là yêu cầu của ngành giao thông đặt ra. Tất cả đang dồn sức để đảm bảo hoàn thành tiến độ chung của dự án.
Những ngày cận Tết, hàng trăm công nhân, máy móc thiết bị vẫn hoạt động với công suất tối đa. Theo đại diện nhà thầu: Đây là thời điểm thuận lợi về thời tiết, chính vì thế cần đẩy nhanh tiến độ cho dự án. Được xác định là công trình trọng điểm cấp quốc gia, chính vì thế ngày từ giai đoạn lựa chọn nhà thầu cũng được xét duyệt chặt chẽ. Các nhà thầu đều cam kết về tiến độ, thậm chí có những đơn vị phấn đấu về đích trước thời hạn. Cho đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng của đoạn dự án Mai Sơn - Quốc lô 45 đã đạt trên 92%. Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai đồng loạt các gói thầu trong dự án.
Đại diện Bộ Giao thông, vận tải (GTVT) cũng cho biết: Đến nay 13 gói thầu xây lắp thuộc 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được chuyển đổi hình thức đầu tư từ đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công đều đã đồng loạt triển khai. Đối với 3 dự án đầu tư công triển khai theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội đã được khởi công từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020, hiện sản lượng thi công của dự án Cao Bồ - Mai Sơn đạt hơn 60%, Cam Lộ - La Sơn đạt hơn 40%. Bộ GTVT khẳng định, cả hai dự án này sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2021, riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ hoàn thành trong năm 2023.
Những dự án hạ tầng quy mô quốc tế - tầm nhìn dài hạn cho tương lai
Giai đoạn tới Việt Nam đang ấp ủ những dự án hạ tầng có quy mô quốc tế. Đơn cử như Dự án sân bay Long Thành. Đây là dự án nằm trong 16 sân bay được mong chờ trên thế giới; là công trình, dự án hạ tầng giao thông lớn nhất từ trước đến nay của nước ta, thể hiện khát vọng vươn lên của quốc gia. Ước tính khi hoàn thành công trình sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP 3 - 5%, phát triển mạnh các đường bay và kéo gần nền kinh tế nước ta với các nước ASEAN và thế giới.
Rà phá bom mìn, san lấp mặt bằng, xây tường rào bao quanh…là những hạng mục sẽ được triển khai đầu tiên của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tiếp đó là các hạng mục nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không và hệ thống giao thông kết nối tuyến. Năm nay, số vốn dự kiến giải ngân cho dự án này khoảng 6.000 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 gồm các công trình thiết yếu trong cảng hàng không được giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 110.000 tỷ đồng. Trong đó bao gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm.
Hiện tại, tỉnh Đồng Nai đã giải phóng mặt bằng được gần 2.500 hecta, gấp đôi so với kế hoạch. Tiếp đó, địa phương này cũng đã bàn giao cho chủ đầu tư mặt bằng sạch. Đồng thời cấp giấy phép sử dụng đất cho Cảng vụ hàng không miền Nam để triển khai giai đoạn 1 của dự án này. Đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho biết cũng đã xây dựng các phương án triển khai tuyến đường nối từ nút giao Dầu Giây đến Quốc lộ 51. Với mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, tuyến đường sẽ kết nối sân bay Long Thành cũng như liên thông các quốc lộ trọng yếu đi qua Đồng Nai như Quốc lộ 1A, 20 và 51.
Đánh giá về ý nghĩa là việc quán triệt sâu sắc nội dung đột phá về tiếp tục phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, GS.TS Hoàng Văn Cường cho biết, đây là phương hướng, đường lối hết sức đúng đắn: "Chính điều đó tạo ra động lực, tạo ra sự thay đổi về mặt diện mạo kinh tế - xã hội đất nước. Trong thời gian tới, chúng ta đặt mục tiêu vươn lên trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2030 và trở thành nước phát triển cao vào năm 2045. Muốn đạt được mục tiêu đó, rõ ràng việc tiếp tục đặt mục tiêu chiến lược – lấy kết cấu hạ tầng là khâu trọng tâm, phải đi trước một bước".
"Đại hội XIII đặt mục tiêu này, không chỉ trong 5 năm mà định hướng phát triển cho 10 năm tới để tập trung nguồn lực, quyết tâm hành động của mọi cấp, mọi ngành. Đặc biệt, không chỉ khai thông nguồn lực từ phía nhà nước mà còn huy động được nguồn lực từ đầu tư tư nhân, của toàn xã hội. Nếu thống nhất được hành động đó, chúng ta sẽ tạo ra được tiềm lực cho phát triển đất nước để đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển" - Phó Hiệu trưởng Trường Đại hội Kinh tế quốc dân cho biết.
Cùng với tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, xác định tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội. Thực hiện ba đột phá chiến lược là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hướng tầm nhìn dài hạn chứ không chỉ là một hay vài nhiệm kỳ sắp tới.