Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng làm việc với IMF
17/04/2019
CMSC Sáng 12/4, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) Hồ Sỹ Hùng đã làm việc với đoàn Điều IV (giám sát kinh tế vĩ mô) thuộc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) do ông Alexandros Mourmouras làm trưởng đoàn.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Cùng tiếp với Phó Chủ tịch còn có đại diện Vụ Tổng hợp, Văn phòng Ủy ban.
Thay mặt đoàn Điều IV - IMF, ông Alexandros Mourmouras bày tỏ sự vui mừng khi được quay trở lại Việt Nam với mong muốn tìm hiểu thêm một số vấn đề để đánh giá diễn biến kinh tế và chính sách của Việt Nam trong thời gian qua, triển vọng thời gian tới, từ đó đưa ra những tư vấn về chính sách thích hợp cho Chính phủ Việt Nam.
Ông Alexandros Mourmouras - Trưởng đoàn Điều IV - IMF |
Ông Alexandros Mourmouras và các cộng sự đã đưa ra các câu hỏi xoay quanh vấn đề quản lý nhà nước, quản lý vốn, vai trò của Ủy ban trong các mối quan hệ giữa các Bộ, ngành, Ủy ban trong quá trình quản lý vĩ mô, quản lý đầu tư cũng như kiểm soát rủi ro và đánh giá năng lực các doanh nghiệp, tiến trình cổ phần hóa đến năm 2020 và các năm tiếp theo…
Một vấn đề mà phía IMF đặc biệt quan tâm là danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian tới cũng như xu hướng tỷ trọng vốn nhà nước của 19 doanh nghiệp mà Ủy ban đang quản lý.
Hoan nghênh, đánh giá cao mục đích của đoàn IMF, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng cho rằng, Ủy ban là một tổ chức trực thuộc chính phủ và cùng với các Bộ, ngành khác liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước… đều hoạt động theo khung khổ luật pháp Việt Nam và đều có chức năng riêng.
Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng phát biểu tại buổi làm việc |
Trả lời câu hỏi về quan hệ giữa các Bộ và Ủy ban, cụ thể như: Bộ Công Thương và Ủy ban trong một dự án đầu tư cụ thể, Phó Chủ tịch khẳng định, các chức năng của Bộ và Ủy ban đã được định nghĩa rất rõ ràng. Bộ chủ quản thì sẽ quản lý về ngành, lĩnh vực, còn Ủy ban sẽ quản lý việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong trường hợp có những vấn đề chưa đồng nhất, dẫn đến việc các dự án có thể bị chậm tiến độ thì hai bên cùng doanh nghiệp cần ngồi lại để tháo gỡ. Các vấn đề khác ngoài chức năng, quyền hạn của mỗi bên sẽ trình chính phủ quyết định.
Về trách nhiệm của Ủy ban đối với các doanh nghiệp nhà nước nói chung, 19 doanh nghiệp trực thuộc nói riêng, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng cho biết, Ủy ban cũng có một phần trách nhiệm, cùng với một số bộ, ngành khác. Tuy vậy, theo Phó Chủ tịch, Ủy ban luôn đề cao ý thức, trách nhiệm mà chính phủ giao nên sẽ luôn chủ động bám sát doanh nghiệp, cùng các Bộ tháo gỡ những nút thắt và điều quan trọng nhất là tham mưu cho chính phủ ban hành các quyết định thuộc kinh tế vĩ mô, công tác thoái vốn và cổ phần hóa.
Với quan tâm của IMF về danh mục, kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Phó Chủ tịch nhấn mạnh, dựa trên phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2016, Ủy ban đã, đang và sẽ thực hiện nghiêm túc, đúng lộ trình và tiếp tục điều chỉnh danh mục cho các thời kỳ tiếp theo...
Bên cạnh các vấn đề nghị sự, hai bên cũng trao đổi thẳng thắn, cởi mở các vấn đề liên quan đến đóng góp của khối kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp FDI và vai trò dẫn dắt của khu vực nhà nước cho nền kinh tế.
IMF được chính thức thành lập năm 1945 với tổng số hội viên cho đến nay là 187 nước. Các nước thành viên hiện có cổ phần lớn nhất trong IMF là Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp.
Ba chức năng chính của IMF gồm: Giám sát tình hình kinh tế tài chính toàn cầu cũng như của các nước hội viên và tư vấn cho nước hội viên về chính sách kinh tế; cung cấp hỗ trợ tài chính ngắn và trung hạn cho các nước hội viên gặp phải những khó khăn tạm thời về cán cân thanh toán và trợ giúp kỹ thuật.