Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng và đoàn công tác CMSC làm việc với Tập đoàn Air Liquide tại Paris (Pháp)
30/08/2024
CMSC Trong khuôn khổ chương trình công tác tại châu Âu, đoàn công tác Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) và một số doanh nghiệp do CMSC làm đại diện chủ sở hữu vốn do Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn Air Liquide tại Paris (Pháp).
Đoàn công tác Ủy ban do Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng dẫn đầu làm việc với Tập đoàn Air Liquide tại Paris |
Đón tiếp và làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có ông Philippe Christodoulou - Phó Chủ tịch Phát triển quốc tế, Công nghiệp lớn của Tập đoàn Air Liquide.
Tại buổi làm việc, ông Philippe Christodoulou - Phó Chủ tịch Phát triển quốc tế, Công nghiệp lớn cho biết, Tập đoàn Air Liquide có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) được khoảng 15 năm. Từ năm 2018, Air Liquide đã hợp tác chặt chẽ hơn với dự án tại Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR). Trong quá trình chuyển đổi năng lượng, Air Liquide đã hợp tác rất chặt chẽ với các Viện nghiên cứu của Việt Nam, trong đó có Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) trực thuộc Petrovietnam. Nối tiếp cuộc thảo luận từ tháng 9/2023, đại diện Tập đoàn Air Liquide một lần nữa khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác với Petrovietnam trong chuyển đổi năng lượng trong tương lai.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch CMSC Hồ Sỹ Hùng cho biết, CMSC rất hoan nghênh và ghi nhận đóng góp của Tập đoàn Air Liquide trong việc đầu tư, phát triển lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong đó có Petrovietnam.
Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh rất quan tâm đến các hợp tác trong chuyển đổi năng lượng của Petrovietnam, đây là hoạt động mới ở Việt Nam nên còn rất nhiều thách thức, do đó, CMSC mong muốn Air Liquide đồng hành với Petrovietnam để tìm giải pháp cho việc thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu để phát triển xanh và bền vững.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Tuấn Anh - Thành viên Hội đồng thành viên Petrovietnam bày tỏ mong muốn được tìm hiểu, trao đổi thông tin trên cơ sở mở rộng phạm vi hợp tác giữa Tập đoàn và Air Liquide trong phát triển nguồn năng lượng xanh, ứng dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), xây dựng tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam. Trong đó, để triển khai chủ chương của lãnh đạo Petrovietnam, các đơn vị của Tập đoàn cũng đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với Tập đoàn Air Liquide trong 3 nội dung: (1) Phát triển hoá dầu từ các mỏ khí đốt tự nhiên dầu CO2 của Việt Nam để xử lý khí tự nhiên hiệu quả, thu hồi CO2, sản xuất Hydrogen, Metanol, Amoniac, quy trình sản xuất Metanol, sản phẩm hoá dầu; (2) Sản xuất Hydro xanh, hoá chất sạch từ nguồn tài nguyên tái tạo của Việt Nam để sản xuất Hydrogen xanh, lưu giữ vận chuyển và phân phối Hydrogen, sản xuất các hoá chất bio khác; (3) Với BSR, nghiên cứu phương án cung cấp Hydro cho dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc hoá dầu Dung Quất.
Trên cơ sở triển khai các MOU đã ký kết, trong thời gian qua giữa Petrovietnam và Air Liquide cũng đã tổ chức thành công nhiều hội thảo để chia sẻ thông tin về sản xuất Hydrogen xanh, Metanol cùng các sản phẩm dẫn xuất ứng dụng của Hydrogen cho giao thông vận tải và Petrovietnam trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
Bên cạnh đó, VPI cũng đã tham khảo các thông tin công nghệ do Air Liquide cung cấp trong các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để dự thảo chiến lược phát triển nghiên cứu năng lượng Hydrogen và kế hoạch triển khai. VPI cũng đang tham khảo kinh nghiệm vận chuyển Hydrogen của Air Liquide cho việc sản xuất và tiêu thụ Hydrogen xanh tại Việt Nam.
Đối với BSR, việc sản xuất khí Hydro do nhà máy tự thực hiện để đảm bảo tính linh hoạt nhất quán trong thiết kế, sử dụng và vận hành nhằm tối ưu hoá năng lượng, bảo đảm an toàn sản xuất của nhà máy.
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, thời gian tới, Petrovietnam rất mong muốn được hợp tác với Tập đoàn Air Liquide ở 3 nội dung sau đây: Thứ nhất, mong muốn Air Liquide cập nhật cho Petrovietnam về tình hình phát triển công nghệ ở các lĩnh vực chuyển dịch năng lượng có thế mạnh như Green, Hydro, Green ammonia (NH3)…
Thứ hai, Petrovietnam sẽ thường xuyên cập nhật cho Air Liquide về các định hướng chiến lược, chính sách của Việt Nam về chuyển dịch năng lượng, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và định hướng chiến lược phát triển của Petrovietnam trong chuyển dịch năng lượng. Đồng thời, mong muốn Air Liquide hỗ trợ các vấn đề liên quan về kinh tế, kỹ thuật, môi trường để đánh giá tính khả thi và hiệu quả của dự án, hỗ trợ Petrovietnam tìm kiếm đối tác có nhu cầu đầu tư.
Thứ ba, mong muốn Air Liquide ngoài cung cấp các bản quyền công nghệ, còn là nhà đầu tư, tham gia đầu tư góp vốn với Petrovietnam thực hiện các dự án chuyển dịch năng lượng.
Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Vũ Chí Cường – Thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) cho biết: Là đơn vị đầu tư xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện khí và nhiệt điện than, PV Power đã nỗ lực triển khai Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch (Đồng Nai) có tổng công suất 1.500 MW với vốn đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD. Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch được đánh giá sẽ mở ra một chương mới trong việc hình thành và phát triển chuỗi các dự án LNG tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuyển dịch tại Việt Nam.
Cùng với đó, theo chiến lược thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, PV Power mong muốn được trao đổi hợp tác với Air Liquide về công nghệ đốt kèm cho các nhà máy: Bao gồm đốt kèm Hydrogen đối với nhà máy nhiệt điện khí và đốt kèm amoni đối với nhà máy nhiệt điện than.
Đánh giá cao những thông tin mục tiêu và mong muốn hợp tác từ phía Việt Nam, ông Philippe Christodoulou nêu rõ những nội dung hợp tác hiện nay giữa Petrovietnam và Air Liquide đều nằm trong lộ trình phát triển và chuyển đổi năng lượng của Việt Nam mà hai bên đã ký kết. Air Liquide khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác với Petrovietnam trên góc độ là nhà đầu tư tại 1 dự án cụ thể và cung cấp chuyển giao công nghệ.
“Trên nền hợp tác 15 năm giữa Air Liquide và Petrovietnam, chúng tôi đề xuất trong thời gian tới 2 bên thống nhất một số dự án thí điểm cụ thể về chuyển dịch năng lượng. Từ đó, triển khai 1 lộ trình cụ thể để Air Liquide có thể tham gia” - ông Philippe Christodoulou đề xuất.
Tại buổi làm việc, đại diện Air Liquide và Petrovietnam đã có những trao đổi chuyên sâu nhằm thống nhất nội dung tiếp tục hợp tác phát triển về triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 và chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Philippe Christodoulou cảm ơn đoàn công tác Việt Nam đã lắng nghe những gợi ý đề xuất của Air Liquide để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên.
Phó Chủ tịch CMSC Hồ Sỹ Hùng cũng dành thời gian lắng nghe những đề xuất, gợi ý của ông Philippe Christodoulou và những thành viên trong đoàn công tác của Air Liquide về phương hướng hợp tác.
“Mong muốn Air Liquide và Petrovietnam sẽ có những bước tiếp theo để dự án có kết quả, bên cạnh đó thành lập nhóm công tác Air Liquide và Petrovietnam trong thời gian sớm nhất” – Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng kỳ vọng và mong muốn trong những chuyến công tác tới Việt Nam làm việc với Petrovietnam sắp tới, Air Liquide có thêm những buổi làm việc với CMSC để hiện thực hoá những kế hoạch trong tương lai.
Đoàn công tác Ủy ban trao quà lưu niệm tặng đại diện Tập đoàn Air Liquide |
Đoàn công tác Ủy ban và Air Liquide chụp hình lưu niệm |