Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh chủ trì họp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về một số nhiệm vụ trọng tâm
20/09/2024
CMSC Sáng 20/9, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh chủ trì cuộc họp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về một số nhiệm vụ trọng tâm.
Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Vụ Công nghệ và Hạ tầng, Vụ Tổng hợp, Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ.
Về phía VNR, có ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch Hội đồng thành viên; ông Hoàng Gia Khánh – Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc; các Thành viên Hội đồng thành viên, cùng đại diện lãnh đạo các Ban chức năng của Tổng công ty.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Gia Khánh – Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VNR cho biết: Ngày 26/6/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 562/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025 (Đề án). Ngày 19/7/2024, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có Văn bản số 1597/UBQLV-CNHT về triển khai thực hiện Đề án và Thông báo số 32/TB-UBQLV ngày 21/6/2024. Trên cơ sở đó, Hội đồng thành viên VNR có Nghị quyết số 11-24/NQ-HĐTV ngày 4/7/2024 để tổ chức thực hiện Quyết định 562/QĐ-TTg và Quyết định số 748/QĐ-ĐS ngày 08/07/2024 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cơ cấu lại VNR giai đoạn đến hết năm 2025 (Ban Chỉ đạo 748).
Ngày 23/7/2024, Ban Chỉ đạo 748 đã họp để triển khai thực hiện Đề án. Theo đó, Tổng giám đốc ban hành các quyết định: số 890/QĐ-ĐS ngày 26/07/2024 thành lập Tổ giúp việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng và phát triển Đường sắt; số 927/QĐ-ĐS ngày 2/8/2024 thành lập Tổ giúp việc thực hiện thoái vốn thực hiện thoái vốn tại 13 công ty cổ phần. Đối với Tổ giúp việc thực hiện việc hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn được thành lập tại Quyết định số 446/QĐ-ĐS ngày 26/5/2022 tiếp tục được duy trì để thực hiện công việc hợp nhất.
Ông Hoàng Gia Khánh – Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VNR báo cáo tại cuộc họp |
Tổ giúp việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng và phát triển Đường sắt do 1 Phó Tổng giám đốc làm Tổ trưởng đã có văn bản báo cáo Ban Chỉ đạo 748 kế hoạch, lộ trình và Đề cương xây dựng Đề án thành lập Trung tâm, gửi Ban Chỉ đạo 748 và được Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR (Trưởng Ban chỉ đạo 748) và Tổng giám đốc (Phó Ban chỉ đạo 748) đồng ý đề xuất về chủ trương của Đề cương. Theo Tổng giám đốc VNR, các kế hoạch, tiến độ công việc cơ cấu lại phù hợp và chấp hành đúng với tiến độ do Thủ tướng Chính phủ xác định tại Quyết định 562/QĐ-TTg.
Về công tác thực hiện Đề án Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý, ngay khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 797/QĐ-ĐS ngày 5/8/2024, VNR đã chủ động tổ chức thực hiện các nội dung theo đúng tinh thần chỉ đạo triển khai Đề án của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, Tổng công ty đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số các nội dung quan trọng liên quan tới công tác rà soát, phân loại danh mục, khối lượng, giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt để lập hồ sơ đề nghị giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; đồng thời, thực hiện xử lý các vật tư thu hồi từ hoạt động bảo trì, thu hồi từ các dự án đầu tư.
Thời gian qua, VNR đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải để sửa đổi Nghị định số 46/2018/NĐ-CP quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đồng thời đề nghị Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn triển khai hoạt động khai thác tài sản trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định và xây dựng Đề án Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.
Theo báo cáo, Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm của VNR đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt. Ngay sau khi được sự thống nhất của Hội đồng thành viên, VNR đã ban hành Kế hoạch triển khai Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm. Với sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, công nhân viên, việc thực hiện Kế hoạch 5 năm của Tổng công ty thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan. Theo đó, với mục tiêu của giai đoạn 2021 – 2023 là phục hồi sau đại dịch và từng bước thoát khỏi tình trạng thua lỗ và bù đắp dần khoản lỗ lũy kế của các nước trước, đến năm 2023, VNR đã bắt đầu có lãi. Trong giai đoạn này, kết quả sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty đều vượt kế hoạch. Cụ thể, doanh thu hợp nhất giai đoạn 2021 – 2023 đạt khoảng 23.800 tỷ đồng, vượt 110,3% kế hoạch của giai đoạn này.
Ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR báo cáo tại cuộc họp |
Báo cáo về tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão tới ngành đường sắt, ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết: Tính tới thời điểm này, về con người, có 1 người lao động tại Ga Lâm Giang (tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai) bị thương do lũ vùi lấp. Theo tính toán, thiệt hại về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư (không tính thiệt hại tại Ga Lâm Giang) vào khoảng 130 tỷ đồng (trên 30 vị trí sạt lở đất lấp đường sắt; trên 40 vị trí ngập nước, trôi nền đường, nền đá; hàng trăm vị trí cây, vật kiến trúc đổ vào đường sắt, đường dây thông tin tín hiệu).
Thiệt hại của doanh nghiệp vào khoảng 48 tỷ, trong đó, thiệt hại về tài sản do doanh nghiệp đầu tư vào khoảng 20 tỷ (17 đầu máy, nhiều phương tiện thiết bị ngập nước; nhiều khu nhà cung cầu, cung đường, lưu trú, trụ sở làm việc bị tốc mái, đổ tường rào). Thiệt hại doanh thu vận tải đường sắt vào khoảng 28 tỷ (bãi bỏ trên 22 chuyến tàu hàng, trên 54 chuyến tàu khách). Cho tới nay, VNR vẫn đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.
Về công tác chủ động tổ chức và có biện pháp kịp thời ứng phó, khắc phục với các tình huống mới có thể xảy ra sau bão. Để chủ động ứng phó, khắc phục sự cố do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra, VNR đã triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải về việc tập trung ứng phó bão số 3 và hoàn lưu bão; kịp thời ban hành hành các Công điện khẩn gửi đến các đơn vị thuộc Tổng công ty và các đơn vị liên quan trong công tác ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu bão nên tất cả các đơn vị đã chủ động bố trí lãnh đạo, người lao động trực, chốt gác tại nơi làm việc, các điểm xung yếu.
Tổng công ty cũng đã chỉ đạo lên phương án khắc phục và trang bị một số máy móc cần thiết để phục vụ chạy tàu sau khi thông tuyến; đến nay chỉ còn tuyến Yên Viên - Lào Cai dừng chạy tàu do đang khắc phục các điểm trôi nền đá, nền đường, sạt lở đất.
Về công tác hỗ trợ của doanh nghiệp đối với người lao động, người dân và địa phương bị ảnh hưởng, các đơn vị trong toàn VNR đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp, ngành, phát động phong trào tham gia ủng hộ nhân dân và người lao động ngành đường sắt bị thiệt hại bởi cơn bão số 3. Bên cạnh đó, song song với việc khẩn trương khắc phục, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, khôi phục hoạt động vận tải đường sắt và sản xuất kinh doanh, các đơn vị chịu ảnh hưởng bởi cơn bão cũng chủ động tới thăm hỏi, động viên người lao động có hoàn cảnh khó khăn, chịu thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra góp phần nhanh chóng khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống của người lao động.
Về công tác hỗ trợ vận tải miễn phí, VNR đã vận chuyển 60 tình nguyện viên từ Huế đến Hải Phòng và ngược lại, đã và đang vận chuyển 620,6 tấn hàng hoá (nhu yếu phẩm, nước, thuốc men, quần áo, sách vở, dụng cụ thiết bị y tế...) từ các ga Sóng Thần, Nha Trang đi các ga Giáp Bát và dự kiến đến ga Yên Bái, Lào Cai.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu kết luận cuộc họp |
Trên cơ sở báo cáo của VNR và ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng, phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh đã cập nhật thông tin tại cuộc họp của Bộ Chính trị về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, diễn ra vào 18/9 vừa qua.
Theo đó, mục tiêu chung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong Chiến lược phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và triển khai các quy hoạch quốc gia. Tuyến đường sắt tốc độ cao này cũng tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan toả, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tuyến đường sắt tốc độ cao cũng bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức, góp phần giảm chi phí logistics. Đồng thời, phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam cũng sẽ tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ. Do đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh yêu cầu VNR sớm triển khai công tác chuẩn bị, trong đó, tận dụng và nâng cấp hệ thống nhà máy cơ khí đường sắt sẵn có của Tổng công ty, hướng tới mục tiêu dài hạn có thể dần dần làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao, từng bước nội địa hóa trong quy trình sản xuất, sửa chữa các bộ phận, linh kiện cơ khí trong ngành đường sắt tốc độ cao. Công tác đào tạo nhân lực phục vụ quản lý, vận hành, khai thác bảo dưỡng và sửa chữa đường sắt tốc độ cao cũng cần được tính toán, lên kế hoạch và sớm triển khai trong thời gian tới.
Về nội dung cơ cấu lại, triển khai Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm, và Chiến lược phát triển VNR thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2035, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và tinh thần đoàn kết của tập thể cán bộ, công nhân viên chức và người lao động của VNR đã chủ động thực hiện các công việc. Những nội dung này đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá và khen ngợi tại Hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh cũng thẳng thắn chỉ ra: Những kết quả tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa qua của VNR dù đáng rất đáng ghi nhận nhưng mới chỉ là những thành công bước đầu. Phía trước vẫn còn nhiều nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước giao phó, đi kèm với đó là những khó khăn, thách thức, cần tới sự đồng lòng, nỗ lực và quyết tâm cao độ của tập thể VNR cần phải vượt qua, hướng tới mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh, tập thể cán bộ lãnh đạo VNR cần có tư duy tổng thể, xây dựng nền móng vững chắc, tiếp tục đổi mới cách thức quản lý, quản trị doanh nghiệp để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Với tầm nhìn dài hạn, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh chỉ ra Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng và phát triển đường sắt cũng như các đơn vị thông tin tín hiệu đường sắt đều là nhân tố quan trọng, nắm giữ công nghệ lõi trong công tác vận hành và khai thác hiệu quả, an toàn hệ thống đường sắt tốc độ cao trong tương lai. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh cũng lưu ý VEC một số nội dung quan trọng trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt cũng như công tác kết nối vận tải hàng hóa, công tác điều chỉnh vốn.
Về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả, thiệt hại do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão tới ngành đường sắt, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh biểu dương và đánh giá tính chủ động, sự quyết liệt trong chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo VNR, thực hiện nghiêm túc công điện chỉ đạo của Thủ tướng và các cấp có thẩm quyền trong công tác phòng, chống cơn bão số 3; đồng thời, đã khẩn trương, tích cực khắc phục hậu quả do bão gây ra.
*Một số hình ảnh tại cuộc họp:
Ông Lê Mạnh Tùng - Vụ trưởng Vụ Công nghệ và Hạ tầng phát biểu tại cuộc họp |
Ông Phạm Văn Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp phát biểu tại cuộc họp |
Ông Văn Đình Quân - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ và Hạ tầng phát biểu tại cuộc họp |
Ông Trần Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phát biểu tại cuộc họp |
Ông Văn Trọng Duẩn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ phát biểu tại cuộc họp |