Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh tiếp lãnh đạo Cơ quan Cơ sở hạ tầng châu Á

19/11/2024

CMSC Sáng 19/11, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Cơ quan Cơ sở hạ tầng châu Á do ông Devin Chan – Phó Giám đốc điều hành dẫn đầu. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Vụ Năng lượng, Vụ Công nghệ và Hạ tầng và Văn phòng Ủy ban.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Devin Chan – Phó Giám đốc điều hành Cơ quan Cơ sở hạ tầng châu Á (InfraAsia) thông tin: InfraAsia là đơn vị do Chính phủ Singapore thành lập nhằm đưa nguồn lực hệ sinh thái doanh nghiệp và hạ tầng của Singapore hỗ trợ thúc đẩy dự án cơ sở hạ tầng cho các chính phủ tại khu vực Đông Nam Á và một số quốc gia khác trong khu vực như Ấn Độ, Bangladesh...

Theo ông Devin Chan, InfraAsia đang tìm kiếm cơ hội hợp tác tại thị trường Việt Nam lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ, logistics và năng lượng mới. Đây là những lĩnh vực thế mạnh của một số doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu. Ông Devin Chan cũng chia sẻ, InfraAsia có thể hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối với các bên tư vấn; tìm kiếm nhà phát triển, nhà cung cấp công nghệ và chuyên môn cũng như hỗ trợ kết nối với các nguồn vốn từ những định chế tài chính.

Ông Devin Chan – Phó Giám đốc điều hành Cơ quan Cơ sở hạ tầng châu Á (InfraAsia) phát biểu tại buổi làm việc

Hoan nghênh mong muốn hợp tác của InfraAsia, phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh thông tin: Là cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu hiện đang hoạt động trên những lĩnh vực trọng tâm của đất nước như năng lượng, công nghiệp, tài chính, nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghệ và hạ tầng.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh, về chủ trương phát triển năng lượng của Việt Nam, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu tổng quát: "Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ngành năng lượng phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN…”. Về quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết số 55-NQ/TW khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023, quan điểm phát triển của Việt Nam là phát triển điện phải bám sát xu thế phát triển của khoa học - công nghệ trên thế giới, nhất là về năng lượng tái tạo, năng lượng mới, gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp. Về phương án phát triển nguồn điện, Việt Nam định hướng tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, mặt trời, sinh khối...), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh...) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Đây là những lĩnh vực mà InfraAsia có thể nghiên cứu cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp năng lượng do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, bao gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu tại buổi làm việc

Trong lĩnh vực công nghệ viễn thông, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết: Chuyển đổi số quốc gia tầm nhìn hướng tới năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, phát triển thịnh vượng, tiên phong ứng dụng các công nghệ mới và mô hình mới. Chính phủ xác định thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở trình độ cao; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Ngày 31/10 vừa qua, phân tích về 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm nhấn mạnh: Chuyển đổi số là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số", trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo. Với những định hướng trên, thời gian tới, InfraAsia có thể nghiên cứu cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, bao gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone, trong đó, có thể tập trung vào một số nội dung như dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing), công nghệ 5G hay trí tuệ nhân tạo (AI)…

Trong lĩnh vực hạ tầng đường bộ, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu phải có 5.000km đường cao tốc để góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần huy động nguồn vốn rất lớn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần chỉ đạo với tinh thần quyết tâm “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, đổi mới tư duy trong phân bổ nguồn lực, lựa chọn công trình có tính lan tỏa cao và xây dựng được cơ chế thu hút vốn đầu tư tư nhân có tính đột phá chính là chìa khóa giúp sớm nối thông cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 và đưa các dự án cao tốc khác đi vào khai thác, từng bước hiện thực hóa khát vọng 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 như mục tiêu đề ra. Do đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh gợi mở InfraAsia nghiên cứu cơ hội hợp tác với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trong lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực hạ tầng hàng không, để hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống cảng hàng không theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải, hội nhập quốc tế sâu rộng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 648/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những mục tiêu cụ thể. Theo đó, giai đoạn đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng hàng không theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải, hội nhập quốc tế sâu rộng; bảo vệ môi trường, tiết kiệm các nguồn tài nguyên; bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không khoảng 295 triệu hành khách và khoảng 4,1 triệu tấn hàng hóa. Quy hoạch đưa ra 8 cảng hàng không mới được hình thành, gồm: Long Thành, Lai Châu, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Phan Thiết, Thành Sơn, Biên Hòa. Trong đó, cảng hàng không Long Thành đang xây dựng; các cảng hàng không mới như Phan Thiết, Quảng Trị, Sapa, đã được Thủ tướng giao Ủy ban Nhân dân các tỉnh là cơ quan quyết định đầu tư và các địa phương đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). InfraAsia có thể nghiên cứu cơ hội hợp tác với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực hạ tầng hàng hải, tại Quyết định số 442/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế. Hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.249 đến 1.494 triệu tấn (trong đó hàng container từ 46,3 đến 54,3 triệu TEU, chưa bao gồm hàng trung chuyển quốc tế); hành khách từ 17,4 đến 18,8 triệu lượt khách. Về kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), xây dựng khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh). Nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa) để khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý. Quy hoạch định hướng phát triển bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) phục vụ đồng bằng sông Cửu Long để có thể triển khai đầu tư khi có đủ điều kiện; các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh, InfraAsia có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC).

Trong lĩnh vực hạ tầng đường sắt, trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có nhiều ý kiến kết luận về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; trong đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10, khóa XIII đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến, tốc độ 350km/giờ và giao các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 8 xem xét, quyết định thông qua chủ trương, một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư dự án. Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh gợi mở InfraAsia có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Nhật Quang

Media
Thư viện hình ảnh

ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Địa chỉ: Số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 08049558 - Fax: 08049585

Website:www.cmsc.gov.vn

Email: ubqlv@cmsc.gov.vn

Giấy phép: Số 132/GP-TTĐT ngày 26/7/2019

Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hoặc

"cmsc.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này