Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư trong phát triển đường bộ cao tốc
18/11/2021
Vừa qua, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức Tọa đàm “Phát triển đường bộ cao tốc ở Việt Nam và việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư” với sự tham dự của các vị Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý. Ông Lê Mạnh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ và Hạ tầng (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) là khách mời tại Tọa đàm.
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đều khẳng định, kết cấu hạ tầng đường bộ, đặc biệt là đường bộ cao tốc đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Trong những năm qua, cùng với hệ thống đường bộ, hệ thống đường bộ cao tốc ở Việt Nam đã được quan tâm đầu tư mạnh mẽ, nhờ đó đã hình thành mạng lưới giao thông quan trọng trên khắp cả nước. Từ đó, đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt tác động rõ nét đến thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước, nhất là các địa phương dọc theo tuyến đường cao tốc…
Tính đến tháng 12/2020, tổng chiều dài các tuyến đường bộ cao tốc đã được đưa vào vận hành khai thác là trên 1.163 km, tổng chiều dài các tuyến cao tốc đang được đầu tư xây dựng trên cả nước là khoảng 911 km.
Để hoàn thành mục tiêu 5.000 km theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ nay đến năm 2030 cần phải hoàn thành thêm khoảng 2.926 km đường cao tốc.
Để thực hiện được mục tiêu trên, nhiều ý kiến nhận định, việc áp dụng các mô hình đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc hiện nay như: Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); đầu tư công; đầu tư theo mô hình Tổng công ty Nhà nước là hạt nhân để phát triển mạng lưới đường cao tốc quốc gia, tương tự như mô hình đang áp dụng tại Nhật Bản, Hàn Quốc là phù hợp, song vẫn có những điểm nghẽn, bất cập cần tháo gỡ, nhất là về mặt chính sách, khung pháp lý để phát huy tốt hơn nữa hiệu quả đầu tư và các lợi ích từ những tuyến đường cao tốc.
Ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Chúng ta cần coi trọng vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong lĩnh vực phát triển hệ thống đường cao tốc. Nhìn vào bài học Hàn Quốc, có thể rút ra kinh nghiệm là nếu “đẩy” lĩnh vực này cho tư nhân thì hệ thống sẽ rất rời rạc, mất tính kết nối. DNNN Việt Nam phải làm chủ trong mạng lưới đường cao tốc này, dẫn dắt, đạo diễn chứ không cần thiết đầu tư toàn bộ.
Qua thực tế ở Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia trong khu vực cho thấy mô hình Tổng công ty đường cao tốc chính là sự khắc phục hài hòa về mô hình đầu tư công truyền thống và mô hình đầu tư PPP, giảm gánh nặng cho ngân sách và gánh nặng thuế, phí cho người dân.
Tuy nhiên, việc xây dựng khung pháp lý, bao gồm các cơ chế, chính sách... cần được hoàn thiện theo hướng nào để Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong đầu tư phát triển, khai thác vận hành đường bộ cao tốc quốc gia. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Trương - Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Đối với mô hình Tổng công ty, phải danh chính ngôn thuận hoạt động thông suốt và nhanh. Mô hình của VEC cũng phải như vậy. Phải xem xét, đánh giá lại và phải có quyết tâm chính trị rất rõ về việc phát triển Tổng công ty nhà nước. Tại Hàn Quốc có KEC, Nhật Bản có NECO... nhưng khi học tập kinh nghiệm quốc tế, không thể áp dụng mô hình "cứng" mà tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của nước ta để có những chính sách phát triển đường bộ cao tốc theo dạng mô hình đầu tư riêng.
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Lê Mạnh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ và Hạ tầng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhận định: Cần hài hòa giữa mô hình đầu tư công truyền thống và mô hình đầu tư PPP trong huy động phát triển đầu tư giao thông nói chung cũng như đầu tư phát triển cao tốc nói riêng. Tại Hàn Quốc và Nhật Bản hiện nay 80% tuyến đường cao tốc là do các tổng công ty đảm nhiệm. Do vậy, cần khắc phục các bất cập cũng như để hài hòa hiệu quả xã hội nói chung và huy động nguồn vốn ngân sách nói riêng để phát triển đường cao tốc ở Việt Nam.
Ông Lê Mạnh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ và Hạ tầng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp |
Nếu xét tiếp cận từ khu vực doanh nghiệp thì doanh nghiệp nào cũng mong mục tiêu, đối tượng từ các vùng đem lại hiệu quả. Đầu tư theo hình thức PPP cũng có rất nhiều thách thức và cơ hội. Nếu triển khai hoàn toàn các dự án đường cao tốc theo quy hoạch đã được phê duyệt thì có dự án mang lại lợi nhuận cao. Thời gian thu hồi vốn ngắn, hiệu quả của dự án cao thì triển khai PPP rất thuận lợi. Nhưng như đường cao tốc Hồ Chí Minh, đặc biệt là phía Đông, nếu đầu tư theo hình thức PPP thì khó thu hút được các doanh nghiệp vì hiệu quả thấp. Tổng mức vốn đầu tư bỏ ra rất nhiều vì số km dài, đi qua địa hình không thuận lợi, chi phí đầu tư tính trên 1km khá lớn. Khả năng hấp thụ nhà đầu tư của dự án thấp, khả năng cạnh tranh thấp hơn các dự án khác, nếu chúng ta không xây dựng hoặc làm cho mô hình tổng công ty đường cao tốc tại Việt Nam mà cụ thể là VEC thực hiện nhiệm vụ của một doanh nghiệp nhà nước. Bởi có những dự án mà chúng ta hấp thụ vốn của nhà đầu tư khác theo PPP được thì doanh nghiệp nhà nước cũng phải có trách nhiệm.
Có nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi, nếu VEC đầu tư vào các dự án đó thì có bảo toàn và phát triển được vốn của nhà nước tại doanh nghiệp hay không? Xét hiệu quả của doanh nghiệp thì chúng ta xét tổng các giai đoạn trong quy hoạch chứ không tách ra xét riêng và đầu tư vào dự án đó thì hiệu quả sản xuất kinh doanh của VEC là thấp thì chúng ta cần nhà đầu tư. Hiện tại VEC đang thực hiện 5 dự án đầu tư, trong đó có 4 dự án đã đi vào khai thác có hiệu quả với tổng số km chiều dài quản lý chiếm khoảng 40 - 45% hệ thống đường cao tốc đang hoạt động. VEC hoạt động theo mô hình doanh nghiệp thì kế hoạch sản xuất kinh doanh trong đó có các chỉ tiêu lợi nhuận hàng năm hoặc trung hạn hoặc ngắn hạn thì phải hòa chung tất cả các dự án đường cao tốc đang triển khai thực hiện. Bây giờ tính riêng lẻ một dự án hiệu quả thấp thì các nhà đầu tư khác không hấp thụ được vốn. Nhưng nếu đầu tư theo PPP thì chi phí huy động nguồn vốn có thể cao hơn VEC huy động, bởi VEC có lợi thế là chi phí vốn rẻ hơn. Tôi cho rằng, chúng ta xây dựng mô hình Tổng công ty đường cao tốc là một giải pháp mang tính quyết định đối với những khó khăn bất cập cũng như thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt khi đầu tư đường cao tốc theo hình thức đầu tư công truyền thống và mô hình đầu tư PPP. "Việc hoàn thiện xây dựng mô hình để tạo động lực phát triển cho VEC có tác động quan trọng, có ý nghĩa mang tính quyết định, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư" - ông Lê Mạnh Tùng nhấn mạnh,
Các đại biểu tại Tòa đàm cũng đã đề xuất nhiều biện pháp liên quan đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về huy động các nguồn lực tài chính cho phát triển các dự án cao tốc; các giải pháp để tháo gỡ khó khăn và phát huy tối đa hiệu quả các mô hình đầu tư, làm cơ sở tiếp tục triển khai xây dựng các tuyến đường cao tốc ở Việt Nam đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng; việc bảo đảm tính liên kết trong phát triển các dự án cao tốc; công tác duy tu, bảo trì để bảo đảm an toàn, chất lượng cho tuyến đường bộ cao tốc…