Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
23/11/2024
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị rà soát lại dự án luật theo tinh thần đổi mới, phân cấp, quản lý theo quy luật thị trường và thiết kế các công cụ không để tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, khuyến khích đổi mới sáng tạo, dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm - Ảnh: VGP |
Bỏ tư duy không quản được thì cấm
Về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập một số vấn đề mang tính quan điểm và một số nội dung cụ thể.
Về một số quan điểm, Thủ tướng cho rằng nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế. Do đó, cần có cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn, nguồn lực hợp pháp một cách tối đa và hiệu quả nhất cho phát triển; gồm nguồn lực Nhà nước, nguồn lực trong nhân dân, nguồn lực xã hội, nguồn phát hành trái phiếu, nguồn lực đi vay, nguồn lực hợp tác công tư…
Muốn vậy, các quy định của pháp luật phải để các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao trách nhiệm biết rõ thế nào là đúng luật để làm, thế nào là không đúng luật để tránh, từ đó mới khuyến khích đổi mới sáng tạo. Đây là nội dung hết sức quan trọng để phát triển nền kinh tế trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Điều này đòi hỏi phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách vận hành, dựa trên tổng kết thực tiễn, những gì được thì tiếp tục phát huy, những gì chưa được thì phải sửa, vướng mắc phải tháo gỡ, thách thức phải vượt qua.
Thủ tướng nhắc lại quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp. Và đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển.
Tuy nhiên, đổi mới, sáng tạo và hội nhập đều phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước ta trong bối cảnh quốc tế hiện nay; từ đó kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh ngoài nước. Quá trình đổi mới sáng tạo, huy động nguồn lực phải lấy nội lực là chính, mà nội lực ngoài con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử-văn hóa, thì cơ chế, chính sách cũng là nguồn lực.
Cơ chế, chính sách đúng, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể đất nước, với xu thế của thời đại thì sẽ nhân đôi, thậm chí nhân ba sức mạnh, giúp chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế, Thủ tướng khẳng định và dẫn chứng cơ chế khoán 10, khoán 100 đã giúp Việt Nam từ nước nhập khẩu gạo thành nước xuất khẩu gạo ngay.
Thủ tướng đề nghị rà soát lại dự án luật theo tinh thần đổi mới, phân cấp, quản lý theo quy luật thị trường và thiết kế các công cụ không để tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, khuyến khích đổi mới sáng tạo, dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm. Các bộ ngành thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước bằng các công cụ như chương trình, kế hoạch, luật pháp, cơ chế, chính sách, giám sát, kiểm tra, thi đua, khen thưởng, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm.
"Làm sao khi ban hành Luật thì một số vướng mắc được tháo gỡ, một số vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng chưa có quy định được giải quyết, một số quy định lạc hậu so với thực tiễn cần bỏ đi, tinh thần là bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị, những gì đã chín đã, rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì đưa vào luật - Ảnh: VGP |
Đề xuất mở rộng phạm vi và đối tượng thử nghiệm có kiểm soát
Về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Thủ tướng cho biết, hiện chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh với các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật. Trên thế giới, rất nhiều nước đang đặt vấn đề quản lý và thúc đẩy trí tuệ nhân tạo, vừa thúc đẩy phát triển vừa quản lý được. Do đó, việc ban hành luật mới là cần thiết vì chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn phát triển mới.
Thủ tướng cũng cho rằng, không nên băn khoăn về việc "luật vừa ban hành xong lại phải sửa". Việc xây dựng, ban hành các quy định phụ thuộc vào thông tin có được, thực tiễn tình hình và tư duy, suy nghĩ ở một thời điểm nhất định, nhưng khi tình hình khác, quy định có vướng mắc, không đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì mạnh dạn sửa, đó cũng là điều tự nhiên, bình thường, Thủ tướng nêu quan điểm.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị muốn phát triển lĩnh vực nào thì phải có ưu đãi. Hiện chúng ta đang ưu tiên tăng trưởng, thì ngoài việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) thì phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, trong đó có lĩnh vực công nghệ số.
Nêu rõ tầm quan trọng của ngành chip bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, muốn đi trước đón đầu, phải đi bằng công nghệ mới này. Do đó, phải có ưu tiên về đất đai, thuế, phí, lệ phí, cung cấp điện, nước, hạ tầng và tài chính…
Trong đó, Thủ tướng nêu rõ, ưu đãi về tài chính là một cách thức thu hút nhà đầu tư, các tập đoàn lớn của thế giới mở rộng hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam, tạo cơ hội tiếp cận và chuyển giao công nghệ. Song song với ưu đãi tài chính, cần có những hỗ trợ phù hợp để tận dụng tốt ưu thế địa lý, đủ sức thuyết phục với các nhà đầu tư, tập đoàn lớn. Đồng thời, việc thu hút doanh nghiệp lớn phải tính toán kỹ lưỡng lợi ích quốc gia trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Phải lấy lợi ích tổng thể, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết chứ không chỉ tính toán lợi ích cụ thể.
Đối với cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm, nếu cứ giữ vòng an toàn của mình thì không gian sáng tạo sẽ hạn chế, trong khi "đổi mới để vươn cao, sáng tạo để bay xa".
Thủ tướng cho rằng, nếu thử nghiệm không gian sáng tạo thì nên mở rộng phạm vi và đối tượng thử nghiệm thuộc ngành công nghệ số; còn nếu cần kiểm soát thì kiểm soát về thời gian mới là điều quan trọng và hiệu quả hơn kiểm soát phạm vi và đối tượng. Ví dụ, cho phép thử nghiệm một năm, nếu làm tốt, hiệu quả thì tiếp tục, mở rộng ra, còn nếu không tốt, không ổn thì hạn chế, dừng lại.
Thủ tướng cũng cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất của chúng ta trong ngành công nghệ số là nguồn nhân lực, trong khi dân số Việt Nam trẻ và người Việt Nam có tư duy toán học tốt. Do đó, phải có chính sách để khuyến khích các cơ sở giáo dục-đào tạo tăng cường đào tạo nhân lực cho bán dẫn, điện toán đám mây, Internet vạn vật…
Đồng thời, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo đang phát triển trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, tác động tới mọi người, mọi nhà và sẽ để lại khoảng cách lớn rất nhanh với những người yếu thế, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo… do đó phải có chính sách hỗ trợ với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, do tình hình đang biến đổi rất nhanh, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị luật chỉ quy định khung, nguyên tắc, còn lại giao cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quy định, Quốc hội tăng cường công cụ giám sát, kiểm tra, đôn đốc và điều chỉnh nếu thấy chưa được, để vừa mở rộng không gian sáng tạo, vừa nâng cao hiệu quả quản lý.
Với cả 2 dự án luật, Thủ tướng lưu ý cần quy định về điều khoản chuyển tiếp và về áp dụng pháp luật để không tạo khoảng trống pháp lý và xử lý được khi các luật có quy định khác nhau.