Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai sản xuất – kinh doanh của EVN
11/08/2022
CMSC Ngày 10/8, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng đã chủ trì buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình sản xuất kinh doanh và kế hoạch tài chính năm 2022 của EVN.
![]() |
Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Vụ Năng lượng, Vụ Tổng hợp và Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ (Ủy ban). Về phía EVN, có ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc, ông Nguyễn Xuân Nam – Phó Tổng giám đốc, cùng đại diện các Ban chức năng và đơn vị thành viên.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện EVN cho biết: về sản xuất, cung ứng điện, trong 7 tháng đầu năm 2022, EVN và các đơn vị đã rất nỗ lực trong việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân. Theo đó, 7 tháng đầu, năm sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 158,017 tỷ kWh, tăng trưởng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021; điện thương phẩm toàn quốc 7 tháng đầu năm đạt 138,65 tỷ kWh, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Trong đó, điện cấp cho công nghiệp tăng 4,11%, điện cấp cho quản lý và tiêu dùng tăng 4,05%, điện cấp cho kinh doanh và dịch vụ tăng 14,67%. Ước thực hiện cả năm 2022, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống khoảng 274,4 tỷ kWh, tăng trưởng 7,6% so với năm 2021. Điện thương phẩm toàn quốc ước đạt 241,6 tỷ kWh, tăng trưởng 7,25% so với năm 2021.
Kết quả cân đối cung cầu điện cho thấy, với kịch bản cung cấp đủ than cho phát điện, hệ thống sẽ đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu dân sinh. Do tình hình thủy văn thuận lợi, trên cả 3 miền lưu lượng nước về tốt hơn trung bình nhiều năm, dự báo cả năm 2022, EVN huy động tối ưu hệ thống điện, sản lượng thủy điện phát dự kiến đạt kỷ lục (96,55 tỷ kWh).
Về các giải pháp để đảm bảo cân bằng tài chính năm 2022, EVN đã nỗ lực tiết giảm chi phí sản xuất điện, chi phí các khâu: truyền tải, phân phối, phụ trợ. Đồng thời, triệt để tiết kiệm chi phí thường xuyên, chi phí sửa chữa lớn. Nguồn điện được huy động tối ưu như: tăng tỉ lệ huy động thủy điện, giảm nguồn có giá thành cao (như nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu). Tuy nhiên, trong thời gian qua, giá nhiên liệu theo thị trường tăng rất cao và chi phí đầu vào tăng mạnh, đã làm cho chi phí sản xuất điện tăng cao, dẫn đến EVN rất khó khăn trong cân đối tài chính. Tại buổi làm việc, EVN đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị tới Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn.
![]() |
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng phát biểu kết luận buổi làm việc |
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến đóng góp của các Vụ chức năng, phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng ghi nhận và đánh giá cao EVN dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã Tập đoàn đã đề ra các giải pháp và quyết liệt thực hiện nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân và cân bằng tài chính.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng nhận định, do những biến động trong thời gian gần đây về chính trị và tình hình biến đổi khí hậu nên giá thành nguồn cung năng lượng và chi phí đầu vào trên thế giới đang ở mức cao, những khó khăn trước mắt phần nào vượt quá nguồn lực của EVN. “Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng EVN xây dựng báo cáo trình Chính phủ về những nguyên nhân khách quan tác động đến hoạt động của Tập đoàn, để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, tìm phương hướng tháo gỡ khó khăn” - Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng khẳng định.